“Công việc thì vất vả nhưng nỗi tâm tư của anh em là bị dân trách, hiểu nhầm. Nhiều khi đi làm về mệt mà còn tủi thân, các chiến sĩ trẻ buồn, chả thèm cơm nước luôn…”, đại tá Lê Văn Tiền, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh Quảng Trị) “vào đề” như thế. Có hai điều bị “mang tiếng” nhiều nhất, là xe chữa cháy đến muộn và xe chữa cháy không có nước.
“Khi người dân điện báo có cháy, luôn có tâm lý muốn xe PCCC đến liền, trong khi chưa tính khoảng cách từ đơn vị đến hiện trường bao xa (mà vận tốc cho xe chở nước chỉ 50 km/giờ)”, trung tá Bùi Ngọc Bình, Đội trưởng Đội cảnh sát PCCC và CNCH trung tâm (Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH), cho hay. Cũng theo trung tá Bình, cũng có lúc do cán bộ trực báo sơ sài nhưng có nguyên nhân khác là thường xuyên nhận tin báo cháy giả nên thường mất thời gian để xác minh.
Thiếu tá Lê Văn Điệp, Đội phó Đội cảnh sát PCCC và CNCH trung tâm (Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH), cho biết thêm: “Mỗi xe chữa cháy chỉ chứa khối lượng nước nhất định, đến hiện trường, phun một thời gian sẽ hết, phải đi lấy nước. Theo quy định đường trong đô thị, cứ 150 m thì có 1 trụ nước nhưng thực tế làm gì có, anh em phải chạy đi lấy nước ở các sông suối, ao hồ”.
tin liên quan
Lính trẻ 'thử lửa'Còn với 2 câu hỏi: “Vì sao đến hiện trường rồi, lính chữa cháy vẫn chạy ra, chạy vào mà không chịu chữa cháy? Vì sao nhà đang cháy không chữa, lại chữa cháy nhà bên cạnh?”. Theo thiếu tá Điệp, trước khi chữa cháy, lính chữa cháy cần phải trinh sát nắm địa hình mới triển khai cứu người, cứu tài sản, vừa nâng cao hiệu quả chữa cháy, vừa đảm bảo tính mạng bản thân. Còn một số trường hợp, ngôi nhà đã cháy rụi không cứu được nữa thì chiến thuật của chữa cháy là phải chống cháy lan, cứu những ngôi nhà xung quanh.
Ngay cả các cuộc CNCH không phải lúc nào cũng thành công. Cụ thể, trong tháng 8.2017, dù đã tung quân ngụp lặn hơn ngày trời dưới sông Thạch Hãn, đoạn chân cầu Thạch Hãn (TX.Quảng Trị) nhưng vẫn không tìm thấy thi thể một nạn nhân nhảy cầu tự vẫn. Hay, dù trắng đêm triển khai lực lượng tìm kiếm ở những vị trí xung yếu nhất, các chiến sĩ CNCH vẫn không tiếp cận được thi thể của nam sinh bị cuốn vào ống cống ngay giữa TP.Đông Hà vào tháng 10.2017. “Địa bàn sông nước quá mênh mông, dòng chảy cứ liên tục. Anh em lặn suốt ngày đến kiệt sức, không có kết quả cũng đành ngậm ngùi rút lên”, thượng úy Đoàn Thanh Tú, Tiểu đội trưởng chuyên trách về CNCH (Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH) nói.
Đại tá Lê Văn Tiền kể, trong lần gần đây khi trực tiếp ra hiện trường tìm kiếm nạn nhân đuối nước ở xã Vĩnh Giang (H.Vĩnh Linh), ông cũng bị người dân mắng xối xả nhưng đành ngậm đắng nuốt cay mà về vì không tìm thấy nạn nhân. “Chính vì thế, phải giao nhiệm vụ cho anh em có bản lĩnh. Không những về nghiệp vụ mà còn cả về tư cách. Dù có bị mắng, tôi vẫn dặn anh em cấp dưới, trong mọi hoàn cảnh nếu không an toàn, không thực hiện. Khi đã kiệt sức thì phải dừng lại...”, đại tá Tiền nói.
Sinh mệnh người dân là trên hết, tài sản của người dân là quan trọng. Trong mọi tình huống, hoàn cảnh, các chiến sĩ PCCC và CNCH phải luôn thực hiện nhiệm vụ khẩn trương nhất, nhưng có những yếu tố khách quan phức tạp khiến nhiệm vụ khó hoàn thành mỹ mãn. Nỗi lòng của chiến sĩ PCCC và CNCH là vậy!
Bình luận (0)