Nỗi lo thiếu hụt nhân lực ngành du lịch

18/04/2022 06:37 GMT+7

Lượng khách bùng nổ sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 , song nguồn nhân lực thiếu hụt đang là một trong những thách thức lớn của ngành du lịch trong thời gian tới.

Cạnh tranh tuyển dụng khốc liệt

Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc điều hành Công ty Vietrantour, cho biết trong một tháng qua, sau khi du lịch mở cửa trở lại, lượng khách đặt combo, tour du lịch trong 2 kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương và 30.4 - 1.5 tăng đột biến, nhiều điểm du lịch “cháy” tour, “cháy” phòng. Do thiếu nhân lực, công ty đã rất vất vả điều phối nhân sự để đáp ứng nhu cầu khách hàng.

Hướng dẫn viên du lịch đưa đoàn du khách Mỹ tham quan Hội quán Phúc Kiến (phố cổ Hội An, Quảng Nam) ngày 5.4, sau 2 năm du lịch đóng băng vì dịch Covid-19

Nam Thịnh

“Công ty trước đây có hơn 150 người, qua 2 năm dịch bệnh, chúng tôi đã phải cắt giảm 1/3 nhân sự. Khi du lịch mở cửa trở lại, chúng tôi cũng đã tăng cường tuyển dụng thêm, song vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu. Một số nhân viên cũ có kinh nghiệm đã chuyển sang công việc khác, trong khi những người mới cần có thời gian đào tạo”, bà Huyền chia sẻ.

Thời điểm này các đơn vị lưu trú cũng đang gặp khó khăn về nhân sự. Ông Nguyễn Hồng Hải, Tổng giám đốc Công ty thương mại dịch vụ Dân chủ Hà Nội, chủ đầu tư khách sạn De L’Opera Hà Nội, cho biết: “Khách sạn đã cố gắng duy trì các chính sách để giữ chân lao động trong thời gian nghỉ dịch Covid-19, như: bảo đảm mức lương tối thiểu, đóng bảo hiểm, trợ cấp cho nhân viên, điều chỉnh từng bước tăng ngày công theo tình hình kinh doanh…; nhưng do thu nhập giảm, nhiều lao động phải làm việc cầm chừng, từ 168 lao động nay chỉ còn 103 người”.

Theo ông Hải, việc cạnh tranh tuyển dụng sau dịch đang vô cùng khốc liệt. Khi công ty gọi lại một số lao động đã nghỉ việc, họ vẫn dè dặt vì khách chưa đông, thu nhập chưa như mong muốn. Một số đòi hỏi nếu quay lại phải điều chỉnh mức lương. Có lao động đã được tuyển dụng nhưng đến ngày đi làm thì đề nghị xem xét lại vì có nơi khác mời làm việc với chế độ đãi ngộ cao hơn.

Ông Vũ Quang Thành, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, dự báo việc du lịch mở cửa trở lại hoàn toàn từ ngày 15.3 và nhu cầu du lịch vào các dịp nghỉ lễ, nghỉ hè sắp tới khiến nhu cầu tuyển dụng của ngành này sẽ tăng mạnh trong quý 2. “Du lịch là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 với khoảng 60 - 70% nhân lực đã nghỉ việc, chuyển nghề. Khi mở cửa trở lại, các công ty, nhà hàng, khách sạn đang gấp rút tuyển dụng và đào tạo nhân viên. Các vị trí được tuyển dụng nhiều là marketing, hướng dẫn viên, nhân viên buồng phòng, đầu bếp, phục vụ bàn…”.

Ngoài các vị trí truyền thống trong ngành du lịch, theo ghi nhận của Công ty Adecco VN chuyên cung cấp các giải pháp nhân sự, các vị trí am hiểu công nghệ đang được săn đón để bảo đảm trải nghiệm khách hàng tốt nhất khi đặt phòng, làm thủ tục hoặc tương tác trực tuyến. Nhiều doanh nghiệp du lịch vừa tuyển dụng và đào tạo lại các nhân sự cũ, vừa tìm kiếm sinh viên mới tốt nghiệp để san sẻ công việc.

Cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch

Tại hội thảo “Khôi phục và phát triển nguồn nhân lực du lịch trong bối cảnh bình thường mới” do Hiệp hội Du lịch VN tổ chức mới đây, ông Phạm Văn Thủy, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, cho rằng ngành du lịch đã mở cửa trở lại với nhiều cơ hội và thách thức lớn. Một trong những thách thức là vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực du lịch.

“Để bổ sung nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn tới, nên chăng tính đến việc mời lại những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch quay trở lại với nghề, đào tạo lại, đào tạo tại chỗ, đào tạo nhân lực chất lượng cao phù hợp với các ngành nghề, các địa phương. Các địa phương cũng cần đánh giá lại thực trạng du lịch, phối hợp với các trường đào tạo xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch”, ông Thủy nói.

Để thu hút lao động trở lại làm việc và tuyển dụng lao động mới, theo GS-TS Nguyễn Văn Đính (Hiệp hội Du lịch VN): “Các doanh nghiệp muốn thu hút lao động có kinh nghiệm, có tay nghề trở lại làm việc trong ngành du lịch thì cần thực hiện tốt chính sách lương, cải thiện môi trường làm việc, đào tạo bổ sung những kiến thức, kỹ năng chuyên môn mới và bổ sung các kiến thức phù hợp với điều kiện thực tế...

Đối với lực lượng lao động tuyển dụng mới, doanh nghiệp cần phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các cơ sở đào tạo để đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.