Nỗi lo thừa… điện

18/02/2021 10:29 GMT+7

Sau 1 thập kỷ lúc nào cũng lo thiếu hụt thì năm 2021, lần đầu tiên EVN lại bỗng lo… thừa điện .

Báo cáo tổng kết năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của “anh cả” ngành điện là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã không dưới 2 lần nhắc đến chữ “thừa nguồn”. 
Những ngày đầu 2021, rất nhiều thành viên của Diễn đàn Năng lượng tái tạo Việt Nam không khỏi “bàng hoàng” khi chứng kiến một bản danh sách dài với hàng chục nhà máy điện mặt trời tại tỉnh Đắk Nông được lên kế hoạch luân phiên “sa thải hoàn toàn”.
Theo đó, trong các ngày từ 30.12.2020 đến 5.1.2021, mỗi ngày bình quân có khoảng 30 dự án điện mặt trời không được huy động dù chỉ là 1kWh để phát lên hệ thống điện quốc gia. Lý do là bởi “máy biến áp T1 của trạm 110 Cư Jút bị quá tải do phát ngược từ hệ thống điện mặt trời” của các dự án trong khu vực.

Cắt giảm điện vì thừa nguồn

Trước đó ít hôm, nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đã phải phát văn bản kêu cứu lên các cơ quan quản lý, thậm chí lên tận Thủ tướng Chính phủtình trạng thừa điện, tức điện phát ra không bán được.
Cụ thể, theo phản ánh bằng văn bản của Công ty Công Lý, vào sáng 27.12.2020, Nhà máy điện gió Bạc Liêu khi đang phát điện dao động từ 6 - 11 MW thì nhận được lệnh điều độ yêu cầu giảm công suất về 2 MW.
Cũng trong ngày này, dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam có công suất 450 MW của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam đã được yêu cầu giảm phát hơn 360 MW (khoảng 80% công suất thiết kế). Theo doanh nghiệp này, đây không phải là lần đầu, bởi từ ngày vận hành thương mại chính thức tới nay, dự án này thường xuyên bị cắt giảm công suất phát.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, ngày 27.12.2020 là một trong những ngày phụ tải điện (công suất tiêu thụ) xuống rất thấp, điển hình là vào lúc 13 giờ, phụ tải của hệ thống điện chỉ là 20.595 MW (trong khi tổng công suất nguồn điện hiện có là khoảng 68.000 MW). Chính vì vậy, trên thực tế, đây là một trong những ngày công suất điện mặt trời đã bị cắt giảm lớn nhất, với 3.000 MW. Trước đó một ngày, vào giờ thấp điểm trưa 26.12, hệ thống cũng phải cắt giảm tới 2.000 MW điện mặt trời.
Thống kê của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, trong năm 2020, có tới 365 triệu kWh điện mặt trời đã phải buộc giảm phát (cắt giảm). Riêng trong nửa cuối tháng 11.2020, do tăng trưởng rất nóng của điện mặt trời, nhất là điện mặt trời áp mái, buộc ngành điện phải thực hiện khoảng 20 lần cắt giảm do thừa nguồn, với tổng sản lượng cắt giảm là 35 triệu kWh.
Thế nhưng, con số phụ tải nói trên đến ngày 1.1.2021 đã một lần nữa tụt xuống rất nhanh. Ghi nhận của A0 cho thấy giờ thấp điểm nhất là trưa hôm đó, phụ tải chỉ còn 16.585 MW, chỉ bằng 25% so với tổng công suất đặt các nguồn điện hiện có của cả hệ thống (khoảng 68.000 MW). Điều này đồng nghĩa với việc, con số cắt giảm điện mặt trời chắc chắn cũng sẽ không hề nhỏ.

“Thiếu điện đã đau đầu, thừa điện còn mệt mỏi hơn”

Cần phải nhắc lại rằng, câu chuyện giảm phát từng lác đác xảy ra hồi giữa năm 2019, nhất là tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận - “thủ phủ” của các dự án điện gió, điện mặt trời khi tình trạng các dự án điện mặt trời mặt đất chạy đua vào phát điện những ngày cuối tháng 6.2019 để kịp hưởng cơ chế giá ưu đãi.

Điện mặt trời đã chiếm tới 25% công suất đặt của hệ thống điện nhờ sự tăng trưởng vượt bậc trong năm 2020

Chí Hiếu

Tuy nhiên, nếu như trước đó, việc giảm phát, sa thải điện mặt trời với nguyên nhân chủ yếu là vì quá tải đường dây thì ngày 1.1.2021, có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử, A0 đã phải lên tiếng rằng “không thể huy động toàn bộ công suất khả dụng của nguồn điện” vì… thừa điện, trong đó có cả các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió và điện mặt trời.
A0 đồng thời cảnh báo, tới đây, vào các giờ phụ tải thấp điểm vào buổi trưa, các ngày nghỉ cuối tuần hoặc các dịp lễ tết, nhất là dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2021 sắp tới, tình trạng cắt giảm sẽ còn xảy ra.
Báo cáo tổng kết hội nghị tổng kết của EVN diễn ra hồi giữa tháng 1 vừa qua đã lần đầu nhắc đến chữ “thừa nguồn”. “Tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo tăng cao gây khó khăn trong điều hành hệ thống và dẫn đến tình trạng “thừa nguồn” trong các thời điểm buổi trưa và các ngày lễ, cuối tuần”, EVN nêu rõ.
Ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc A0, cho hay trong năm 2021, A0 dự kiến sẽ phải cắt giảm 1,3 tỉ kWh điện ở khối năng lượng tái tạo, trong đó có 500 triệu kWh là do thừa nguồn, thấp điểm trưa và quá tải vận hành đường dây 500 kV.
Vậy nhưng, việc phải cắt giảm liên tục điện mặt trời khiến cho ông Dương Quang Thành, Chủ tịch HĐTV EVN, đối mặt không ít áp lực từ những người làm điện mặt trời. Ông Thành kể, gần đây, các chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời thường xuyên nhắn tin để phàn nàn về việc dự án của họ phải chịu cảnh cắt giảm.
“Họ kêu rằng cứ vận hành như thế thì làm sao chúng tôi có đủ tiền để trả ngân hàng. Với tập đoàn, thiếu đã rất đau đầu nhưng thừa điện còn mệt mỏi hơn”, ông Thành nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.