Giá mua tăng, nhưng phập phồng với các biến số
Trước đó, trong báo cáo dự thảo nghị định về điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, Bộ Công thương đưa ra cách tính giá mới: giá mua bán điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia của năm hiện tại không vượt quá giá điện năng thị trường bình quân trong năm trước liền kề và do các bên mua bán điện thỏa thuận. Chiếu theo quy định này, với giá điện năng thị trường bình quân năm 2023 là 1.091,9 đồng/kWh thì mức giá cho điện mặt trời mái nhà tăng so với đề xuất tạm tính trước đó của Bộ Công thương là 671 đồng/kWh.
Trao đổi với Thanh Niên, một số nhà đầu tư điện mặt trời cho rằng đây là mức giá có thể chấp nhận được. Bởi theo ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty CP Vinasol, mức giá mua theo đề xuất cũ từ 600 - 700 đồng/kWh thì không phải là khuyến khích lắp điện mặt trời được. Dù vậy, mức giá mua điện thừa bao nhiêu vẫn là dấu hỏi lớn.
"EVN nói sẽ thanh toán phần sản lượng điện dư thừa phát lên lưới quốc gia với giá áp dụng nhỏ hơn hoặc bằng giá điện năng thị trường bình quân năm trước liền kề nhưng có thêm câu "do đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện công bố phù hợp từng thời kỳ phát triển…".Rõ ràng dự thảo chưa có nội dung giá mua cụ thể trong khoảng nào, nếu trừ thêm các yếu tố x, y, z khác thì có thể giá sẽ thấp xuống. Thế nên, nếu giá mua điện mặt trời vẫn quanh quẩn với mức giá mà ngành điện đề xuất ban đầu, hay nhích lên một chút là quá thấp so với mong đợi và khó đạt mục tiêu ban đầu đề ra là khuyến khích người dân lắp đặt điện mặt trời tự sản, tự tiêu", ông Việt phân tích.
Trong khi thực tế, chi phí đầu tư điện mặt trời áp mái lúc này thấp hơn nhiều so với thời kỳ nguồn điện này được hưởng giá FIT (9,35 cent/kWh và sau là 8,38 cent/kWh), song giá thành sản xuất cũng không thể thấp mấy trăm đồng được. "Chúng tôi đề xuất giá mua lại nguồn điện dư thừa của các nhà làm điện mặt trời để sử dụng nên thấp nhất từ mức 5 - 6 cent/kWh (khoảng 1.200 - 1.300 đồng/kWh). Chứ giá thấp thì tên gọi khuyến khích nhưng khó khuyến khích được", vị này nhấn mạnh.
Liên quan vấn đề trên, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà từng đề nghị Bộ Công thương xem xét, nghiên cứu theo hướng áp dụng cơ chế bù - trừ hoặc theo giá chào bán thấp nhất trên thị trường điện cạnh tranh tại thời điểm mua. Một số chuyên gia kinh tế đồng ý với gợi ý này.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, đề xuất nên ứng xử với nguồn điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, phát lên lưới điện quốc gia theo hướng bù - trừ. Bởi những nhà đầu tư điện mặt trời, đến tối sẽ không còn điện mặt trời để dùng, nên cần có nguồn còn điện để sử dụng, họ có thể dùng nguồn dư thừa ban ngày phát lên lưới theo cách nào đó. Chẳng hạn, ban ngày phát lên lưới 10 kWh, tương đương sử dụng giờ ban đêm là 3 hay 5 kWh chẳng hạn. Chứ cho mua vào ban ngày 700 đồng/kWh, ban đêm lại bán cho chính nhà sản xuất với giá trên 3.000 đồng/kWh thì chưa phù hợp lắm.
Nên điều chỉnh mở room sớm
Liên quan đến room cho điện mặt trời tự sản tự tiêu dư thừa phát lên lưới, trước đó Bộ Công thương đề xuất nếu nhà đầu tư không dùng hết, được bán lên lưới không quá 20% công suất lắp đặt thực tế tại khu vực miền Bắc và không quá 10% tại khu vực còn lại. Tuy nhiên, Phó thủ tướng Chính phủ góp ý Bộ Công thương nghiên cứu nới room. Theo đó, thống nhất tỷ lệ bán điện dư vào hệ thống điện quốc gia là 20% công suất lắp đặt thực tế. Riêng miền Bắc với dư địa phát triển điện mặt trời mái nhà còn lớn, Phó thủ tướng đề nghị nên có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển hiệu quả. Đặc biệt, yêu cầu Bộ rà soát nhu cầu phụ tải, khả năng truyền tải, an toàn hệ thống. Qua đó, có cơ sở để trình Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, kế hoạch thực hiện và mở room cho điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, nhất là ở miền Bắc.
Ủng hộ nới room đối với nguồn điện mặt trời mái nhà, chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm, nguyên Phó viện trưởng Viện Năng lượng, cho rằng những con số nêu trong một quy hoạch điện cũng mang tính tham khảo, định hướng. Đưa ra quy hoạch để có hướng phát triển thực hiện thế nào trong tương lai, song tình hình thực tế thấy cần điều chỉnh, hãy điều chỉnh ngay để bảo đảm đủ nguồn trong thời gian sớm nhất.
"Theo Quy hoạch điện 8, room của điện mặt trời tự sản, tự tiêu chỉ giới hạn 2.600 MW từ nay đến năm 2030. Bộ Công thương ban đầu xây dựng nghị định mới khăng khăng không cho bán ra lưới nữa vì đã vượt quy hoạch. Thế nên, trước nhu cầu và phụ tải thực tế, Chính phủ nhìn thấy cần điều chỉnh quy hoạch, không thể cứng nhắc với con số như thế được. Đề xuất của Phó thủ tướng có nghĩa room điện mặt trời mái nhà có thể được mở thêm thấp nhất là 20%. Lãnh đạo Điện lực miền Bắc cũng trả lời chắc chắn tăng công suất được bởi phụ tải thừa. Vậy không có lý do gì để không sớm cho điều chỉnh nới room cho điện mặt trời mái nhà được. Chính phủ gợi ý miền Bắc sẽ được mở room, nhưng nếu khu vực miền Nam, miền Trung, Tây nguyên mà phụ tải đáp ứng tốt, bảo đảm an ninh an toàn cho hệ thống, vẫn có thể nới room cho nguồn điện mặt trời mái nhà được", ông Lâm nhấn mạnh.
Trước đó, EVN cho biết toàn bộ khu vực miền Bắc có khoảng 700 MW điện mặt trời mái nhà, trong khi năng lực của hệ thống có thể tiếp nhận khoảng 7.000 MW, gấp 10 lần. Tính đến hết năm 2023, có gần 9.600 kWp điện mặt trời được lắp đặt theo cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại VN theo Quyết định số 11/2017 và Quyết định số 13/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù cơ chế mới điện mặt trời chưa có, nhưng từ năm 2021 đến nay vẫn có nhiều hệ thống điện mặt trời mái nhà được lắp đặt sử dụng theo tiêu chí "tự sản, tự tiêu". Theo thống kê sơ bộ, đến tháng 7.2023, có khoảng hơn 1.000 hệ thống điện này với tổng công suất nối lưới gần 400 MWp (chủ yếu là các công ty, khu công nghiệp) với mục đích tự dùng tại chỗ, có liên kết với lưới điện, nhưng không bán điện cho các đơn vị của EVN.
Thông tin nới room điện mặt trời bán lên lưới khiến thị trường chộn rộn. Thế nhưng, điều quan trọng nhất vẫn là nhanh chóng đưa các quy định triển khai trong thực tiễn bởi thiếu điện và tiềm năng điện mặt trời của chúng ta là rất lớn.
Giá đầu tư điện mặt trời mái nhà hiện dao động khoảng 8 - 13 triệu/kWp. Trung bình 1 hộ gia đình lắp 5 - 8 kWp có tổng chi phí từ 40 - 100 triệu đồng, mức đầu tư phổ biến là 60 triệu đồng cho 1 hệ thống của hộ gia đình. Ngoài ra, điện mặt trời có lưu trữ thì tính theo bộ, gồm hệ tấm pin mặt trời + bộ lưu trữ. Riêng bộ lưu trữ gồm các thiết bị (pin lưu trữ, inverter hybrid, tủ điện, phụ kiện…) có giá dao động 30 - 45 triệu đồng/5 kWh. Như vậy, để sử dụng được điện mặt trời có lưu trữ khoảng 5 kWp, hộ gia đình cần đầu tư khoảng 100 triệu đồng bao gồm tấm pin và bộ lưu trữ.
(Nguồn: Công ty CP năng lượng IREX)
Bình luận (0)