Nhìn thấy những tác động tiêu cực của nhà kính sản xuất nông nghiệp (SXNN) (chủ yếu là rau, hoa) trên địa bàn, nhất là tại TP.Đà Lạt, tháng 10.2019, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Sở NN-PTNT chủ trì xây dựng dự thảo đề án “Quản lý và phát triển nhà kính SXNN ứng dụng công nghệ cao, thông minh thích ứng biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; định hướng đến năm 2030”.
Nhà kính trắng trời Đà Lạt |
gia bình |
Sau thời gian thực hiện, Sở NN-PTNT đã đã trình dự thảo đề án đến UBND tỉnh. Ngày 20.10, UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết sau khi làm việc với các Sở, ngành, địa phương liên quan, ông Phạm S - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo làm rõ mục tiêu cũng như một số nội dung liên quan.
Cụ thể, phải giảm dần diện tích nhà kính SXNN phát triển bền vững, chuyển dần sang phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp tuần hoàn. Xây dựng lộ trình cụ thể, làm rõ diện tích giảm diện tích nhà kính hằng năm theo hiện trạng, để đến năm 2030 các phường tại TP.Đà Lạt không còn nhà kính (Đà Lạt có 12 phường, 4 xã). Đồng thời, rà soát, xem xét quy định mật độ nhà kính đối với các dự án phải cấp phép xây dựng, đảm bảo hiệu quả sử dụng đất, lợi ích nhà đầu tư, phù hợp với môi trường cảnh quan.
Tỉnh Lâm Đồng yêu cầu 8 năm nữa, nội đô Đà Lạt sẽ không còn nhà kính |
gia bình |
Tỉnh Lâm Đồng có diện tích tự nhiên 978.334 ha, trong đó có khoảng 300.000ha đất SXNN; tổng diện tích gieo trồng đạt 381.688ha, tổng diện SXNN ứng dụng công nghệ cao đạt 60.200ha. Doanh thu bình quân toàn tỉnh đạt 178 triệu đồng/ha, trong đó: diện tích rau ứng dụng công nghệ cao đạt 400-500 triệu đồng/ha/năm; hoa 800 triệu - 1,2 tỉ đồng/ha/năm; chè chất lượng cao đạt 250 triệu đồng/ha/năm, đặc biệt có một số mô hình sản xuất hoa đạt doanh thu từ 8-10 tỉ đồng/ha. Thực tế, diện tích ứng dụng công nghệ cao đã cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với sản xuất thông thường (năng suất bình quân cao hơn 30% - 50%).
Thực tế sản xuất trong nhà kính mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn |
Đạt được kết quả như trên, nhà kính là một trong những giải pháp kỹ thuật được người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã ưu tiên đầu tư xây phục vụ SXNN. Do vậy, diện tích nhà kính có xu hướng tăng hàng năm. Nếu như đến cuối năm 2015 diện tích nhà kính toàn tỉnh đạt 3.147,5ha (trong đó riêng TP.Đà Lạt 2.636ha), diện tích nhà lưới là 510ha thì đến năm 2020 diện tích nhà kính toàn tỉnh đã lên 4.342,8ha (trong đó TP.Đà Lạt chiếm 58,8% với 2.554,3ha và hiện nay là 2.693ha), diện tích nhà lưới 2.458,6ha. Phần lớn diện tích nhà kính chủ yếu được sử dụng để sản xuất hoa với 2.463ha và sản xuất rau 1.771ha còn lại trồng cây khác 108,7ha.
Hiện chưa có quy định trong việc phát triển nhà kính SXNN |
gia bình |
Theo Sở NN-PTNT Lâm Đồng, hiện nay, nhà kính phát triển chưa có quy định, hướng dẫn để người dân, doanh nghiệp thực hiện; một số loài cây trồng không nhất thiết phải trồng trong nhà kính nhưng người dân vẫn trồng trong nhà kính. Bên cạnh đó, việc phát triển nhà kính chưa được kiểm soát chặt chẽ, chưa có quy định tỷ lệ được làm nhà kính trên tổng diện tích đất, nhất là khu vực nội đô TP.Đà Lạt và các khu vực hành lang bảo vệ hồ đập, sông, suối, kênh mương thủy lợi ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan đô thị.
Các khu vực SXNN trong nhà kính chưa được đầu tư hệ thống thoát nước, kênh mương thủy lợi, ao hồ thu nước đáp ứng yêu cầu tiêu thoát nước kịp thời trong mùa mưa; làm thời gian tập trung lũ nhanh, gây xói mòn đất, ngập úng cục bộ, nhất là tại những nơi vùng trũng, vùng lòng chảo đã xảy ra trong thời gian qua tại TP.Đà Lạt và vùng phụ cận.
Tỉnh Lâm Đồng cũng đã chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, tháo dỡ nếu nhà kính "mọc" trên đất lâm nghiệp |
gia bình |
Đặc biệt, tại TP.Đà Lạt, nhà kính được người dân làm ngay trong nội đô TP (tại phường 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12), riêng phường 12 có mật độ nhà kính dày đặc 83,7% diện tích canh tác, phường 5, 7, 8 thì trên 60%.Trong khi đó, tại các xã Tà Nung, Xuân Trường, Trạm Hành diện tích nhà kính chỉ chiếm từ 10 - 25%.
Hơn nữa, việc xây dựng nhà kính tỷ lệ cao trên một đơn vị diện tích đất canh tác, thiếu các mảng cây xanh, đường giao thông trong khu sản xuất ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường, phát triển du lịch, nhất là tại TP.Đà Lạt.
Bình luận (0)