“VN chỉ có thể ngồi chờ”
Ngày 27.3, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng VN (Bộ Công thương) có văn bản gửi Công ty TNHH Grab Taxi yêu cầu cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến việc Grab mua lại hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có thị trường VN. Thời hạn cuối để cung cấp thông tin là trước ngày 3.4. Sau khi có báo cáo đầy đủ từ Grab, Cục sẽ xem xét, phân tích và đánh giá thương vụ đó có đúng theo quy định của pháp luật cạnh tranh hay không.
Không biết đơn vị quản lý này đã nhận được đầy đủ hồ sơ từ Grab hay chưa, quá trình xác minh tới đâu thì mới đây, kênh tài chính CNBC đưa tin Singapore cho hay cơ quan chức năng nước này có đủ cơ sở để nghi ngờ thương vụ Grab thâu tóm Uber đã vi phạm các nguyên tắc về cạnh tranh. Cục Cạnh tranh Singapore đã mở một cuộc điều tra chi tiết thương vụ và đề xuất biện pháp tạm thời là yêu cầu Uber và Grab giữ nguyên cơ chế báo giá trước cuốc xe, tạm ngừng bất kỳ hành động nào có thể dẫn đến việc hợp nhất các hoạt động kinh doanh của 2 hãng ở Singapore.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật BASICO, trong vụ việc này, phía VN chỉ có thể “ngồi chờ phán quyết” từ nước bạn bởi VN không thể có cơ sở chứng minh các vi phạm khi đến nay việc quản lý loại hình Grab, Uber vẫn còn trong vòng luẩn quẩn. Ông phân tích: Thứ nhất, một bên tham gia cuộc mua bán là Uber kinh doanh không có pháp nhân ở VN nên không thể khoanh vùng, xác định vi phạm. Thứ hai, cả 2 loại hình kinh doanh này ở VN đều chưa được “định danh” cụ thể là taxi truyền thống hay taxi công nghệ nên không thể xác định phạm vi, quy mô hoạt động, từ đó không thống kê được ảnh hưởng về doanh thu, mức độ chiếm lĩnh thị phần, khả năng cạnh tranh. “Bộ GTVT còn chưa gọi tên được, phân loại được Grab là loại hình kinh doanh nào thì không thể có cơ sở điều tra, xác minh Grab đang nắm bao nhiêu thị phần, có nguy cơ độc quyền, thống lĩnh thị trường, vi phạm luật pháp VN hay không”, ông Đức nhận định và cho rằng về mặt pháp lý, VN phải chờ ít nhất khoảng 45 - 50 ngày nữa mới có thể đưa ra kết luận, nếu vi phạm sẽ có những biện pháp, quy định kèm theo. Mà từ giờ cho đến lúc đó, chắc chắn Singapore đã giải quyết xong xuôi.
Độc quyền là tự sát?
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhìn nhận trong nền kinh tế thị trường như hiện nay, việc 2 doanh nghiệp đang chiếm thị phần rất lớn trên thị trường sáp nhập thành một thì chắc chắn tỷ lệ thống lĩnh thị trường sẽ cao vượt trội so với các đối thủ khác. Khi đó, Grab có thể lợi dụng vị thế này để có các hành vi không có lợi cho người tiêu dùng như tăng giá cước, giảm khuyến mãi…
Có cái nhìn lạc quan hơn, luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, cho rằng: Nếu có bất cứ hành vi thể hiện sự độc quyền, Grab sẽ thất bại vì bị chính người tiêu dùng tẩy chay. Theo bà Thu, hiện nay đối thủ cạnh tranh của Grab không chỉ là các hãng taxi công nghệ, cung ứng dịch vụ vận tải công nghệ cao mà còn có các hãng taxi truyền thống. Người tiêu dùng lựa chọn Uber, Grab vì ứng dụng tiện lợi, giá rẻ hơn taxi truyền thống. Nay hầu hết các hãng cũng đã xây dựng phần mềm gọi xe, chỉ cần Grab đẩy giá ngang bằng hoặc cao hơn taxi truyền thống là người tiêu dùng sẽ thay đổi lựa chọn.
Tuy vậy theo bà Thu, khi sáp nhập, số lượng tài xế quá đông nên chắc chắn quyền lợi sẽ bị giảm đáng kể. Không loại trừ trường hợp Grab tăng mức chiết khấu hoặc có nhiều quy định “bắt chẹt” nhưng các tài xế cũng không thiếu lựa chọn, có thể đầu quân cho doanh nghiệp khác. Tóm lại, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn và sẽ không bị ảnh hưởng, Grab nếu có hành vi độc quyền là tự sát.
Dù vậy theo nhiều chuyên gia, nếu chúng ta vẫn chậm chạp trong việc quản lý taxi công nghệ như hiện nay, cộng với việc taxi truyền thống đang rơi rụng vì cạnh tranh không nổi, thị trường vận chuyển hành khách bằng taxi cũng sẽ rơi vào thế độc quyền trong tay Grab.
Bình luận (0)