Bức xúc nhưng đành phải chịu ?
Những ngày qua, sau phản ứng từ phía nhà phát hành BHD và nghệ sĩ Ngô Thanh Vân - nhà sản xuất phim Tấm Cám: Chuyện chưa kể, phía CGV liên tục đưa ra những thông cáo báo chí tuyên bố “hành vi cạnh tranh không lành mạnh sẽ được các cơ quan có thẩm quyền xử lý thích đáng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của CGV cũng như bảo vệ môi trường đầu tư minh bạch, công bằng”.
Trả lời PV Thanh Niên về việc có từng bị chèn ép về tỷ lệ doanh thu trong việc hợp tác phát hành cho các phim của mình khi trình chiếu ở các cụm rạp CGV, ông Văn Chí Hùng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phim Thiên Ngân (Galaxy Studio), cho biết: “Đúng là các phim Galaxy phát hành tại hệ thống rạp CGV thường bị áp dụng tỷ lệ doanh thu thấp. Chẳng những thấp hơn tỷ lệ doanh thu CGV đòi cho phim họ phát hành, mà còn thấp hơn thông lệ chung của đa số các nước trên thế giới. Họ tự đánh giá phim một cách cảm tính, không có tiêu chuẩn, căn cứ, rồi thông báo cho nhà phát hành tỷ lệ doanh thu qua điện thoại, từ chối thương lượng. Trường hợp Galaxy Studio do quy mô cũng tương đối lớn trên thị trường nên mức độ chèn ép từ phía CGV không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, đối với các nhà phát hành nhỏ hơn thì CGV chèn ép ở mức độ nghiêm trọng hơn. Phim đến từ các nhà sản xuất càng nhỏ thì bị áp đặt tỷ lệ doanh thu càng thấp. Theo chúng tôi, đây là hành vi có dấu hiệu phân biệt đối xử vi phạm luật pháp”.
|
|
Bà Vũ Thị Bích Liên, Tổng giám đốc Hãng phim Sóng Vàng, chia sẻ: “Việc CGV lấy tỷ lệ ăn chia tuần đầu lớn hơn cả nhà sản xuất là vô lý, cá lớn nuốt cá bé. Là nhà sản xuất, chúng tôi mong CGV có thể ngồi lại với các đơn vị để cùng nhau vạch ra một tỷ lệ ăn chia làm sao cho nhà sản xuất nhận được phần hợp lý”. Các thông tin cho biết nhà sản xuất Dung Bình Dương với phim Tik tak anh yêu em và đạo diễn Lý Hải với phim Lật mặt 2 dù chiếu tại CGV cũng ấm ức vì bị xếp lịch chiếu vào các giờ không tốt (8 giờ 30, 9 giờ, 13 giờ, 23 giờ 55, 0 giờ 25…). Bà Bích Liên nói thêm: “Một khi đã đồng ý chiếu, chúng tôi mong CGV xếp lịch chiếu có giờ vàng”.
Cơ quan chức năng đang xem xét để xử lý việc chèn ép
Theo Quyết định 2156/QĐ-TTg ngày 11.11.2013 của Thủ tướng phê duyệt Chiến lược, quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ đã đặt mục tiêu: (1) Đến năm 2015, sản xuất 25 - 30 phim truyện/năm, (2) Đến năm 2020, sản xuất: 40 - 45 phim truyện/năm, (3) Đến năm 2030, sản xuất 55 - 60 phim truyện/năm.
Tuy nhiên, với mức chia doanh thu không thỏa đáng như trên, nhiều nhà làm phim cho biết họ không đủ tiền tái đầu tư, nhà sản xuất phim vô cùng e dè lo ngại trong việc tiếp tục cho ra đời những sản phẩm mới. Nhiều nhà sản xuất hy vọng: “Các cơ quan ban ngành của Chính phủ hãy có những động thái điều chỉnh cụ thể, phù hợp với luật pháp VN, thông lệ quốc tế, nhằm hạn chế những hoạt động mang tính lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, dẫn đến việc độc quyền nhằm chèn ép các nhà sản xuất phim Việt; cũng như kịp thời có những chính sách, tác động thiết thực và kiên quyết để ủng hộ cho các nhà sản xuất VN”.
Hiện tại, các nhà sản xuất như Galaxy, BHD, Golden Media, VAA… cho biết họ mong muốn hoạt động trong môi trường cạnh tranh lành mạnh, tuân thủ pháp luật. Chính Hàn Quốc, để có được thành công như hôm nay, nền điện ảnh Hàn Quốc được nhà nước bảo hộ, bảo trợ và đầu tư rất cao. Các phim do Hàn Quốc sản xuất được bảo đảm áp dụng tỷ lệ công bằng chứ không như ở VN, các nhà sản xuất vừa làm phim vừa nơm nớp lo sợ không biết phim mình có được chiếu không, và nếu có thì nhận được doanh thu ở mức nào.
Bình luận (0)