Nỗi lo hụt hẫng thế hệ kế cận của thể thao Việt Nam

07/11/2021 08:57 GMT+7

Muốn thể thao Việt Nam luôn khỏe khoắn, chinh phục được các đỉnh cao không chỉ ở khu vực mà còn vươn ra các giải đấu tầm cỡ châu lục và thế giới thì cần phải đầu tư hết sức quyết liệt.

Trong đó, các lứa VĐV tài năng trẻ phải liên tục được chăm sóc, nuôi dưỡng đặc biệt để Việt Nam không rơi vào cảnh hụt hẫng lực lượng.

Hoàng Xuân Vinh

Bạch Dương

Chưa nhìn thấy ai sau Xuân Vinh, Ánh Viên, Tiến Minh...

Nhà vô địch Olympic - xạ thủ Hoàng Xuân Vinh giã từ sự nghiệp VĐV đỉnh cao khi bước sang tuổi 48, nhưng chưa thấy một đàn em nào có thể gánh vác được trọng trách mà anh để lại. Nguyễn Thị Ánh Viên quyết định chia tay đội tuyển bơi lội quốc gia ở tuổi 25 mà phía sau cô chưa nhìn thấy một VĐV trẻ nào có tiềm năng để thay thế xứng đáng. Đội bóng đá U.23 Việt Nam mới chỉ là cái bóng của lứa U.23 đàn anh khi chơi nhạt nhòa tại vòng loại U.23 châu Á 2022. 3 ví dụ điển hình ở 3 môn hoàn toàn khác nhau trên đây dường như đã nói lên một phần nào đó nỗi bất an của thể thao Việt Nam nói chung. Thể thao Việt Nam đang thiếu sự phát triển bền vững, ổn định bởi ở nhiều môn trọng điểm chưa tạo được các làn sóng nối tiếp nhau. Vậy phải làm thế nào để thể thao Việt Nam có được nhiều tài năng hơn, lứa sau phải bằng hoặc giỏi hơn lứa trước?

Ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Ủy ban TDTT (tiền thân của Tổng cục TDTT), nhấn mạnh: “Cách đặt vấn đề của Báo Thanh Niên là hoàn toàn xác đáng. Sau Xuân Vinh (bắn súng), Thạch Kim Tuấn, Hoàng Thị Duyên (cử tạ), Nguyễn Tiến Minh (cầu lông), Ánh Viên (bơi) sẽ là những ai? Chúng ta chưa thấy có lớp kế cận. Thực tế đang chứng minh thể thao Việt Nam đang hụt hẫng thế hệ kế cận mà một số nguyên nhân chính là việc tuyển chọn VĐV không được thực hiện kỹ lưỡng, không được đầu tư xứng đáng. Từ năm 2019, 2020, rất nhiều đội tuyển trẻ bị giải tán vì kinh phí chỉ đủ để đầu tư cho đội tuyển quốc gia, mà đáng lẽ ở mỗi môn thể thao, đội tuyển và đội trẻ phải được tập trung song song. Ở các địa phương, tuyến trẻ rất èo uột, không một tỉnh nào thuê chuyên gia ngoại cho tuyến trẻ”.

Sau thế hệ của Xuân Vinh, Ánh Viên, Tiến Minh là một khoảng trống quá lớn của thể thao Việt Nam

Độc lập - Khả hòa

Mỗi năm ngân sách nhà nước cấp chưa được 900 tỉ đồng

Một lãnh đạo ngành thể thao cho biết: “Quy trình đào tạo 1 VĐV có thể đạt trình độ châu Á và thế giới là cực kỳ vất vả, tuy nhiên quy trình đó đang bị ảnh hưởng rất lớn bởi kinh phí mỏng, dẫn tới việc đào tạo trong nước và tập huấn cọ xát nâng cao trình độ chuyên môn gặp nhiều khó khăn. Chế độ đãi ngộ cho VĐV, HLV tuy đã được cải thiện nhưng chưa có bước đột phá. Cơ sở vật chất phục vụ cho thể thao thành tích cao còn rất thiếu, lạc hậu, xuống cấp, không đáp ứng yêu cầu đào tạo VĐV.

Kinh phí đầu tư cho các VĐV trọng điểm đi tập huấn và thi đấu nước ngoài cũng chưa đáp ứng được nhu cầu. Việt Nam hiện đã có chiến lược phát triển thể thao, trong đó dành một phần cho đào tạo VĐV trẻ, VĐV tài năng nhưng khâu tổ chức thực hiện rất kém, với nhiều nguyên nhân. Trong đó nguyên nhân cơ bản là lĩnh vực thể thao, ngành thể thao tuy mang lại nhiều vinh quang cho đất nước nhưng vẫn bị coi là ngành lệ thuộc, ngành đi xin kinh phí, nên không được coi trọng đúng mức. Phải có kinh phí thì sau khi phát hiện sớm các tài năng thể thao, ngành thể thao mới lên được kế hoạch đào tạo tập trung, dài hạn tại các cơ sở đào tạo VĐV tốt nhất trong nước và cử đi tập huấn dài hạn tại nước ngoài”.

Cần phải đầu tư nhiều hơn, quyết liệt hơn

Bà Bùi Thị An cho rằng: “Khi chúng ta ra thế giới, thành tích xuất sắc của một cá nhân, một tập thể ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng là đại diện cho quốc thể và hình ảnh đất nước Việt Nam. Thể thao cũng không phải ngoại lệ. Khi Hoàng Xuân Vinh đoạt HCV Olympic, quốc kỳ Việt Nam được kéo lên, quốc ca Việt Nam được vang lên, đó là niềm tự hào lớn lao của cả dân tộc. Để có được những hình ảnh như thế, rõ ràng thể thao Việt Nam cần phải được đầu tư nhiều hơn, quyết liệt hơn. Không có sự đầu tư mạnh mẽ, thể thao Việt Nam khó có thể phát triển, khó có thể đào tạo được những VĐV giỏi. Tôi đã từng phát biểu trước Quốc hội rằng tuy kinh tế đất nước còn khó khăn nhưng thể thao Việt Nam vẫn xứng đáng nhận được sự đầu tư lớn hơn”.

Những thực trạng nêu trên đã được minh chứng bằng những số liệu. Theo dự toán ngân sách nhà nước phân bổ cho các bộ ngành được công bố công khai hằng năm, lĩnh vực thể thao được đầu tư rất khiêm tốn. Năm 2019, ngân sách nhà nước chi cho thể thao là 572 tỉ đồng, năm 2020 là 780 tỉ đồng, năm 2021 là 857 tỉ đồng (không tính khoản chi ở các địa phương mà đây là

khoản chi rót xuống cho Bộ VH-TT-DL). Từ khoản ngân sách eo hẹp này, ngành thể thao cũng phải “liệu cơm gắp mắm” để phân bổ lại cho các đội tuyển và dĩ nhiên chưa bao giờ đủ. Các môn thể thao trọng điểm luôn bị rơi vào cảnh “giật gấu vá vai”. Ví dụ như môn điền kinh,

mỗi năm được nhận khoảng 150.000 USD cho tập huấn và thi đấu, trong khi nhu cầu phải lên tới 500.000 USD. Môn karatedo được rót 130.000 USD; năm nào chuẩn bị cho những giải lớn như Olympic, ASIAD thì được tăng lên 150.000, 180.000 USD nhưng cũng không thấm vào đâu so với nhu cầu. Một HLV cho biết: “Chúng tôi hầu như không bao giờ được tham dự đầy đủ các giải quốc tế trong năm mà phải cắt giảm vì không có tiền; luôn phải cân đo đong đếm, chọn giải nào phù hợp nhất. Kinh phí tập huấn, thi đấu còn thiếu như thế thì rất khó có khoản riêng để đầu tư sâu cho lứa trẻ”.

LỐI RA TỪ ĐÂU ?

Hầu hết các quốc gia đều có xu hướng gia tăng đầu tư cho thể thao thành tích cao. Vì thế thể thao Việt Nam vốn không có nhiều lợi thế cạnh tranh về thành tích (liên quan tới tố chất con người, yếu tố đầu tư…), lại càng gặp bất lợi. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hồng Minh, vẫn có cách giải quyết, tìm hướng ra cho thể thao Việt Nam nếu nhà nước và Chính phủ vào cuộc một cách quyết liệt. Đặc biệt, các nhà quản lý thể thao không thể để tư duy nhiệm kỳ trở thành một thói quen xấu.

“Tư duy nhiệm kỳ nghĩa là không nghĩ đến kế hoạch đường dài hoặc không hình dung ra được lộ trình phát triển thể thao Việt Nam trong tương lai, không tôn trọng di sản thời kỳ trước để lại. Cần phải khắc phục ngay tình trạng “ăn xổi ở thì”, chỉ tập trung cho những VĐV có thành tích trước mắt. Cần phải mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, sử dụng các phương tiện tập luyện hiện đại nhằm thúc đẩy phát triển thể thao thành tích cao. Phân nhóm các môn thể thao thành tích cao nhằm có kế hoạch đầu tư trọng tâm và phát huy hiệu quả trong công tác đào tạo các đội tuyển thể thao quốc gia, đội tuyển trẻ. Quy hoạch lại các nhóm môn thể thao theo các cấp độ ưu tiên, tương ứng với nhiệm vụ chuẩn bị lực lượng VĐV tham dự các kỳ Olympic, ASIAD và SEA Games; có kế hoạch phân bổ, sử dụng hiệu quả kinh phí ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí huy động khác trong công tác đào tạo VĐV, phù hợp với từng nhóm đối tượng ưu tiên và mục tiêu, nhiệm vụ của thể thao thành tích cao trong từng thời kỳ, giai đoạn”, ông Minh cho hay.

Còn theo bà Bùi Thị An, nguyên đại biểu Quốc hội, nguyên ủy viên Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa 13, nếu kinh phí đầu tư chưa thể được tăng cao đột biến thì nhà nước và ngành thể thao cần tính toán, chọn lựa những nhân tố trẻ nổi bật nhất để có hướng đầu tư chuyên sâu và việc làm này cần phải được duy trì liên tục. Ngành thể thao cần xây dựng được cơ chế phối hợp hiệu quả giữa trung tâm đào tạo VĐV cấp tỉnh với trường phổ thông năng khiếu thể thao trong đào tạo VĐViệt Namnăng khiếu tập trung. Ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi, khuyến khích trong đào tạo, bồi dưỡng năng khiếu thể thao trong trường học, cộng đồng. Phân cấp đào tạo VĐV trẻ, liên thông và gắn kết trách nhiệm đào tạo giữa Bộ VH-TT-DL và các ngành quân đội, công an, giáo dục - đào tạo, các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư. Khuyến khích, tạo điều kiện thành lập các cơ sở đào tạo VĐViệt Namnăng khiếu, VĐV trẻ vận hành theo cơ chế chuyên nghiệp của doanh nghiệp, tư nhân. Phát hiện sớm các tài năng thể thao nhằm có kế hoạch đào tạo tập trung, dài hạn tại các cơ sở đào tạo tốt nhất trong nước và cử đi tập huấn dài hạn tại nước ngoài. Bà Bùi Thị An nói: “Nếu không đầu tư được cho toàn bộ 100% lứa VĐV kế cận thì cũng có thể đầu tư với chế độ đặc biệt cho khoảng 10%. Để làm sao thể thao Việt Nam liên tục có những lớp VĐV kế cận đủ năng lực về chuyên môn, sung mãn về thể lực, giàu sức chiến đấu, giành huy chương ở các đấu trường lớn”.

Xem ngôi sao bóng chuyền Thanh Thúy tiếp tục thi đấu quá nổi bật tại Nhật Bản
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.