Có biết bao nơi chốn đi về quên quên nhớ nhớ. Đặc biệt có một nơi tưởng chừng chẳng bao giờ phải nhớ vì nó xô bồ, nhộn nhạo, chật chội, chen chúc và khói bụi mịt mù: cái thành phố nơi tôi đang ngồi, nơi tôi sinh ra và lớn lên với bao nhiêu kỷ niệm ấy chẳng bao giờ mình nghĩ có ngày phải nhớ đến nó. Vậy mà... Sau ngày tốt nghiệp, khăn gói ra Nha Trang dạy học, một lần đưa giáo sinh đi lao động ở Suối Dầu, cách Nha Trang khoảng 20 km về phía nam, nơi thầy trò chặt mía nấu đường cho trường. Trong đêm vắng lặng, ngồi trực một mình, chợt nghe một anh thợ nấu đường, nguyên cũng là sinh viên Bách khoa lưu lạc theo chủ lò đường làm thuê, ôm cây đàn nghêu ngao hát:
“Em còn nhớ hay em đã quên?
Nhớ Sài Gòn mưa rồi chợt nắng
Nhớ phố xưa quen biết tên bàn chân
Nhớ đèn đường từng đêm thao thức...”
Lòng chợt rưng rưng... Thì ra mình cũng có một nơi chốn để nhớ về trong những ngày xa nhà này? Những kỷ niệm ùa về như thác lũ... để rồi những chiều hôm sau đó, tôi cứ ra ngoài quốc lộ ngồi nhìn những chuyến xe đò lên xuống, thầm ước ao trên chuyến xe về Sài Gòn có mình ngồi trong đó, lòng mơ ước một bữa cơm gia đình đầm ấm.
|
Sài Gòn xô bồ lúc ấy trong trí nhớ trong veo đẹp lạ. Nhớ con đường đến Trường Pétrus Ký (nay là Lê Hồng Phong) cũng là con đường đến Đại học Sư phạm, nơi ta tản bộ hằng ngày suốt 12 năm ròng rã, nhớ vuông cỏ xanh trong sân trường đại học nơi những ngày cuối tuần, đám sinh viên khoa Anh không kể lớp nào, tụ họp bày ra các thứ ăn uống, nhớ ông thầy Tây trẻ măng Guilloux ngồi nghe mình ngâm bài thơ Hành phương nam của Nguyễn Bính qua lời dịch sang tiếng Pháp của một anh sinh viên năm thứ tư. Cỏ có còn ngát xanh như chưa hề xảy ra bao nhiêu là dâu biển 40 năm qua. Nhớ những ngày lang thang năm cuối cùng thời trung học, từ ngôi trường trung học kéo nhau vào Đại học Khoa học chơi, ngồi lại ăn cơm cùng với những thằng bạn xa nhà lên Sài Gòn trọ học. Lúc ấy, người ta nấu cơm tháng cho học sinh sinh viên, rất rẻ.
Những ngày ấy sao mà thật đẹp trong ký ức. Kỷ niệm ngọt thơm như món “bò bía” ngọt hay ổ bánh mì nhét “cà rem” vào giữa mà bây giờ ít thấy! Sài Gòn với những con đường có hàng cây xanh ngát khu vực Ngô Thời Nhiệm, Tú Xương, Bà Huyện Thanh Quan nơi tôi và đám bạn hay đi lang thang một dạo, để vui chơi hay để ngắm những tà áo dài? Còn có những con đường cho ta ngồi sau ngày thống nhất như Lý Tự Trọng (Gia Long) nơi có cà phê “lá me”, gọi như thế vì có rất nhiều lá me bay trong những chiều lộng gió hay vài quán dọc Cường Để (nay là Tôn Đức Thắng). Những quán cà phê “cóc” vỉa hè đáng yêu sao!
|
Nhớ một lần đi công tác trong phường, nhóm bạn phát hiện một cái túi gói kín “nhúc nhích” trong đống rác. Tò mò mở ra, cả đám giật mình: một đứa bé đỏ hỏn nằm trong đấy bị kiến cắn sưng cả mình mẩy. Cả bọn nhìn nhau ái ngại. Không thể bỏ đi được. Nhưng đem về thì giải thích làm sao với gia đình? Ngày đó các cô nhi viện còn đang khó khăn, các chùa cũng đang chật vật. Cuối cùng cả nhóm để một đứa nhận nuôi, thằng Tâm, vì nó đang làm ở Ủy ban khóm và cũng đang ở trọ. Còn tiền nuôi thì cùng nhau góp lại. Tâm đặt tên nó theo họ của mình “Phan Hoài Niệm” để sau này nhớ lúc ẵm nó về.
Tâm bế chú bé như con mèo nhỏ về phòng trọ và đi làm thì gửi chị chủ coi giùm. Bạn bè đứa nào rảnh thì tới trông nom. Nhưng thằng bé quặt quẹo, phải đi bác sĩ liên miên, may có hỗ trợ của thằng Coón, một thằng bạn khá giả, nên cũng tạm trang trải được. Nhưng rồi số phận hẩm hiu, thằng bé chỉ sống được 9 tháng thì phải lìa đời vì không chịu nổi lượng kháng sinh liều cao mỗi ngày vì nó bị nhiễm trùng máu. Ngày nó mất cả bọn ngẩn ngơ, buồn bã, hồ như vừa đánh mất một thứ gì đáng giá!
Buổi chiều tàn dần trên mặt kênh. Chiều đang đi khuất, hoa nắng đã tan, bóng đêm dần buông xuống. Thành phố vẫn nhộn nhịp theo bước người bươn chải. Thành phố vẫn mở rộng vòng tay bao dung ra bốn phía chào các người con tứ xứ đổ về.
|
Bình luận (0)