Gần 200 quốc gia đã vượt qua nhiều bất đồng để đạt được bộ quy tắc thực thi Thỏa thuận Paris tại Hội nghị lần thứ 24 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP24) diễn ra tại thành phố Katowice ở Ba Lan. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng dù đạt được thành công bước đầu, bộ quy tắc này vẫn thiếu nhiều quy định cụ thể, nhất là trong việc đảm bảo hành động của các nước nhằm cắt giảm phát thải khí nhà kính.
|
Tuy nhiên theo bà Boeve, báo cáo của IPCC dường như chưa đủ trọng lượng tại hội nghị đối với nhiều bên gây ô nhiễm nặng. Tại đây, Mỹ, Nga, Kuwait và Ả Rập Xê Út từ chối dùng từ “hoan nghênh” khi đưa ra phản hồi về báo cáo. “Thật đáng giận khi chứng kiến các bên ủng hộ nhiên liệu hóa thạch lại ung dung đến hội nghị, trong khi ít nhất 15 thành viên của các tổ chức lại bị cấm đến Ba Lan”, bà Boeve nói, ám chỉ một số thành viên của các tổ chức ở Nga, Ukraine, Đức, Georgia và Kyrgyztan bị từ chối nhập cảnh khi đến tham dự COP24. Lực lượng biên phòng Ba Lan cho biết lý do chính là họ không có thị thực, tài liệu chứng minh mục đích nhập cảnh hoặc không chứng minh được khả năng tài chính.
Ở góc độ lạc quan hơn, cố vấn chính sách toàn cầu khu vực Đông Á của Tổ chức Greenpeace Li Shuo cho biết bộ quy tắc là lộ trình chung giúp thực thi các mục tiêu của Thỏa thuận Paris. “Việc hoàn tất bộ quy tắc cho các nền kinh tế lớn mới nổi cần hành động nhiều hơn. Đây cũng là tín hiệu cho thấy xu hướng đa phương hóa và các quy tắc vẫn có thể đạt được dù có nhiều biến động về địa chính trị”, ông Li trả lời Thanh Niên.
Tuy vậy, Tổng giám đốc Tổ chức Greenpeace Jennifer Morgan lại chỉ ra rằng COP24 vẫn cho thấy “sự chia rẽ vô trách nhiệm” giữa các đảo quốc và nước nghèo dễ bị tổn thương với các bên không muốn hoặc chậm trễ hành động chống biến đổi khí hậu. “Một năm qua với nhiều thảm họa liên quan biến đổi khí hậu cùng cảnh báo của các nhà khoa học hàng đầu thế giới lẽ ra nên dẫn đến một kết quả khả quan hơn. Mọi người trông chờ vào hành động mà nhiều nước lại không tiến hành. Điều này là không thể chấp nhận và họ cần phải mang theo sự bức xúc của người dân khi đến tham gia hội nghị LHQ năm 2019 để đạt mục tiêu hành động nhiều hơn”, bà Morgan nói với Thanh Niên.
K.A
Bình luận (0)