Đó là tâm sự của nữ phi công trẻ xinh đẹp Nguyễn Trần Diệu Thúy trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực, bao gồm hàng không.
"Tất cả đột ngột ập đến khiến tôi lo sợ"
Trước khi trở thành nữ phi công đầu tiên của một hãng hàng không trong nước vào năm 2019, Nguyễn Trần Diệu Thúy (31 tuổi) quê ở Quảng Trị từng là diễn viên và người mẫu ảnh. Thúy lại tốt nghiệp ngành kỹ sư an toàn lao động của Trường ĐH Tôn Đức Thắng và đi làm tại một công ty.
Tuy nhiên, sau một chuyến du lịch trải nghiệm, Thúy bỗng có một khát khao được "chinh phục bầu trời" nên cô đã ứng tuyển và trở thành tiếp viên cho hãng hàng không Etihad Airways của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Chưa dừng ở đó, Thúy về Việt Nam, thi tuyển vào trường phi công Bay Việt, rồi sang Mỹ để học thực hành bay và tốt nghiệp vào tháng 2.2018.
|
Trở thành phi công chưa được bao lâu thì đầu năm 2020, dịch Covid-19 ập đến, Thúy chứng kiến nhiều hãng hàng không trên thế giới sụp đổ, nhiều phi công trên các nước bạn và cả trong nước đối mặt nhiều nguy cơ như giảm lương, ngừng bay hoặc thất nghiệp.
"Tất cả đến bất ngờ như những chi tiết của một bộ phim giả tưởng. Sự nghiệp của tôi chỉ vừa mới bắt đầu, với bao nhiêu nhiệt huyết, hứng khởi và hy vọng. Dịch Covid-19 đã làm cho mọi thứ bỗng nhiên tan biến một cách đột ngột, nhanh đến nỗi có khi chưa kịp hiểu điều gì đang xảy ra. Tôi sống trong cảm giác lo sợ. Sợ nếu dịch kéo dài thì có khi nào tôi sẽ không còn cơ hội để chinh phục bầu trời nữa hay không? Liệu có phải mọi thứ đã chấm hết?", Thúy chia sẻ.
|
Trong gần 2 năm qua, Thúy cho biết bản thân mình thật hạnh phúc khi dịch Covid-19 tại Việt Nam được kiểm soát tốt, nhờ thế kinh tế dần được hồi phục, trong đó có hàng không.
Nữ phi công trẻ chia sẻ: "Tôi nghĩ rằng dịch Covid-19 giống như những con sóng ngoài biển, có ngọn sóng cao, khoảng lặng rồi lại tiếp tục những ngọn sóng cao thấp khác... Nhớ lại dịp Tết Nguyên đán, khi đó chúng ta lại đối diện một đợt sóng Covid-19, tôi đã có những chuyến bay bất kể ngày đêm phục vụ bà con về quê ăn tết, sinh viên về quê tránh dịch... Tuy nhiên, nếu so với các y bác sĩ, chiến sĩ công an và quân đội ngày đêm ra tuyến đầu chống dịch, tôi chợt thấy công việc hàng không của tôi vẫn còn nhẹ nhàng biết bao nhiêu".
Dù đã chuẩn bị tinh thần trước nguy cơ có một đợt bùng phát dịch Covid-19 sau dịp lễ 30.4 vừa qua, nhưng Thúy không ngờ quy mô lần này lại lớn hơn bất cứ đợt dịch nào trước đó.
"Sân bay trở nên vắng lặng một cách đáng sợ và bầu trời cũng vắng lặng. Sự ảm đạm lại trở về. Suốt tháng qua, số chuyến bay ít ỏi làm tôi nhớ bầu trời da diết. Nhớ bình minh trên những chuyến bay sớm, và khi hoàng hôn nắng hắt rực rỡ trên đầu... Không còn hình ảnh nhộn nhịp của sân bay, với những tình cảm vui mừng, xúc động của người thân đi đón người thân... tôi nhớ cả những cụ già vẫn thường níu tôi lại để hỏi tôi những câu như “cháu ơi, xem hộ bác phải đi cửa nào?”, Thúy bồi hồi nói.
Chuyến bay gần nhất của Thúy là cách đây khoảng một tuần, với vỏn vẹn 70 hành khách. Trước đó, một chuyến bay chiều đi có 80 hành khách, chiều về thì chỉ còn lại phi công và tiếp viên.
Muốn vượt qua đại dịch phải vượt qua chính mình
Dù luôn trong tâm trạng lo lắng, bấp bênh vì không biết bao giờ dịch Covid-19 mới chấm dứt nhưng Thúy cảm thấy tôi đang dần mạnh mẽ hơn, dám đối mặt khó khăn và tìm cách để thay đổi bản thân.
"Tôi học cách tìm niềm vui mỗi ngày với những mối quan hệ với người thân, bạn bè. Mỗi ngày tôi đều thức dậy sớm, pha cho chính tôi một ly cà rồi ăn nhẹ, đọc sách, dọn dẹp căn nhà nhỏ, đi chợ chọn đồ ăn tươi. Buổi chiều thì chơi thể thao và buổi tối tiếp tục đọc sách hoặc học tiếng Anh. Dịch Covid-19 thực ra cũng giúp cho tôi sống chậm hơn, nghĩ giản đơn, thanh lọc cơ thể cũng như loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực", Thúy bày tỏ.
|
Trái ngược với lịch bay bận rộn trước đây, Thúy hiện giành phần lớn thời gian ở nhà, chỉ gặp bạn và đồng nghiệp khi có công việc cần trao đổi trực tiếp, còn lại không đi ăn uống hay cafe ở ngoài. Buổi sáng, nữ phi công trẻ chạy bộ quanh công viên gần nhà và buổi chiều mát thì đạp xe hoặc tập các bài Cardio (bài tập liên quan đến tim mạch).
|
"Để vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19 cần phải vượt qua chính mình trước tiên. Đó là tự vượt qua sự chây lười của bản thân khi quá rảnh rỗi, thiết lập cho bản thân một thời khoá biểu khoa học, nâng cao tinh thần thể thao, đặc biệt luôn giữ tinh thần lạc quan. Những ngày dịch này tôi cũng đã nhận ra thay đổi suy nghĩ sẽ thay đổi hành động, thay đổi được hành động sẽ thay đổi thói quen, cuộc sống sẽ lành mạnh, tinh thần sẽ luôm tích cực", nữ phi công xinh đẹp chia sẻ.
Bình luận (0)