|
Đuối nước tập thể
Chỉ trong vòng khoảng nửa tháng (tính từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4), tại Quảng Nam đã có 5 học sinh tử vong do đuối nước khi vui chơi, đi tắm trên các con sông. Đau lòng nhất là vụ 3 học sinh cùng tuổi 14, trú tại xã Trà Giang (H.Bắc Trà My) chết đuối trên sông Trường. Vụ việc xảy chiều 31.3, sau tiết học buổi chiều, nhóm nữ sinh lớp 8 (Trường THCS Nguyễn Huệ) gồm: Hồ Thị Hoa, Lê Hoàng Sương, Trần Thị Hiền, Hồ Thị Ngọc Linh, Võ Thị Mây (cùng xã Trà Giang) rủ nhau ra sông Trường tắm. Do không biết bơi lại bị nước cuốn vào chỗ sâu nên cả 3 học sinh gồm: Hoa, Sương và Hiền bị đuối nước. Linh và Mây đang tắm ở chỗ cạn liền lội vào bờ kêu cứu. Khi người dân đến hiện trường thì cả 3 học sinh đã đuối nước và bị nước nhấn chìm xuống đáy sông. Cả 3 thi thể đã được người dân và lực lượng chức năng địa phương tìm thấy vào chiều tối cùng ngày.
Tiếp đó vào ngày 2.4, trên sông A Vương (đoạn qua xã A Vương, H.Tây Giang) lại xảy ra một vụ đuối nước. Nạn nhân là em Arất Pháo (học lớp 2) và Alăng Thị Lực (học lớp 3), cùng học Trường tiểu học A Vương, khi cùng nhóm bạn bơi lội trên sông thì 2 em bị nước cuốn trôi và tử vong. Trước đó, ngày 17.3, tại xã Quế Phước (H.Nông Sơn) cũng xảy ra một vụ tai nạn tương tự khiến 7 học sinh lớp 5A (Trường TH-THCS Quế Phước, phân hiệu thôn Đông An) bị đuối nước nặng, may mắn là 2 người dân trong khu vực kịp thời đưa thuyền tới và cứu sống cả 7 học sinh.
Gia đình cần khuyến cáo cho trẻ
Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Trưởng phòng Chăm sóc bảo vệ trẻ em (Sở LĐ-TB-XH Quảng Nam), để giảm tình trạng đuối nước ở trẻ em, đặc biệt vào dịp mùa hè cần sự chung tay của nhiều ngành nhưng quan trọng nhất vẫn là vai trò của gia đình. “Thường đã xảy ra đuối nước thì hầu hết trẻ em đều tử vong… Kể cả những trẻ biết bơi khi gặp nước xoáy cũng không xử lý được. Do vậy, gia đình cần tích cực khuyến cáo, hướng dẫn con em mình nên tránh xa hoặc không chơi gần ao hồ để tránh đuối nước có thể xảy ra”, bà Hồng nói. Theo bà Hồng, tại Quảng Nam, đuối nước là một loại tai nạn nổi cộm ở trẻ, nhất là đối với trẻ em là học sinh các huyện miền núi. Do thiếu sân chơi nên sau giờ tan trường, hết tiết học, các em thường rủ nhau ra sông tắm. “Khi người lớn đi làm khỏi nhà, trẻ em thường tự chơi với nhau. Thiếu sân chơi các em thường tìm đến các con sông để tắm nên rất nguy hiểm”, bà Hồng phân tích thêm.
Cũng theo bà Hồng, một trong những giải pháp hiệu quả phòng chống đuối nước trẻ em hiện nay là dạy bơi cho các em học sinh, kết hợp với các tiết học thể dục tại các trường. Tại H.Điện Bàn đã thực hiện tốt mô hình này với 3 hồ bơi tại 3 cụm. Trên thực tế, địa phương nào cũng cần thiết đầu tư hồ bơi cho học sinh luyện tập. Tuy nhiên, Sở LĐ-TB-XH cũng nhìn nhận, một số địa phương thiếu quan tâm đến vấn đề này. Hiện phía Phòng Chăm sóc bảo vệ trẻ em đang thực hiện nhiều biện pháp để phòng chống đuối nước ở trẻ như: tuyên truyền trực tiếp cho các hộ gia đình, thông qua phương tiện tryền thông, phát tờ rơi… Được biết, sau sự việc 7 học sinh tại Trường TH-THCS Quế Phước bị đuối nước, lãnh đạo nhà trường cũng đã có khuyến cáo học sinh không nên xuống sông tắm để tránh những tai nạn có thể xảy ra.
Cách phòng, tránh đuối nước ở trẻ em Theo tài liệu của Phòng Chăm sóc bảo vệ trẻ em (Sở LĐ-TB-XH Quảng Nam) thì đuối nước là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong trẻ em từ 0 - 15 tuổi ở Việt Nam. Theo đó, có 8 cách phòng tránh cụ thể, như: trẻ không được đi tắm, bơi ngoài sông mà không có người lớn đi kèm; làm nắp đậy chắc chắn, an toàn cho giếng, bể nước... ; đặt các biển báo nguy hiểm tại các bãi biển, khu vực sông suối, ao, hồ… |
Hoàng Sơn
Bình luận (0)