Nuôi lợn rừng bằng giun quế 'bỏ túi' 200 triệu mỗi năm

02/03/2020 08:25 GMT+7

Nhờ được thêm giun quế vào khẩu phần ăn hàng ngày, đàn lợn rừng của anh Nguyễn Văn Đức (31 tuổi, ngụ tại thôn 2, xã Cẩm Phúc, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) tăng sức đề kháng, tăng năng suất, thịt thơm ngon hơn.

Đứng lên từ thất bại

Năm 2009, anh Nguyễn Văn Đức tình cờ xem được một chương trình giới thiệu về mô hình nuôi lợn rừng cho thu nhập cao, nên quyết định làm theo bằng cách vào tỉnh Đắk Nông tìm mua 4 con lợn rừng trưởng thành (1 đực, 3 cái) với số tiền hơn 30 triệu đồng về nhân đàn.
Nhờ nuôi đúng kỹ thuật, đến đầu năm 2013, đàn lợn rừng đã tăng lên 51 con. Tuy nhiên, khi anh Đức bán lợn rừng thương phẩm thì gặp khó khăn vì chào mời khắp nơi mà không ai đặt hàng. Anh đành bán hơn một nửa đàn lợn cho người dân địa phương với giá rẻ để gỡ lại ít vốn, số còn lại tiếp tục nuôi cầm chừng.
Khởi nghiệp bước đầu chưa thành công, nhưng vì khao khát muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương nên anh Đức quyết tâm tìm hướng đi mới. Năm 2013, anh thuê một khu đất hoang hóa của xã và vay gần 1 tỉ đồng xây dựng trang trại nuôi lợn thường.
Nhưng vận đen tiếp tục bám theo anh Đức, bởi cuối năm đó, khi đàn lợn thường bắt đầu xuất bán được thì trên địa bàn xảy ra dịch lợn tai xanh khiến lợn trong trang trại bị chết gần hết, số chưa mắc bệnh lại bị thương lái ép giá.
Công sức và khoản tiền lớn bỏ ra đầu tư của anh gần như mất trắng. “Nhưng rất đặc biệt là sau đợt dịch tai xanh, đàn lợn rừng tôi nuôi cầm chừng trong trang trại vẫn phát triển bình thường mà không bị nhiễm bệnh. Tôi nghĩ rằng cần phải quay lại với loài lợn này. Nếu tiếp tục nuôi lợn bình thường thì quá bấp bênh”, anh Đức nói.
Thông qua các mối quan hệ bạn bè, cuối cùng anh Đức cũng được một công ty ở miền Bắc đồng ý ký hợp đồng tiêu thụ lợn rừng thương phẩm. Không còn lo về đầu ra, anh tập trung chăm sóc các lợn rừng mẹ sinh sản để gia tăng tổng đàn.

"Tôi sắp giàu rồi"

Đến nay, anh đang sở hữu đàn lợn rừng với trên 120 con. Anh cười, bảo: “Suốt 3 năm nay, thông qua việc bán lợn rừng thịt và con giống, trừ hết chi phí, tôi thu nhập ổn định mỗi năm khoảng 200 triệu đồng tiền lãi nên sắp giàu. Vui nhất là bây giờ công ty họ đặt hàng nhiều nên lợn rừng thịt luôn trong tình trạng không có mà bán”.
Anh Đức nói rằng để đàn lợn rừng sinh sản, phát triển tốt thì chuồng trại luôn phải sạch sẽ, tiêm phòng đầy đủ và đặc biệt là cách cho ăn phải đúng quy trình. Anh Đức đã tận dụng các loại rau cỏ có tại địa phương làm thức ăn cho đàn lợn rừng và trồng thêm sắn, ngô bổ sung thêm tinh bột để đảm bảo khẩu phần ăn hàng ngày của lợn rừng có 80% rau xanh và 20% tinh bột. Đặc biệt, khi thử trộn thêm giun quế vào thức ăn hàng ngày cho lợn rừng, anh nhận thấy sức đề kháng của đàn lợn rừng cao hơn, lớn nhanh hơn và thịt dai, thơm ngon hơn.
“Tôi tận dụng chất thải của đàn lợn rừng để nuôi giun quế làm thức ăn cho chúng. Mỗi ngày, tôi lấy một ít giun quế nấu chín lên rồi trộn vào cám ngô hoặc cám sắn. Ủ khoảng 3 tiếng thì cho cho ăn. Cách cho ăn này giúp đàn lợn rừng không chỉ kháng được các loại bệnh thường gặp mà thịt chúng trở nên chất lượng hơn”, anh Đức tiết lộ.
Với mô hình kinh tế năng động và hiệu quả của mình, năm 2017, anh Đức vinh dự được T.Ư Đoàn trao tặng giải thưởng Lý Tự Trọng. Năm 2019, anh lại được TƯ Đoàn công nhận là một trong hơn 300 đảng viên trẻ tiêu biểu toàn quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.