Nỗi lo di sản chảy máu vì chậm thay đổi

25/03/2023 07:20 GMT+7

Lo mất không gian nhà cổ, cổ vật ra nước ngoài không có cách nào hồi hương, việc nghiên cứu khảo cổ xin phép khó khăn… là những vấn đề khi nhìn lại các khu di sản được UNESCO ghi danh.

Ai cũng cố, ai cũng khó

Tại hội thảo quốc tế "Phát huy vai trò của di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trong phát triển bền vững ở Việt Nam" tổ chức tại Hà Nội ngày 24.3, Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết sau 20 năm được ghi danh di sản UNESCO, Hội An đã trở mình từ thành phố đang "dưỡng già" thành địa danh du lịch nổi tiếng. Hội An đón 5,5 triệu lượt du khách vào 2019, trong đó trên 3 triệu lượt khách quốc tế. Đô thị cổ này chọn phát triển theo bề sâu, xây dựng định hướng phố trong làng, làng trong phố, nói không với đường lớn và công trình đồ sộ. Hội An có nhiều sản phẩm du lịch như: đêm phố cổ, làng nghề gốm Thanh Hà, rừng dừa Bảy Mẫu…

Nỗi lo di sản chảy máu vì chậm thay đổi - Ảnh 1.

Tràng An đóng góp lớn cho kinh tế địa phương

Dương Trí

"Từ đêm phố cổ, nghề làm lồng đèn xuất khẩu ra thế giới. Từ giá trị thiên nhiên hình thành nghề mới như chế tác tre… Hội An luôn xác định bảo tồn, phát huy di sản trên cơ sở lấy người dân làm trung tâm. Người dân cũng giàu lên từ di sản", ông Sơn nói. Nhưng Hội An cũng đối mặt không ít thách thức. "Câu chuyện mâu thuẫn bảo tồn và phát triển nhiều khi căng thẳng. Đặc thù là phần lớn di tích của người dân; đa phần phục vụ mục đích kinh doanh, buôn bán, cơi nới, cải tạo biến dạng di sản. Nạn chảy máu di sản do nhà cổ có nhiều thế hệ, không phân chia lợi ích được, hay nhiều người bán di sản chia cho các thành viên trong gia đình. Nếu không có chính sách một ngày nào đó di sản sẽ mất đi cái hồn trong nhà cổ", ông Sơn nói.

Trong khi đó, ông Lê Minh Tân, Phó trưởng ban Quản lý vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), lại nói đến cái khó khăn của việc làm sao vừa phát triển đội tàu, vừa giữ được môi trường xanh cho vịnh. Càng nhiều khách, càng nhiều tàu và chuyến tàu trên biển, môi trường ở đây càng phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm. "Làm thế nào để phát triển xanh là điều chúng tôi cố gắng", ông Tân nói.

Ông Phan Văn Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, thì nói về việc làm sao bảo tồn và quy tụ được các cổ vật. Có nhiều cổ vật của các vua thời Nguyễn đã không còn ở Huế. Có những cổ vật khác cũng của nhà Nguyễn đôi khi đột nhiên xuất hiện nhưng trung tâm không thể mua về. Trung tâm cũng được tặng hoặc mua nhiều hiện vật nhà Nguyễn hồi hương như mũ quan nhà Nguyễn, áo nhật bình của hoàng tộc. Song, những điều đó dường như vẫn chưa đủ. Bên cạnh đó, Huế còn có cái khó của việc trùng tu lăng tẩm. "Vật tư truyền thống và chuyên gia là điều chúng tôi khó khăn khi gặp phải", ông Tuấn nói.

Nỗi lo di sản chảy máu vì chậm thay đổi - Ảnh 2.

Hội An trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng

Bảo tồn trên nghiên cứu và phải từ từ

PGS-TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử, cho biết các khu di sản cần được tiếp tục nghiên cứu để phát huy giá trị lịch sử. Trên thế giới có rất nhiều trung tâm tư liệu lớn có tư liệu về Việt Nam như kho tư liệu ở Aix-en-Provence (Pháp) với các tài liệu về Đông Dương, trong đó có Việt Nam; kho tư liệu của Bộ Quốc phòng Pháp; hay tư liệu về Việt Nam trong các kho của Trung Quốc. "Tuy nhiên, việc tiếp cận các tài liệu này rất khó do các nhà nghiên cứu Việt Nam không có kinh phí", ông Cường nói.

PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, lại cho biết khó khăn khi lãnh đạo địa phương hay hỏi tại sao phải khai quật khảo cổ học nhiều thế. "Họ hỏi tại sao lại khai quật nhiều thế, trong khi đó việc khai quật khảo cổ với các di tích, phế tích là thường xuyên", ông Tín nói. Vì vậy, ông Tín rất mong nhận thức về việc này của lãnh đạo thay đổi đừng chậm quá.

PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản, lại nói đến việc nhiều di sản đang đối diện với việc thiếu nguyên vật liệu để bảo tồn. Tại cố đô Huế, việc bảo tồn các kiến trúc gỗ gặp khó khăn cả về nguyên liệu lẫn nghệ nhân thực hiện. "Huế đang thành lập Trung tâm Bảo tồn kiến trúc gỗ với sự hỗ trợ của UNESCO. Chúng tôi cũng mong là các khu di sản được hỗ trợ nhiều hơn", ông Bài nói.

Về phía UNESCO, ông Lazare Eloundo Assomo, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới, đánh giá rất cao những thành tựu, bài học từ các khu di sản tại Việt Nam. "Đại biểu từ các khu di sản đều nêu cam kết tiếp tục bảo vệ khu di sản mà mình đang quản lý. Với tôi điều này là quan trọng nhất", ông nói.

Ông Lazare Eloundo Assomo cũng cho biết các khu di sản cần cố gắng cân bằng giữa nhu cầu bắt khu di sản phải đóng góp kinh tế nhiều hơn cho cộng đồng và phát triển bền vững.

"Ở Hạ Long, có câu chuyện về thuyền gỗ, nước thải. Ta không thể làm (kinh tế) vội được, nếu bảo tồn mà làm vội sẽ có lúc thấy sai mà không quay lại được. Hạ Long đang là điểm đến du lịch, khách càng đông sức ép nước thải càng lớn. Venice cũng gặp vấn đề tương tự", ông nói.

Theo ông Lazare Eloundo Assomo, cần có những chiến lược đào tạo nghệ nhân dài hơi. "Ở Hội An, nhà cổ cần nghệ nhân và cần chiến lược đào tạo dài hơi. Người tài rời đi, nhiều người muốn ra thành phố, đi nước ngoài. Vì thế, cần kế hoạch hỗ trợ đào tạo để đảm bảo thợ lành nghề phát huy kỹ năng. Cũng cần chiến lược để nghệ nhân già trao truyền cho người trẻ kỹ thuật cổ. Không có họ, bảo tồn không thể thực hiện tốt được", ông nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.