Phổ thông: Từ trên 4 triệu đồng cho đầu năm học
Chị Nguyễn Thị Thu Uyên (39 tuổi, ở P.Đống Đa, TP.Quy Nhơn, Bình Định) có 2 con. Đứa lớn bước vào lớp 6 (Trường THCS Trần Hưng Đạo), đứa nhỏ hiện học lớp lá. Với bé lớp 6, chi phí “khởi đầu” cho một năm học khoảng 4 triệu đồng. Trong đó 2 triệu đồng học phí, tiền xây dựng trường và bảo hiểm, 1 triệu đồng quần áo, 1 triệu đồng sách vở. Đó là chưa kể tiền giày dép, cặp đi học, tiền quỹ lớp, tiền cho con đi học thêm... Đứa nhỏ lớp lá có mức học phí khoảng 2 triệu đồng/tháng.
Các học sinh lớp lá Trường mầm non Sen Hồng, TP.Quy Nhơn tham gia một hoạt động ngoại khoá |
tâm ngọc |
Với mức thu nhập từ lương công chức nhà nước như chị (khoảng 6 triệu đồng/tháng), chồng làm lái xe công trường (7 triệu đồng/tháng) thì tổng chi phí học tập cho 2 đứa con là gần như quá sức, phải tính toán chi tiêu thật kỹ mới đủ.
Một lớp học ngoại khoá tại Trường ĐH Quy Nhơn |
lê thanh hải |
Chị Lê Thị Mỹ Bình (ở P.Ghềnh Ráng, TP.Quy Nhơn) có một con trai đang học Trường THPT Nguyễn Thái Học (TP.Quy Nhơn) cho biết, chi phí cho mỗi năm học mới khoảng 5 triệu đồng. Trong đó tiền học phí hơn 2 triệu đồng, tiền bảo hiểm gần 1 triệu đồng, sách vở 1 triệu đồng, quần áo 1 triệu đồng. Đó là chưa tính tiền đi học thêm.
Cô và trò Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Bình Định trong một buổi sinh hoạt chung |
tâm ngọc |
Với mỗi môn học thêm, tiền học nộp tại nhà cho giáo viên khoảng 500 nghìn đồng. Nếu mời gia sư đến nhà thì có giá 1,2 triệu đồng/môn. Như vậy, nếu con chị học thêm 4 môn gồm toán, lý, hoá, Anh văn thì chi phí ít nhất 2 triệu đồng/tháng. Riêng với tiếng Anh, nếu học ở các trung tâm tại TP.Quy Nhơn thì mức học phí khoảng 1-2 triệu đồng/tháng.
Nhiều học sinh được tham quan và tìm hiểu khoa học tại Nhà mô hình Vũ trụ ở TP.Quy Nhơn |
lê thanh hải |
Đại học: Học phí tầm 15-16 triệu đồng
Tại Trường ĐH Quy Nhơn, các sinh viên đang theo học ở đây tùy theo ngành mà sẽ đóng các mức học phí khác nhau. Tuy nhiên, con số chênh lệch không quá lớn và cũng được xem là "dễ thở" hơn so với việc học đại học tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Chi phí hàng năm tại ĐH Quy Nhơn mà các phụ huynh phải đóng cho con được xem là "dễ thở" hơn nhiều so với các thành phố lớn |
lê thanh hải |
Chị Trần Thị Bích Huyền (50 tuổi, TP.Quy Nhơn) có con đang chuẩn bị vào học năm 2, Khoa Lý luận chính trị - Luật và Quản lý Nhà nước (Trường ĐH Quy Nhơn) cho biết: "Học phí tính theo tín chỉ nên cũng tùy năm, tùy sức học của cháu. Năm rồi, tôi đóng học phí và bảo hiểm cho con hết 13 triệu đồng, chưa kể các khoản lắt nhắt đóng nhiều đợt như quỹ lớp, quỹ đoàn, ngoại khoá... Tổng cộng cũng hết hơn 15 triệu đồng. Đó là nhà ở Quy Nhơn và ăn ở chung cha mẹ luôn rồi, chưa tính tiền sinh hoạt hàng tháng. Nói chung, với mức chi phí này, nếu còn phải thuê nhà và sinh hoạt phí như các sinh viên từ nơi khác đến thì tương đối cao so với mức sống và thu nhập ở Quy Nhơn".
Một sinh viên khác là Nguyễn Mỹ Linh (quê Gia Lai, hiện chuẩn bị bước vào năm 2, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường ĐH Quy Nhơn) chia sẻ: "Năm ngoái em đóng tiền học theo tín chỉ là hết 14,9 triệu đồng, đã gồm bảo hiểm y tế. Mỗi tháng, tiền sinh hoạt phí và thuê trọ của em ở đây khoảng 3,7 triệu đồng (gồm 1 triệu tiền nhà, tiền ăn 2,1 triệu, tiền xăng 400.000 đồng, tiền đồ dùng 200.000 đồng). Nếu cố gắng thì em có thể tiết kiệm 300.000 đồng/tháng".
Khuôn viên ĐH Quy Nhơn, nơi được xem có vị trí đẹp nhất trong các trường ĐH tại Việt Nam |
lê thanh hải |
Con đi học xa, càng "ám ảnh" chi phí đầu năm học
Một phụ huynh khác đang có 2 con học 2 trường ĐH tại TP.HCM là chị Phạm Thúy Hà (ở TP.Quy Nhơn) cho biết, với mức học phí và sinh hoạt phí như hiện tại, nếu tính trung bình, vợ chồng chị phải có ít nhất 16 triệu đồng/tháng để lo cho 2 con. Đứa lớn học năm cuối ĐH Tôn Đức Thắng với học phí khoảng 40 triệu đồng/năm. Đứa nhỏ học năm 2, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Khoa Công nghệ thông tin có học phí 32 triệu đồng/năm. Tiền ăn, ở hàng tháng của mỗi đứa con khoảng 3 - 3,5 triệu đồng. Cả hai đều học lớp chất lượng cao nên học phí có nhỉnh hơn lớp thường một chút.
Ở nhiều gia đình khác, trong điều kiện kinh tế eo hẹp hơn, thì việc đóng học phí và các chi phí khác cho con vào đầu mỗi năm học là “nỗi ám ảnh” đầy sợ hãi. Chị Mỹ Dung, có con đang học ĐH Ngoại thương TP.HCM, cho biết: “Tôi là mẹ đơn thân, làm nghề thợ may nên thu nhập thật sự là không thể đủ cho con ăn học ở TP.HCM. Mừng một nỗi là con tôi chăm học, học giỏi nhưng quả thật lúc cháu đậu ĐH thì vui đó mà buồn đó. Ngoài việc trông vào chương trình cho sinh viên vay tiền đi học đại học của Nhà nước, một ít tiền tôi dành dụm được thì cháu gần như phải tự trang trải sinh hoạt phí hàng tháng bằng cách đi làm thêm gia sư”.
Quy định mức thu các khoản dịch vụ phục vụ, hỗ trợ giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập |
tâm ngọc |
UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành Quyết định số: 44/2022/QĐ-UBND (có hiệu lực từ ngày 19.8.2022) về việc thu học phí cho năm học mới. Theo đó, tiếp tục thực hiện mức thu học phí từ năm học 2022-2023 như năm học 2020-2021, vẫn áp dụng các chính sách về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập như trước.
Bình luận (0)