Nỗi lo chất lượng giáo dục: Hơn một học kỳ, con vẫn chưa thể đọc trơn

14/03/2022 06:05 GMT+7

Học trực tuyến hơn nửa năm, đi học lại thì phải nghỉ học gián đoạn vì thuộc diện F0, F1... Điều này khiến cho hoạt động dạy và học, nhất là với lứa học sinh nhỏ ở bậc tiểu học càng thêm khó khăn.

Học sinh “hụt hơi”

Dưới tác động của dịch Covid-19, lứa học sinh (HS) năm nay ở TP.HCM và nhiều tỉnh thành khác đã bắt đầu một năm học chưa từng có trước đây, đó là học trực tuyến hoàn toàn. Với bậc tiểu học, đặc biệt là lứa HS lớp 1, lớp 2 thì đây là năm đầu tiên các em trải qua nhiều khó khăn trong học tập đến vậy.

Mãi đến ngày 14.2, HS tiểu học tại TP.HCM mới được đến trường sau hơn một học kỳ học trực tuyến hoàn toàn. Nhưng số ca F0, F1 tăng nhanh trong trường học khiến việc đến trường của các em bị xáo trộn, ngắt quãng liên tục khi phải cách ly ở nhà. Nhiều phụ huynh, giáo viên lo ngại về chất lượng học tập khi lớp học không thể hoạt động ổn định.

“Con tôi đứa đầu chỉ cần học hết học kỳ 1 là đã đọc vanh vách, viết được cả đoạn văn. Còn lứa năm nay, không chỉ một mình con bé mà nhiều bé khác trong lớp đến giờ vẫn đánh vần, đọc chậm, viết rất chậm và xấu”, chị Hồ Thị Quỳnh Hương có con học lớp 1 tại Trường tiểu học Lê Văn Thọ (Q.Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ.

Học sinh lớp 1 tại TP.HCM vừa trải qua đợt kiểm tra học kỳ 1 khi đến trường học trực tuyến từ sau tết

ĐÀO NGỌC THẠCH

Chưa kể, theo chị Hương thì dù đã được đi học trở lại nhưng việc học của con bị gián đoạn liên tục, vì tuần trước đó con thuộc diện F1 nên phải nghỉ học gần một tuần, đi học được 3 - 4 ngày lại phải nghỉ học vì mắc Covid. Chị Hương cho biết trong nhóm phụ huynh của lớp, nhiều người lo lắng khi cho rằng chất lượng học tập không thể nào bằng những năm trước đây vì việc học hiện vẫn bị xáo trộn quá nhiều.

Theo nhiều nhà quản lý giáo dục, đây là điều dễ hiểu vì trẻ học trực tuyến hoàn toàn hơn một học kỳ, khi đi học lại cũng bị đứt đoạn vì dịch Covid-19. Đặc biệt, với những trẻ có học lực ở mức trung bình, cha mẹ có ít thời gian hỗ trợ thì việc học của các em sẽ khó khăn hơn nhiều. Điều này thấy rõ hơn thông qua bài kiểm tra học kỳ của các em mới đây, đặc biệt với lớp 1 và lớp 2.

“Một số em lứa lớp 1 năm học trước chỉ vừa đạt điểm trung bình để lên lớp 2, cả học kỳ vừa rồi học trực tuyến ở nhà không có sự hỗ trợ của phụ huynh… thì bây giờ đi học lại các em gặp rất nhiều khó khăn. Con số này không nhiều nhưng là một vấn đề lớn, giáo viên dù rất quyết liệt nhưng vẫn có những em đã học hơn một học kỳ lớp 2 nhưng đọc âm, vần vẫn chưa tròn trịa. Đây là một phần hệ quả của Covid-19, nếu được học trực tiếp ổn định tại trường, giáo viên sẽ có nhiều thời gian hỗ trợ, kèm cặp các em hơn”, bà Đặng Thu Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phù Đổng (Q.6, TP.HCM), chia sẻ.

Đáng ra, lứa HS này sau đó phải được tiếp tục kèm cặp, hỗ trợ rất nhiều nhưng vì dịch Covid-19 ập tới, hơn một học kỳ học trực tuyến, không có sự hỗ trợ dễ khiến các em bị “hụt hơi”. Đặc biệt với lứa HS lớp 1, lớp 2 vì lứa tuổi còn nhỏ các em chưa chủ động được trong việc học.

Theo bà Hà, việc đi học trở lại của HS cũng bị ngắt quãng, với những lớp nào có F0, sẽ tùy tình hình chuyển cả lớp sang học trực tuyến, hoặc nếu số F0, F1 ít thì các em cách ly, học tại nhà. Điều này khiến chất lượng dạy và học không thể nào đạt được 100% như khi học trực tiếp hoàn toàn như những năm trước.

Học sinh lớp 1 đến trường học trực tiếp

nguyễn loan

Học trực tiếp vẫn hiệu quả hơn nhiều

“Việc trẻ em bây giờ đi học không thể nào tránh khỏi trong lớp học có ca nhiễm. Nhưng sau gần một tháng HS đi học lại, chúng ta có thể thấy rằng việc học trực tiếp ở trường vẫn hiệu quả hơn rất nhiều”, cô Hà nói.

Khi đề cập về chất lượng học tập chung của khối tiểu học, bà Lại Thị Yên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Huỳnh Văn Ngỡi (TP.Thủ Đức, TP.HCM), nói: “Đương nhiên chất lượng học tập không thể nào bằng như trước đây, về mặt bằng chung HS sẽ bị chậm 1 - 2 nhịp so với việc được học ở trường ổn định như những năm chưa có dịch bệnh. Nhưng cũng tùy từng em, có một số em vẫn thích nghi và theo học tốt, còn một số em nếu đã chậm thì càng dễ thiệt thòi khi việc học bị nhiều xáo động như thời kỳ này”.

Đặc biệt với lớp 5, bà Yên cho biết giáo viên sẽ lưu tâm, dành thời gian và có chương trình củng cố, hỗ trợ để các em có thể tự tin hoàn thành bậc tiểu học, không bị thiếu hụt kiến thức, kỹ năng khi chuyển cấp vào cuối năm học. Theo bà Yên, học trực tiếp chất lượng trong lớp sẽ đồng đều hơn khi giáo viên có thể nắm bắt, phân bổ thời gian hỗ trợ những em yếu hơn. Vì thế, rất mong HS có thể đi học ổn định trở lại.

“Hổng chỗ nào thì vá lại chỗ đấy”

Thừa nhận những khó khăn tất yếu khi dạy học trong thời kỳ dịch bệnh, bà Tạ Thị Thu, Hiệu phó chuyên môn tại Trường tiểu học tại ICS (TP.Thủ Đức), cũng cho rằng sẽ có những “lỗ hổng” kiến thức. Bài toán của thầy cô, phụ huynh là làm sao giúp học sinh lấp “lỗ hổng” này.

Để duy trì được 80 - 95% chất lượng, bà Thu cho biết trường phải áp dụng rất nhiều biện pháp, duy trì song song hai hình thức dạy trực tiếp - trực tuyến.

Nhưng theo bà Yên, với mô hình nào thì trong thời gian cách ly tại nhà, HS không thể tương tác với giáo viên như trên lớp, do vậy HS vẫn cần phải chủ động và được hỗ trợ từ phụ huynh. Đặc biệt, sau mỗi đợt cách ly tại nhà, HS sẽ có những “lỗ hổng” kiến thức nhất định, giáo viên sẽ là người theo sát giúp các em “vá” lại những kiến thức bị thiếu hụt.

Trong khi đó, theo ông Phạm Văn Gắt, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trân (H.Bình Chánh, TP.HCM), khi HS được đến trường, tương tác trực tiếp thì giáo viên sẽ có những điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời với những em yếu hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.