Nỗi lo giá thực phẩm tăng chóng mặt ở châu Á

17/06/2021 12:30 GMT+7

Giá thực phẩm tại châu Á tăng lên mức kỷ lục trong thập niên qua khiến nhiều doanh nghiệp, người tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng.

Giá các sản phẩm nông nghiệp từ lúa mì đến dầu cải và đường đều tăng vọt trong vài tháng qua tại nhiều thị trường ở châu Á khiến doanh nghiệp và người tiêu dùng bị tác động mạnh.
Theo Nikkei Asia, các nhà sản xuất thực phẩm đang chuyển phần giá gia tăng này đến người tiêu dùng cuối, khiến mảng tiêu dùng chịu áp lực và dẫn đến nguy cơ cản trở quá trình phục hồi kinh tế sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Hàng loạt nguyên nhân

Chỉ số giá thực phẩm chuẩn do Tổ chức Lương Nông (FAO) của Liên Hiệp Quốc đã tăng liên tục 12 tháng lên 127,1 vào tháng 5, mức cao nhất trong gần 10 năm. Chỉ số này phản ánh giá thịt, sữa, ngũ cốc, dầu cải và đường. Chỉ số tháng 5 cao hơn đến 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giới chuyên môn cho rằng giá thực phẩm tăng chóng mặt là do sự kết hợp của nhiều yếu tố, trong đó có nhu cầu gia tăng ở Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu thực phẩm nhiều nhất thế giới, do phục hồi sau đại dịch nhanh hơn nhiều nước.

Giá thực phẩm chuẩn của Tổ chức Lương Nông thế giới (FAO) tăng kỷ lục trong gần một thập niên

Ảnh chụp màn hình Nikkei Asia

Chi phí vận tải đường biển cũng cao hơn do thiếu container và gián đoạn chuỗi cung ứng. FAO còn chỉ ra các nguyên nhân từ phía cung ứng như việc trì hoãn thu hoạch và giảm sản lượng mía đường ở Brazil.
Ngoài ra, giá tiêu dùng còn bị đẩy lên bởi dòng tiền đầu tư vào thị trường, do các nhà đầu tư đa dạng hóa rủi ro giữa thị trường tài chính có thanh khoản cao.
Chưa hết, các nhà sản xuất thực phẩm ở châu Á còn tăng giá nhằm bù vào chi phí cao của các nguyên liệu thô. Các nước nhập khẩu thực phẩm lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đang chứng kiến nhiều tác động.

Giá còn tăng mạnh

Tập đoàn Nisshin Seifun (Nhật) dự kiến tăng giá các sản phẩm bột lúa mì lên 2-4% vào tháng 7, do giá nguyên liệu thô tăng, cũng như chi phí hậu cần và đóng gói cao hơn.
Nhà sản xuất thực phẩm Ajinomoto (Nhật) cũng sẽ tăng giá sản phẩm mayonnaise lên 1-10% vào tháng tới do giá dầu tăng trong vài tháng qua.
Tại Hàn Quốc, chuỗi bánh nướng lớn nhất là Paris Baguette tăng giá bánh mì lên 5,6% vào tháng 2 do giá nguyên liệu tăng. Còn tại Trung Quốc, giá một số dầu nành tăng đến 20% vào tháng 4.
Chuyên gia kinh tế Chua Hak Bin thuộc Công ty dịch vụ tài chính Maybank Kim Eng cho rằng giá thực phẩm cao sẽ là trở ngại cho quá trình phục hồi kinh tế của châu Á sau đại dịch Covid-19.
Những hộ có thu nhập thấp hơn và những nước nghèo hơn sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn, do phần lớn thu nhập của họ chi vào thực phẩm, ông nhận định. Bên cạnh đó, những nước này cũng ít tiếp cận vắc xin hơn và thiếu nguồn lực để giảm tác động của giá thực phẩm tăng.
Nông dân, nhà xuất khẩu được lợi
Giới chuyên môn cho rằng giá thực phẩm tăng góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho khu vực nông thôn. Nikkei Asia dẫn số liệu của Ngân hàng Trung ương Thái Lan cho thấy thu nhập nông nghiệp của nước này tăng 14% vào tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận ròng của nhà buôn nông sản Wilmar International (Singapore) đạt 450 triệu USD trong quý 1 năm 2021, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, đại dịch kéo dài và diễn biến xấu tại một số nền kinh tế châu Á có thể ảnh hưởng đến nguồn cung và cầu về thực phẩm, khiến dự báo về giá trở nên phức tạp.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.