Lăng kính bạn đọc:

Nỗi lo cứ mưa là ngập

02/10/2023 06:07 GMT+7

Bên cạnh thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu, bạn đọc cho rằng việc thay đổi quy hoạch hạ tầng đô thị cũng đóng vai trò quan trọng để tránh nỗi lo... cứ mưa là ngập.

Như Thanh Niên đề cập, tình trạng mưa lũ, ngập lụt đang đe dọa hầu khắp các địa phương trên cả nước. Mới đây, cơn mưa sáng sớm 28.9 đã khiến hàng loạt tuyến đường ở thủ đô Hà Nội chìm trong biển nước. Khu vực miền Nam, người dân TP.HCM dường như đã quá quen thuộc với hình ảnh bì bõm dắt xe chết máy trong mưa.

Không chỉ vậy, các tỉnh, thành miền núi hay thậm chí miền biển cũng rơi vào tình cảnh hễ mưa là ngập sâu. Nằm trên cao nguyên Lâm Viên, có độ cao 1.500 m so với mực nước biển, nhưng TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng không thoát được cảnh đường phố chìm trong biển nước chỉ sau một cơn mưa. Tình cảnh "cứ mưa là ngập" cũng xảy ra ở Phú Quốc (Kiên Giang) - một thành phố đảo.

Lăng kính bạn đọc: Nỗi lo cứ mưa là ngập - Ảnh 1.

Đường phố Đà Lạt sau một trận mưa lớn hồi tháng 6.2023

Lâm Viên

Hạ tầng đô thị "chạy không kịp mưa"

Phát biểu trên Thanh Niên, chuyên gia khí tượng thủy văn Lê Thị Xuân Lan nhìn nhận những diễn biến cực đoan của thời tiết là biểu hiện rõ nét của tác động từ biến đổi khí hậu. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng ngập lụt, sụt lún đang ngày càng lan rộng, lan nhanh một phần là do hệ lụy từ biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, diễn biến cực đoan của thời tiết cũng chỉ là một góc của bức tranh "đô thị ngập".

Bạn đọc (BĐ) Thomas Huynh nêu ý kiến: "Sự phát triển đô thị trong thời gian qua nhằm đáp ứng nhu cầu dân số tập trung hầu hết ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Quy hoạch hạ tầng đô thị không đồng bộ khiến nhiều khu dân cư có hệ thống hạ tầng quá tải khi phải gánh chịu gấp 2 - 3 lần số nhân khẩu so với trước đây. Quá tải thoát nước là tất yếu. Nói một cách khác, hạ tầng đô thị đang chạy không kịp mưa".

Tán thành, BĐ mtrang7773 cho rằng các đô thị đang đối diện thực trạng "nhạy cảm với mưa lớn vì xây dựng tràn lan, san lấp ao hồ mương máng, lấn chiếm, thu hẹp dòng chảy… trong khi việc đầu tư cho hệ thống tiêu thoát nước lại chậm chạp, dở dang, thiếu kết nối, thiếu bền vững...".

Nhận xét về câu chuyện thích nghi với biến đổi khí hậu, BĐ Minh Nghĩa phân tích: "Đây không phải là câu chuyện ngày một ngày hai. Các yếu tố nguy cơ từ lâu đã được nêu bật nhiều lần, thậm chí có những nguồn lực lớn chuẩn bị ứng phó với biến đổi khí hậu".

Vì vậy, nhiều BĐ cho rằng "mô hình đô thị ứng phó biến đổi khí hậu phải dựa trên số liệu dự đoán dài hơi chứ không thể căn cứ vào lượng mưa trong vài năm gần đây".

Cần quy chuẩn mới về thoát nước đô thị

Đề cập đến các điều kiện thời tiết "khó có thể thay đổi", BĐ Thanh Xuan Bui lo lắng: "Việt Nam là một trong các quốc gia chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến đổi khí hậu, như tình trạng nước biển dâng cao và nước ta thuộc vùng thấp, nên tình trạng ngập sẽ ngày càng đáng báo động".

Ngoài ra, việc một bộ phận người dân ứng xử với hệ thống thoát nước đô thị cũng đem lại nhiều băn khoăn. BĐ hoangcongnhu nêu: "Buôn bán xong thì rác, chất thải đổ hết xuống cống; xây dựng xong thì đất, cát, xi măng dư thừa cũng đổ xuống cống. Nước mưa thoát sao kịp khi những hố ga đã bị bịt kín. Rồi rác cũng đem vứt xuống kênh rạch, nước thoát đi đâu?".

Chính từ những lo lắng này, BĐ N.H.Phấn đề nghị: "Nguyên nhân ngập đô thị cũng đã được các chuyên gia đề cập nhiều. Vấn đề là phải có một nghiên cứu, phân tích đánh giá toàn diện. Theo tôi, trước mắt cần có một chiến lược thoát nước đô thị bền vững cấp quốc gia, tham khảo kinh nghiệm các nước khác. Song song đó, Bộ Xây dựng cần có quy chuẩn tiêu chuẩn thoát nước đô thị mới, thay cho quy chuẩn cũ đã không còn phù hợp với thực tế phát triển đô thị và điều kiện thời tiết ngày càng cực đoan".

Xem nhanh 20h: Tin tức thời sự toàn cảnh

Cần lắm sự cân đối giữa quy hoạch biến động dân cư và quy hoạch hạ tầng cơ sở nhằm mục tiêu xây dựng các đô thị văn minh hiện đại và... không sợ ngập. 

Thomas Huynh

Trước đây, các thành phố lớn chỉ ngập vài lần trong năm, khi mưa quá to, triều cường đạt đỉnh. Giờ thì mới cơn mưa đầu mùa đã ngập nặng rồi. Có lẽ do tốc độ bê tông hóa nhanh, mật độ xây dựng lớn nhưng hạ tầng thoát nước không phát triển tương xứng.

Nguyễn Hiếu Tròn


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.