Nỗi lòng của hội ‘lơ ngơ’ không biết đi chợ, chặt gà, gói bánh… ngày tết

24/01/2023 17:45 GMT+7

Thời điểm tết đến cũng chính là lúc nhà nhà bày biện mâm cỗ với rất nhiều lễ nghi, phong tục. Và theo đó là những nỗi e ngại của nhiều người trẻ khi không biết đi chợ, chặt gà, gói bánh…

Việc đi chợ, chặt gà, gói bánh, bày biện mâm cỗ... ngày tết đối với nhiều người trẻ là "cực hình"

THƯỢNG HẢI

“Cỡ tuổi này, mẹ biết làm hết rồi”

Mỗi năm tết đến cũng là lúc Nguyễn Thị Ngọc Vân (22 tuổi), ngụ tại thôn Hòn Thiên, xã Tân Hải, H.Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận) lại phải khổ sở khi nghe mẹ nói: “Con mà lấy chồng chắc 2-3 bữa là nhà chồng trả về” chỉ vì cô không giỏi nấu ăn.

Nhiều người trẻ hiện nay rất ngại vào bếp dịp tết

THƯỢNG HẢI

“Thiệt tình là con gái mà mình không biết nấu ăn, ngày tết lại nấu nướng nhiều nên mình thấy áp lực rồi cứ làm sai, làm hư nhiều, thế là bị mẹ la. Có năm mình tập nấu mấy món nhỏ nhưng mà bị ‘chê’ làm mất đi sự háo hức nên tết đến mình chủ yếu giúp gia đình làm các việc vặt, như: nhặt rau, rửa chén, xếp bàn ghế hay đi mua bánh kẹo, nước ngọt”, Vân bày tỏ.

Vân cho biết hiện nay mọi thứ đều có sẵn cả, các món ngày tết hoàn toàn có thể đặt về nên có thể nhiều bạn trẻ sẽ không quá “ép mình” phải làm nhiều thứ trong ngày tết. “Trước đây mỗi năm sum họp nhà mình đều có nấu bánh tét, còn chia đội ra để thi rồi ngồi trực nồi bánh cùng nữa. Cũng cực mà vui, nhưng bây giờ cái gì cũng có sẵn với thời gian cũng không có, ai cũng bận hết thì lấy đâu mà làm như trước”, Vân kể.

Làm gà, chặt gà là nỗi lo của nhiều người trẻ

CẨM TUYẾT

Đồng cảm với Vân, Trần Nguyễn Yến Nhi (22 tuổi), ngụ tại số 785 Hồng Bàng, P.6, Q.6 (TP.HCM) cũng gặp nỗi khổ không biết chặt gà hay đi chợ ngày tết.

“Mình hơi vụng về trong việc nữ công gia chánh nên thường xung phong làm tài xế chở mẹ đi mua đồ. Cỡ khoảng ngày 27 tết, khi dọn dẹp nhà cửa xong xuôi thì nhà mình bắt đầu mua sắm trái cây, gà, bánh mứt để chuẩn bị đón tết, vì ở thành phố, nên sẽ ưu tiên mua những thực phẩm được làm sẵn, chứ không có gói và nấu bánh như ở quê”, Yến Nhi cho hay.

Nhi chỉ có thể phụ mẹ rửa chén dĩa hay bày biện mâm cúng, chứ chặt gà là thua, dù có thử nhiều lần nhưng cứ động vào con gà chừng 2 nhát là mẹ Nhi đã thở dài rồi làm thay. “Mẹ hay nói mình: ‘Cỡ tuổi này là mẹ biết làm mấy cái này hết rồi’. Mình cũng muốn thể hiện mà sợ phải ‘đền’ gà lại cho mẹ”, Nhi kể.

Cũng vô cùng vất vả mỗi khi gia đình làm mâm cỗ cho ngày tết, Hồ Thị Yến Nhi, sinh viên Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM (cơ sở Bình Dương), lo rằng trong tương lai sẽ không biết chuẩn bị những điều này như thế nào cho chu toàn.

"Từ đêm 30 cho đến mùng 3 Tết Nguyên đán, ba mẹ mình thường hay làm rất nhiều món ăn và mua thêm hoa trái, giấy vàng, đèn nến... để thờ cúng. Nhưng từ đó đến giờ, ba mẹ vẫn chưa chỉ cho mình cách chặt gà, đi chợ hay chuẩn bị đồ cúng ngày tết ra sao nên mình vẫn mơ hồ, ngơ ngác không hiểu ý nghĩa của những công đoạn này trong ngày tết", Nhi bộc bạch.

Nhi cũng chưa từng dám thử vì sợ làm sai. "Hiện tại, mình cảm thấy việc làm và chuẩn bị những món ăn, phong tục này vẫn chưa quan trọng nhưng chắc chắn là trong tương lai phải nhờ ba mẹ hướng dẫn cho mình", Nhi chia sẻ.

Biết làm để lo cho gia đình nhỏ sau này

Gọi mình là “chuẩn con dâu tương lai”, Kiều Thị Thảo My (21 tuổi), ngụ tại ấp 3, xã Tân Phước Tây, H.Tân Trụ (tỉnh Long An) cho biết ngày tết, Thảo My thường đi chợ sắm mứt tết, quà biếu với mẹ rồi đi mua hoa với ba. Và thường mùng 2 tết, My sẽ cùng gia đình gói bánh tét để mùng 3 có mâm cúng tại nhà.

Biết "làm này, làm kia" trong ngày tết sẽ hỗ trợ người trẻ rất tốt trong cuộc sống hằng ngày

THƯỢNG HẢI

“Từ khi lên THCS, mỗi năm mẹ đều dạy mình làm một ít. Vì mẹ muốn mình đi đến nhà ai cũng biết làm để không bị thua thiệt và mẹ sẽ chia sẻ kinh nghiệm với mình chuyện bếp núc còn ba sẽ hỗ trợ mình những việc nặng nhọc hơn nên hầu như mọi thứ từ chặt gà, đi chợ, gói bánh, nấu đồ cúng… mình đều biết”, Thảo My chia sẻ.

Cô bạn này cho rằng bất kỳ ai cũng nên biết một vài kỹ năng như thế này, vì ai cũng sẽ có cho mình một gia đình nhỏ trong tương lai và cần biết để sau này vun vén cho gia đình nhỏ và dạy lại cho thế hệ con cháu. Đồng thời, cũng là những việc rất nhỏ nhoi mà gen Z có thể giúp ba mẹ đỡ vất vả hơn trong dịp tết.

Đồng tình với Thảo My, Nguyễn Phạm Trung Kiên (22 tuổi), ngụ tại ấp Mỹ Qưới, xã Mỹ Đức Đông, H.Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), cho biết vào ngày tết sẽ thường phụ giúp gia đình ở công đoạn đi chợ mua rau, thịt cá... rồi về chế biến thịt kho rượu, canh khổ qua, những món xào trộn… Và ngày 30 tết thì làm gà nấu cháo, cá lóc nướng trui cúng ông bà.

Việc biết những kỹ năng này của gen Z còn là hỗ trợ rất lớn cho gia đình ngày tết

THƯỢNG HẢI

“Lúc còn nhỏ, mình thấy ông bà, ba mẹ làm rồi tự học theo nên biết và mình thấy những kỹ năng này rất dễ học. Như đi chợ ngày tết thì nên đi sớm và đi nhiều sạp, cửa hàng để tham khảo giá hoa, trái cây như thế nào và để ý được vài chỗ có đồ tươi ngon vì chưng tết xong thì gia đình cũng dùng nên phải an toàn”, Trung Kiên cho hay.

Rồi Trung Kiên bày tỏ thêm: “Thời buổi này, mọi thứ đều có sẵn cả nên nhiều người có tâm lý đặt về để khỏi làm cho khỏe nhưng điều này khiến cho không khí ngày xuân dần mất đi, đâm ra tâm lý chán tết và cũng chưa chắc đồ làm sẵn sẽ an toàn vệ sinh hơn nhà làm. Mình nghĩ người trẻ nên hỏi người lớn để biết chặt gà, đi chợ… không cần làm giỏi, chỉ cần biết làm để lo cho gia đình sau này nữa”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.