Nỗi lo nhà kính khiến Đà Lạt nóng dần

26/10/2022 04:23 GMT+7

Nhà kính mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông nghiệp nhưng lại đang làm thời tiết - vốn là đặc sản của Đà Lạt - nóng lên.

Bỏ nhà kính để phục hồi Đà Lạt xưa hay tiếp tục để phát triển ngành sản xuất rau hoa là vấn đề không đơn giản.

Đà Lạt ngày càng nóng vì nhà kính

TS Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp - Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), phân tích: Với đất nước xác định nông nghiệp là một trong 4 trụ cột của nền kinh tế nhưng lại có lượng mưa lớn và độ ẩm cao thì nhu cầu canh tác trong điều kiện có kiểm soát là cần thiết. Đặc biệt là canh tác trong nhà lưới, nhà kính là một xu hướng không thể tránh khỏi. Đó là lý do, người nông dân Đà Lạt cũng như nhiều địa phương trên cả nước đã tự tìm đến những mô hình canh tác hiệu quả nhất. Vì thế, sự gia tăng diện tích nhà lưới, nhà kính tại Đà Lạt là chọn lựa bắt buộc để tăng năng suất và tránh dịch bệnh cho cây trồng. Tất nhiên, khi diện tích nhà lưới, nhà kính tăng nhanh đến mức ảnh hưởng lên quy hoạch tổng thể, mỹ quan đô thị, góp phần gây nên tình trạng ngập lụt, thậm chí các tác động lên môi trường, định hướng phát triển kinh tế của địa phương… thì cần được phân tích một cách tổng thể với đầy đủ cơ sở cho các quyết định chính sách mới.

Nhà kính mang lại giá trị kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp nhưng kèm với nó là nhiều hệ lụy về môi trường và đô thị

Gia Bình

Theo ông Hoàng, ở góc độ khoa học, khu vực có nhà kính sẽ bị nóng lên cả bên trong lẫn ngoài so với một số loại vật liệu khác. Sự nóng lên này kết hợp với hiệu ứng đảo nhiệt đô thị (urban heat-island effect) có thể là nguyên nhân làm nhiệt độ Đà Lạt cao hơn đáng kể so với trước đây. Bởi ánh sáng ở cao nguyên thường giàu dải tia sáng có bước sóng ngắn được hấp thu rất hiệu quả bởi plastic nhà kính. Vật liệu này còn chặn các tia có bước sóng dài. Sự tăng nhiệt độ ở khu vực nhà kính do phần lớn quang năng bị nhốt, tán xạ và chuyển thành dải tia có bước sóng dài (nhiệt năng). Đối với một cấu trúc bê tông sơn màu sáng, năng lượng ánh sáng được hắt ngược lên khí quyển ở dạng quang năng và chỉ có một phần chuyển thành nhiệt năng. Do đó có thể nói nhà kính làm nóng không gian với hiệu suất cao hơn cả nhà bê tông. “Quyết định xóa bỏ nhà kính là một quyết định lớn liên quan đến nhiều yếu tố, trong đó có các dữ liệu khoa học. Tuy vậy, suy cho cùng thì sự no ấm của người nông dân và tương lai thịnh vượng của TP.Đà Lạt là điều cần đặt lên trên hết”, TS Hoàng nêu quan điểm.

Nhà kính mọc tới đâu, màu xanh giảm tới đó

TS Vũ Ngọc Long, nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam, cho rằng: Nhà kính giúp quá trình sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngược lại, nó lại làm phát sinh nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường từ một nền nông nghiệp thâm canh.

Sản xuất nông nghiệp thuần túy hay sẽ chuyển đổi thành đất phi nông nghiệp?

PGS-TS Lê Anh Tuấn, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), phân tích: Một nền nông nghiệp có kiểm soát (bằng nhà kính) và thâm canh sẽ đạt được năng suất cao, hiệu quả kinh tế lớn là điều trước mắt rất dễ nhận thấy. Nhưng mặt trái là ô nhiễm môi trường do sử dụng phân thuốc và làm nhiệt độ nóng lên. Nhiệt độ nóng lên cũng đồng nghĩa với mức độ sâu bệnh cũng tăng. Hiện nay chính quyền địa phương đã nhận ra vấn đề của mình và muốn giải quyết nó. Câu hỏi đặt ra là phá bỏ hệ thống nhà kính đó, có trả lại được không gian, môi trường cho Đà Lạt xưa không, hay sẽ làm phát sinh vấn đề mới? Việc này có được sự đồng thuận của người dân địa phương? Vấn đề của Đà Lạt không chỉ là nhà kính mà là việc chuyển đổi đất rừng làm nông nghiệp và đô thị. Liệu cùng với việc bỏ nhà kính Đà Lạt có khôi phục được rừng như trước kia không. Câu trả lời là rất khó. Người dân đã quen với sản xuất nông nghiệp trong nhà kính, nếu bỏ thì họ có quay lại với cách sản xuất nông nghiệp thuần túy như trước không, hay sẽ chuyển đổi thành đất phi nông nghiệp, đô thị? Cần có một định hướng và kế hoạch cụ thể cho vấn đề này.

Đáng quan tâm là tốc độ tăng nhiệt độ lớn hơn nhiều so với tốc độ tăng nhiệt chung của cả vùng hoặc cả nước. Nhiệt độ tăng làm Đà Lạt không còn hấp dẫn trong mắt nhiều người. Về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến phát triển du lịch, một nguồn thu lớn của địa phương. Du khách đến với Đà Lạt vì cảnh quan, môi trường và khí hậu chứ không phải đến để ngắm nhà kính. Ở Tây Bắc, ruộng bậc thang của người Mông đã được công nhận là di sản văn hóa và được gìn giữ đã tạo nên sự đặc sắc trong sản phẩm du lịch nơi đây. Những ruộng rau hoa của Đà Lạt cũng xứng đáng được tự do khoe sắc cho du khách ngắm nhìn. Những chiếc nhà kính san sát nối tiếp nhau giống như những tế bào chết đang mở rộng xâm lấn màu xanh của TP này. Cùng với đó là những công trình bê tông khổng lồ càng làm TP mất đi vẻ đẹp tự nhiên vốn có.

“Và nếu nhìn sâu vào thì có thể thấy lợi ích kinh tế từ nhà kính có thật sự vào túi người dân địa phương và đồng bào dân tộc ở đó không hay chỉ rơi vào túi của những nhà đầu tư?”, TS Long đặt vấn đề và cho rằng hiện tại, chúng ta đã mất hẳn một Đà Lạt xưa cách đây 20 - 30 năm. “Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương không phát triển nhà kính, đặc biệt ở khu vực nội đô và trung tâm TP. Cần phải trả lại màu xanh cho TP.Đà Lạt. Việc này cũng sẽ mất nhiều thời gian, phải mất ít nhất 10 năm nữa mới có thể dần phục hồi”, TS Long nhấn mạnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.