Trước đó, bệnh nhân P.N.P (49 tuổi, trú tại H.Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) nhập cấp cứu Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng vết thương phức tạp, bàn tay trái bị cưa máy cắt.
Cụ thể, bệnh nhân bị đứt lìa ngón 1 (ngón tay cái) và ngón 3 (ngón giữa), các ngón còn lại bị tổn thương. Trong 2 ngón tay đứt lìa, ngón cái đã bị mất tại hiện trường, chỉ còn ngón giữa mang theo cấp cứu.
Ngay lập tức, các bác sĩ trực khoa Ngoại chấn thương - chỉnh hình quyết định nối lại ngón tay đứt rời bằng kỹ thuật vi phẫu cho bệnh nhân.
Sau gần 5 giờ đồng hồ, các bác sĩ đã nối thành công ngón giữa vào ngón cái, đồng thời xử lý các tổn thương của các ngón còn lại.
Ê kíp phẫu thuật cho biết, sở dĩ quyết định nối ngón tay giữa vào ngón cái là vì ngón cái chiếm tới 50% chức năng của bàn tay. Ở tư thế đối chiếu, ngón tay cái kết hợp với 4 ngón tay còn lại tạo thành gọng kìm để cầm nắm, nhặt đồ vật.
Chính vì vậy, các tổn thương gây mất ngón tay cái sẽ làm giảm chức năng bàn tay, ảnh hưởng trầm trọng đến lao động và sinh hoạt hằng ngày của người bệnh nên việc tái tạo ngón tay cái là điều rất quan trọng.
Theo các bác sĩ, khó khăn của trường hợp này là bàn tay tổn thương phức tạp. Trong đó, các động mạch, tĩnh mạch của ngón tay đứt rời bị dập đoạn khá dài kèm theo sự không tương thích về kích thước lòng mạch của 2 miệng nối dẫn tới sự khó khăn trong khâu nối mạch máu và nguy cơ tắc mạch rất cao. Do đó, thời gian mổ kéo dài, đòi hỏi sự kiên trì và tỉ mỉ cao.
Đến thời điểm hiện tại, ngón cái của bệnh nhân đã cử động được, bệnh nhân đã xuất viện.
Bệnh viện Đà Nẵng khuyến cáo, đối với phần chi thể bị đứt rời cần được bảo quản bằng cách bọc kín bằng gạc hoặc vải sạch (lưu ý không bọc quá dày) quanh phần đứt lìa rồi cho vào túi ni lông mỏng, buộc kín miệng túi để nước không thể thấm vào. Đặt túi vào thùng đá lạnh, thau chứa đá lạnh và nhanh chóng mang theo cùng bệnh nhân để cấp cứu kịp thời.
Bình luận (0)