Nỗi lo tài chính đe dọa bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam

08/08/2024 17:32 GMT+7

Chuyện cầu thủ CLB Thanh Hóa đình công đòi tiền không mới và cũng chẳng cũ, khi nhiều năm qua các giải chuyên nghiệp VN trước mỗi mùa giải luôn căng thẳng với câu hỏi: "Ai còn, ai mất?".

MÙA NÀO CŨNG THẤP THỎM KIỆN VÀ XIN PHÁ SẢN

Trong 2 mùa bóng qua, CLB Thanh Hóa là đội bóng thành công nhất khi sở hữu 3 danh hiệu gồm cú đúp Cúp quốc gia cùng Siêu cúp quốc gia. Tuy nhiên, các cầu thủ sau 2 năm bị chậm gần 17 tỉ đồng tiền lương, thưởng (chưa tính nhiều tỉ đồng phí hợp đồng) đã đình công, gửi đơn khiếu nại đến Liên đoàn Bóng đá VN (VFF), UBND tỉnh Thanh Hóa. Giám đốc điều hành Cao Hoàng Đức hứa CLB Thanh Hóa sẽ cố gắng giải quyết nợ nần trước ngày 15.8, thừa nhận doanh nghiệp sau khi chi hàng trăm tỉ đồng rất vất vả, cần tỉnh hỗ trợ. Từng chịu cảnh cầu thủ đình công giữa mùa bóng năm ngoái, số phận CLB Khánh Hòa sau khi xuống hạng còn ngặt nghèo hơn khi đối mặt nguy cơ phá sản, rơi xuống hạng ba. Tất cả những tin không vui này đều xuất phát từ vấn đề đầu tiên là… tiền đâu?

Nỗi lo tài chính đe dọa bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam- Ảnh 1.

CLB Khánh Hòa vẫn chưa biết có thể dự giải hạng nhất 2024 - 2025 hay không?

Bá Duy

Mùa bóng 2024 - 2025 sắp khai màn, nhưng trang chủ Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN (VPF) vẫn chưa công bố danh sách các đội bóng khi BTC giải hạng nhất quốc gia phải hoãn lễ bốc thăm vì có quá nhiều đội có nguy cơ rút lui khỏi giải. Tân binh Định hướng Phú Nhuận gặp biến cố thượng tầng trong khi CLB Đồng Nai và Khánh Hòa đứng trước dấu hỏi lớn về tài chính. Rất may 2 đội Bà Rịa-Vũng Tàu và Long An đã cam kết thi đấu bằng lực lượng trẻ, nhưng 3 cái tên kể trên vẫn là những dấu hỏi lớn khiến giải hạng nhất 2024 - 2025 đứng trước nguy cơ chỉ còn 9 đội. Đây là điều không mới vì mùa rồi giải hạng nhất chỉ có 11 đội sau khi CLB Bình Thuận rút lui. Kể từ năm 2012 có đủ 14 đội, mùa nào giải hạng nhất cũng "có biến", khiến số lượng đội luôn dao động giữa 10 và 12. Thậm chí mùa 2017 hạng nhất quốc gia chỉ có 7 đội thi đấu, khiến bóng đá VN bị ví như kim tự tháp chổng ngược với hàng loạt CLB hạng nhất xin phá sản, rơi xuống hạng ba.

CẦN DUY TRÌ TÍNH BỀN VỮNG

Bóng đá chuyên nghiệp VN, tính các CLB V-League và hạng nhất, có quy mô về kinh tế gần 2.000 tỉ đồng, thực tế đã vượt quá khả năng của VFF. Trong khả năng của mình, VFF chỉ có thể cố gắng chắp vá, duy trì mức cân bằng tốt nhất có thể để không vỡ giải mà thôi. Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương đánh giá: "Bản chất của bóng đá chuyên nghiệp VN là chuyển từ trạng thái nhà nước bao cấp sang ông bầu bao cấp, tức là vẫn quen xài tiền chứ chưa làm ra tiền. Sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế VN và thế giới suy thoái kéo dài đã bộc lộ hết hạn chế của bóng đá VN. Vài mùa qua, hầu như mọi đội bóng chuyên nghiệp VN đều chậm lương thưởng theo các mức độ khác nhau. Đó là cái giá quá đắt cho bóng đá VN".

Theo ông Xương, đã đến lúc chúng ta phải hợp lực lại, một mình VFF không thể kham nổi, mà phải chờ Bộ VH-TT-DL tổng kết, tư vấn cho Chính phủ có chiến lược hỗ trợ. Trong điều kiện VN hiện nay, vai trò Nhà nước đưa ra chính sách, hành lang pháp lý để làm "bà đỡ" thể thao chuyên nghiệp phát triển là hết sức cần thiết. Chúng ta phải tái cấu trúc, thay đổi tư duy để thay đổi cách làm bóng đá chuyên nghiệp. Nhưng suốt 20 năm qua, hầu như duy nhất CLB HAGL có sân riêng đã chỉ ra hạn chế lớn nhất khi các CLB vẫn bị trói buộc cơ chế hỗ trợ đất để kinh doanh. Bình quân khai thác sân bãi chiếm 40% ngân sách hoạt động của 1 CLB Nhật Bản, bên cạnh kinh doanh đào tạo trẻ, bán vé, bản quyền truyền hình... và sau đó mới là tập đoàn lớn chống lưng. CLB Lyon (Pháp) được hội đồng TP.Lyon giao đất 70 năm để xây sân vận động riêng khai thác phát triển lâu dài, sau thời hạn đó vẫn là đất của địa phương.

"Không phải ông bầu nào cũng kham nổi việc bỏ hàng chục, hàng trăm tỉ đồng mỗi năm. Các ông bầu như thế ở VN rơi rụng nhiều rồi, nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Về lâu dài, Nhà nước cần tạo ra hành lang pháp lý để tạo ưu đãi, trao đất cho CLB hoàn thiện và khai thác sân vận động, tập luyện, phát triển bóng đá trẻ, tổ chức thi đấu, tổ chức sự kiện… tạo doanh thu. Ngược lại, mỗi CLB cũng phải thay đổi tư duy thể thao đơn thuần để hướng đến văn hóa kinh doanh thể thao chuyên nghiệp một cách hiệu quả. Có thế, kim tự tháp bóng đá VN mới hết cảnh bị đảo ngược như hiện nay", ông Xương nói. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.