Nỗi niềm của cựu danh thủ Đà Nẵng ở Mỹ với bóng đá sông Hàn

15/06/2023 06:30 GMT+7

Bùi Thông Tuân là một trung vệ cừ khôi khét tiếng của thế hệ vàng bóng đá xử Quảng, anh được nhiều người yêu bóng đá Đà Nẵng thập niên 80-90 biết đến.

Ký ức thời vàng son

Tôi có dịp gặp lại cựu danh thủ Đà Nẵng Bùi Thông Tuân ở San Diego, miền nam California, Mỹ vào những ngày cuối tháng 5 vừa qua trong buổi tiệc mà cựu trọng tài quốc gia Phan Thanh Bình tổ chức gặp gỡ bạn bè thân tại tư gia. Với những người thuộc thế hệ làm báo thể thao như tôi thì bóng đá những năm 70, 80 và nhất là 90 của thế kỷ trước cực kỳ thú vị và sôi động với nhiều câu chuyện cười ra nước mắt và những vui buồn lẫn lộn mang lại nhiều kiến thức phong phú. Trong đó Quảng Nam Đà Nẵng chính là một trong những đội bóng với dàn cầu thủ tài năng vô cùng xuất sắc đã hằn sâu vào tâm trí của những người yêu bóng đá. Với riêng tôi không chỉ Phan Thanh Hùng, Phan Công Thìn, Trương Văn Lợi hay Trần Minh Toàn  mà những người thầm lặng hơn như anh em Bùi Thông Tuân và Bùi Thông Tân vẫn là những câu chuyện hậu trường thú vị và hết sức khó quên.

Nỗi niềm của cựu danh thủ Đà Nẵng ở Mỹ với bóng đá sông Hàn - Ảnh 1.

Đội Quảng Nam Đà Nẵng thời hoàng kim

Tư liệu

Khi tôi nhắc lại câu chuyện "cười ra nước mắt" ở quán nước đối diện trường năng khiếu nghiệp vụ TP.HCM, 43 Điện Biện Phủ mà mỗi khi vào TP.HCM thi đấu, đội bóng Quảng Nam Đà Nẵng thường đóng quân và hầu như tối nào cũng "sinh hoạt" ca hát và kể chuyện đêm khuya, Bùi Thông Tuân bồi hồi nhớ lại: "Đúng là một ký ức khó phai. Chúng tôi khi đó là 1 tập thể vô cùng gắn kết được đào tạo gắn bó với nhau gần cả chục năm lại được chú Tư (HLV Vũ Văn Tư) đầy kinh nghiệm dẫn dắt nên trong cuộc sống, sinh hoạt ngoài đời cũng như chơi trên sân đều hết mình và vô tư. Không phải ngẫu nhiên mà có giai đoạn báo chí dẫn lời của chú Tư gọi chúng tôi là đội bóng muốn thắng ai là thắng. Dĩ nhiên cũng không hoàn toàn đúng vì đẳng cấp và bề dày như CLB Quân Đội vẫn là số 1 hay CLB Hải Quan cũng rất hay. Nhưng thực sự chúng tôi ra sân khi đó khao khát lắm, có một tinh thần hừng hực và lực của toàn đội không ngán ngại bất cứ đối thủ nào. Câu nói đó của thầy cũng là một động lực thôi thúc chúng tôi đã thi đấu thì phải luôn chứng minh đủ sức đánh bại mọi đối thủ".

Bùi Thông Tuân hồi tưởng lại khi CLB Quảng Nam Đà Nẵng 3 lần vào chung kết các năm 1987, 1990 và 1991 đều bị thua CLB Quân đội và Hải Quan: "Khi đó thực sự cả đội rất sốc, mình đá vòng ngoài thắng như chẻ tre vậy mà đến trước ngưỡng cửa thiên đường thi vấp. Bản thân tôi cũng có sai sót vì tâm lý thôi nên từng chuyền bóng nhẹ về cho thủ môn dẫn đến bàn thua. Đau nhất thua chung kết không phải 1 mà đến 3 lần khiến cho chúng tôi nhiều khi chỉ biết khóc thầm, nuốt nước mắt vào trong để trở về. Dù người hâm mộ xứ Quảng rất cảm thông, nhưng cứ thua mãi như vậy ai cũng đau chứ. Cũng may sau đó chúng tôi đã tìm lại niềm vui khi vô địch năm 1992 và Cúp quốc gia năm 1993".

Đó cũng là giai đoạn huy hoàng của bóng đá Quảng Nam Đà Nẵng khi Bùi Thông Tuân với chiếc áo số 5 cùng với Nguyễn Phương Trung là cặp trung vệ ăn ý là 2 lá chắn thép trước cầu môn Trương Văn Lợi. Anh còn thường xuyên hỗ trợ biên phải của Hoàng Kim Tuấn và bọc lót cho Nguyễn Hữu Cầu mỗi khi số 14 tham gia tấn công. Anh cũng thường xuyên dâng lên càn quét thu hồi bóng giúp người em Bùi Thông Tân số 16 càn quét trục giữa để Trần Minh Toàn rảnh chân tổ chức tấn công cùng Lê Văn Sinh, Phan Thanh Hùng và Phan Công Thìn. Anh Bùi Thông Tuân khẳng định: "Tôi không dám so sánh vì mỗi thời kỳ chất lượng cầu thủ mỗi khác nhau, nhưng tôi có thể tự hào rằng lứa của chúng tôi là đồng đều nhất, ổn định nhất và chơi lì lợm nhất của bóng đá thời bấy giờ".

Nổi loạn bất thành và làm lại từ tuyến trẻ

Nhắc đến bóng đá Quảng Nam Đà Nẵng không thể không nhắc đến 2 cú "nổi loạn" đều bất thành. Đầu tiên là vụ 11 cầu thủ đều rất xuất sắc, trong đó có rất đông cầu thủ của Đà Nẵng tự ý rời trung tâm huấn luyện Nhổn bỏ về vào năm 1991 trước SEA Games Philippines và sau đó là một vụ "nổi loạn" khác tại giải vô địch quốc gia 1995 đã đẩy bóng đá Đà Nẵng vào bế tắc. Bùi Thông Tuân kể lại câu chuyện đầu: "Thật ra sau cú rút lui đó, dù là vì lý do gì thì mọi người cũng đã nhìn ra cái sai khi từ bỏ màu cờ sắc áo thời điểm đó. Tôi cùng với 10 cầu thủ khác rời Nhổn lý do đầu tiên là điều kiện quá thiếu thốn. 

Chúng tôi là tuyển thủ quốc gia nhưng sân tập cỏ cao quá đầu gối, không ai chăm sóc, bếp ăn tập thể thì "ban bố" kiểu bao cấp trong khi lãnh đạo ngành TDTT chẳng ai ngó ngàng khiến việc ăn ở không tương xứng, sinh hoạt lại khá gò bó, tập cả ngày mệt ban đêm về lại quá buồn không có gì để giải trí. Nhưng lý do chính là anh Vũ Văn Tư. HLV trưởng của Quảng Nam Đà Nẵng khi triệu tập là HLV trưởng đội tuyển quốc gia nhưng ra Nhổn không hiểu vì lý do gì bị đẩy xuống làm phó khiến cho anh ấy bất mãn còn chúng tôi cũng không phục cách làm không rõ ràng của ngành TDTT và VFF thời đó, nên anh em rơi vào tâm trạng buồn bực dễ bị tác động mới dẫn đến suy nghĩ "nổi loạn" đó. Sau này khi về địa phương rồi chúng tôi mới thấy hối hận nhưng chuyện đã xảy ra nên tự mình làm khó mình".

Nỗi niềm của cựu danh thủ Đà Nẵng ở Mỹ với bóng đá sông Hàn - Ảnh 2.

Bùi Thông Tuân (5) bìa trái trong màu áo đội bóng Quảng Nam Đà Nẵng

Tư liệu

Còn về việc 4 đội rủ nhau "đình công" năm 1995 trong đó có Quảng Nam Đà Nẵng dẫn đến việc bị đánh rớt hạng ở giải vô địch quốc gia khiến công tác đào tạo tuyến kế thừa của bóng đá sông Hàn bị hụt hẩng. Phải mất 6-7 năm sau đó, Đà Nẵng mới bắt đầu khẳng định trở lại với lứa của Lê Quang Cường, Huỳnh Quốc Anh, Châu Lê Phước Vĩnh, Phan Thanh Phúc, Nguyễn Hữu Hùng khi lên ngôi vô địch U.21 ở An Giang năm 2003. Cựu danh thủ Bùi Thông Tuân nói: "Những anh em cựu cầu thủ mỗi người một tay cố gắng đào tạo lại từng tuyến trẻ. Công sức của các anh Phan Thanh Hùng, Phan Công Thìn, Hoàng Kim Tuấn, Trương Văn Lợi.. khi đó rất lớn. Thời đó áp lực tìm lại thời vinh quang của bóng đá sông Hàn thôi thúc chúng tôi bằng kinh nghiệm của mình quyết tâm gầy dựng trở lại. May mắn là các cấp lãnh đạo ủng hộ, tạo điều kiện nên từng bước đã cho ra lò các em đủ trình độ, khả năng chuyên môn, đáp ứng yêu cầu thi đấu đỉnh cao, thay cho lối đào tạo đốt giai đoạn trước đó. Quan trọng là giữ được bản sắc bóng đá Đà Nẵng, chứng minh rằng trong đội hình chơi bóng ở giải quốc gia phải có nhiều cầu thủ gốc địa phương để giữ được cái hồn trong lối chơi".

"Tôi cũng như nhiều người hâm mộ khác rất tự hào khi sau thành công ở giải U.21 năm 2003 bóng đá trẻ Đà Nẵng với lứa của Huỳnh Quốc Anh, Châu Lê Phước Vĩnh đến Võ Hoàng Quảng, Trần Văn Học, Phan Thanh Hưng rồi Phạm Nguyên Sa, Giang Trần Quách Tân sau đó vô địch U.21 tiếp năm 2008 ở Quy Nhơn và năm 2009 ở Bình Dương, hứa hẹn trở lại thời hoàng kim. Bản thân tôi khi đó kế thừa anh Phan Thanh Hùng dẫn dắt U.21 thi đấu vòng chung kết năm 2010 tại Pleiku cũng rất hừng hực khí thế. Tuy không bảo vệ được ngôi vô địch vì đội hình năm đó lứa trụ cột đôn lên đội lớn đá V-League nên không được như ý nhưng các em còn lại vẫn chơi rất hay và nỗ lực sau đó tiếp tục lên chơi đội 1. Từ đó giúp cho mọi người thấy rằng cứ mỗi giai đoạn bóng đá Đà Nẵng đá đỉnh cao đều có một số nhân tố chơi rất tốt, giữ được bản sắc của mình", cựu trung vệ Đà Nẵng cho biết.

Lo cho Đà Nẵng

Khi mà người hâm mộ bóng đá Đà Nẵng yên tâm rằng những "đứa con" của họ sẽ còn vươn tới những đỉnh cao mới để mang lại vinh quang cho quê nhà thì chính những biến động ở thượng tầng cùng với kinh phí bắt đầu thiếu trước hụt sau khiến cho sau một thời gian cống hiến, một vài ngôi sao vì cuộc sống đã "biến mất" khỏi bóng đá Đà Nẵng. 

Nỗi niềm của cựu danh thủ Đà Nẵng ở Mỹ với bóng đá sông Hàn - Ảnh 3.

Cựu danh thủ Bùi Thông Tuân (phải) cùng tác giả

T.K

Cựu danh thủ Bùi Thông Tuân lặng đi hồi lâu khi bộc bạch nỗi niềm: "Bóng đá chuyên nghiệp yếu tố quan trọng vẫn là tiền. Thiếu tiền sẽ không thể giữ chân cầu thủ giỏi nên HLV có hay cách mấy mà không có bột sao gột nên hồ. Bên cạnh đó sau giai đoạn cống hiến tốt của Gaston Merlo hay sau này là Đỗ Merlo, Đà Nẵng không tìm được cầu thủ ngoại nào chất lượng để nâng thêm sức mạnh cho đội hình nên càng ngày thành tích càng khựng lại. Năm nay dù Đà Nẵng đã kéo về các ngôi sao cũ nhưng sau thời gian bôn ba trở lại họ không còn giữ được lửa trong lối đá như trước, còn ngoại binh thì quá yếu làm sao mà xốc cả đội đi lên. 

Tôi theo dõi cứ sau mỗi vòng đấu thấy Đà Nẵng cứ hết hòa lại thua, thực sự là quá buồn. Giờ lại thay HLV mới không hiểu sẽ đi đâu về đâu. Thôi thì phải mong mọi chuyện sẽ tốt lên, nhưng cũng thật khó để nhìn thấy lại hình ảnh một đội Đà Nẵng lì lợm kiên cường. Thực sự muốn đội bóng thay đổi căn cơ, ổn định lâu dài cần có sự chung sức, quan tâm từ nhiều nguồn, nhiều cấp có trách nhiệm chứ chỉ dựa vào 1-2 bầu sữa thì trồi sụt là không tránh khỏi".

Nỗi niềm của cựu danh thủ Đà Nẵng ở Mỹ với bóng đá sông Hàn - Ảnh 4.

Đà Nẵng mùa này đang thi đấu sa sút, khiến những người cựu trào của bóng đá sông Hàn không thể không buồn

Đông Nghi

Ở Mỹ, Bùi Thông Tuân (sinh năm 1963) với tuổi gần 60 vẫn xỏ giày ra đá bóng vào mỗi cuối tuần cùng với các đội bóng San Diego hoặc lên đá giao hữu với các đội của Organe County hay các vùng khác từ Seatlle hay Dallas sang. Anh đã định cư được hơn 10 năm và cũng thường xuyên về thăm quê nhà. Nỗi niềm với bóng đá quê hương cho thấy anh và nhiều cựu danh thủ Đà Nẵng khác vẫn luôn đau đáu tấm lòng mong chờ sự đổi mới từ đội bóng sông Hàn, ít nhất là phải vượt qua sóng dữ mùa này để làm lại một cách mạnh mẽ. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.