Nơi tuyến đầu phòng chống dịch bệnh Covid-19

27/02/2020 04:28 GMT+7

Kiểm dịch y tế quốc tế được xem là nơi “đầu sóng ngọn gió” chống dịch Covid-19 nói riêng và dịch bệnh nói chung từ bên ngoài xâm nhập vào TP.HCM và các tỉnh phía nam.

Chờ ăn tết năm sau

Sáng 23.1, tức 29 Tết Nguyên đán 2020, Sở Y tế TP.HCM đi kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Trong buổi làm việc với lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, bác sĩ (BS) Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế (YTQT), TP.HCM, cho biết: 100% nhân viên của trung tâm khi nghỉ tết vừa qua không được rời khỏi TP.HCM mà phải lo ứng chiến vì đánh giá tình hình dịch Covid-19 không yên ổn trên thế giới.

Tết rồi gia đình dự kiến đi nước ngoài, nhưng đánh giá tình hình trên thế giới dịch bệnh không ổn nên thôi. Khi nào hết dịch thì đi cũng không sao, mà đến nay dịch vẫn diễn biến khó lường

BS Trần Gia Hiệp, Trưởng khoa Kiểm dịch y tế, Trung tâm kiểm dịch YTQT TP.HCM

Trao đổi với PV Thanh Niên, BS Tâm cho biết, ngày tết nếu anh em ra khỏi TP thì sẽ không điều động được khi cần gấp triển khai chống dịch. Yêu cầu nhân viên kiểm dịch YTQT không rời TP là một quyết định khá khó khăn. “Yêu cầu thì anh em phải tuân thủ, nhưng phải xét trong bối cảnh đặc biệt nên anh em cũng đồng tâm cắm chốt, trừ trường hợp cha mẹ già neo đơn, bệnh tật”, BS Tâm nói.
Các BS cho biết, BS Tâm mới cưới vợ trước tết khoảng 10 ngày. Theo kế hoạch, BS Tâm sẽ về quê vợ ở Phú Yên, vé máy bay đã mua, tuy nhiên kế hoạch phải hủy vì dịch bệnh. Khi chúng tôi hỏi chừng nào về quê, BS Tâm chia sẻ: “Chừng nào xong dịch thì về, nhưng biết khi nào hết dịch. Bà xã và phía gia đình cũng nghề y, cũng từng chống dịch nên rất thông cảm cho nhau”.

BS Nguyễn Hồng Tâm (thứ hai, từ phải qua), Giám đốc Trung tâm kiểm dịch YTQT TP.HCM, trực tiếp chỉ đạo tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất

Ảnh: Độc Lập

BS Trần Gia Hiệp, Trưởng khoa Kiểm dịch y tế, Trung tâm kiểm dịch YTQT, TP.HCM, chia sẻ thêm: “Tết rồi gia đình dự kiến đi nước ngoài, nhưng đánh giá tình hình trên thế giới dịch bệnh không ổn nên thôi. Khi nào hết dịch thì đi cũng không sao mà đến nay dịch vẫn diễn biến khó lường”.
Trung tâm kiểm dịch YTQT TP.HCM một ngày có 3 ca trực tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, mỗi ca 8 giờ, mỗi ca trực hơn 10 người. Trong một ca trực, có 2 máy đo thân nhiệt đặt cố định để đo nhiệt độ hành khách ở khu vực nhập cảnh. Mỗi máy do 2 người đảm nhiệm “soi” hành khách nhập cảnh nhằm tránh để lọt người có biểu hiện bệnh ra cộng đồng. Ngoài ra, đến thời điểm hiện tại, ngoài kiểm dịch sân bay, cảng tàu, do yêu cầu mới, Trung tâm kiểm dịch YTQT được Sở Y tế giao kiểm soát (dịch bệnh) luôn sân bay quốc nội, ga xe lửa… nên nhân viên kiểm dịch còn tăng thêm khối lượng công việc.
BS Trần Gia Hiệp cho biết nếu như dịch H1N1/2019 lây lan nhanh, nhiều, cứ một ca trực có hàng chục người phải chuyển đi cách ly thì với dịch Covid-19, tuy phát hiện ít hơn nhưng đến hiện giờ thấy bệnh nguy hiểm hơn, tử vong cao hơn nên nhân viên y tế rất phải cẩn thận. Nhưng theo BS Hiệp, sợ nhất là thời điểm phòng chống dịch SARS năm 2003 vì tỷ lệ tử vong quá cao. “Cảnh giác phòng chống lây nhiễm là yêu cầu đặt ra với mọi người, vì không biết rằng người mình tiếp xúc không mắc bệnh này thì có mắc bệnh khác hay không”, BS Hiệp chia sẻ kinh nghiệm.
Một tháng đã trôi qua, dịch bệnh Covid-19 vẫn có xu hướng phức tạp, nhân viên kiểm dịch YTQT chờ... ăn tết năm sau.

Phải... chiều hành khách đủ thứ

Theo BS Tâm, nhiều hành khách nhập cảnh đã phản ứng khi họ được yêu cầu phải cách ly, nhưng nhân viên kiểm dịch phải làm sao để họ hiểu việc cách ly, kiểm tra là có cơ sở, cần thiết, đó là thân nhiệt có vấn đề (sốt). Đa số hành khách chấp hành, nhưng người khó khăn nhất là người VN chúng ta làm khó nhân viên y tế chứ không phải là người nước ngoài. “Mấy ngày trước, một người quê Hải Phòng từ vùng dịch Trung Quốc về sân bay Tân Sơn Nhất thì bị giữ lại kiểm dịch. Người này phản ứng nên phải nhờ đến công an cửa khẩu, an ninh sân bay đến thì mới chấp hành”, BS Tâm kể. Từ đó, trung tâm đề xuất là có lực lượng công an hỗ trợ tại chỗ nhằm phòng tránh những tình huống bất trắc.

Bác sĩ BV Chợ Rẫy (TP.HCM) chữa trị thành công cho 2 cha con bệnh nhân người Trung Quốc nhiễm Covid-19

Ảnh: Thanh Hương

Cũng theo BS Tâm, mặc dù yêu cầu của nhân viên kiểm dịch thì biết tiếng Anh là hàng đầu, có thêm ngoại ngữ thứ 2 là lợi thế. Nhưng đợt dịch Covid-19 này, hành khách bị giữ lại, cách ly chủ yếu là người Trung Quốc mà họ biết tiếng Anh rất ít nên rất khó khăn khi họ khai tờ khai y tế bằng tiếng Trung Quốc. Người Nhật cũng ít giao tiếp bằng tiếng Anh nên cũng khó khăn cho anh em kiểm dịch YTQT. Không chỉ khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa mà còn cả… ẩm thực. Có hành khách bị cách ly đòi ăn chay thì các nhân viên kiểm dịch y tế phải gọi thức ăn chay cho họ. Giả sử hành khách cách ly là người theo đạo Hồi thì trung tâm cũng phải đáp ứng yêu cầu ẩm thực của họ, không thể khác được!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.