Nơm nớp sống trong khu tập thể chờ... sập

16/03/2019 10:35 GMT+7

Nhiều hộ dân sinh sống trong 8 khu tập thể xuống cấp ở TP.Đà Nẵng thấp thỏm lo âu, vì những mảng tường mục ruỗng có thể đổ sập bất cứ lúc nào.

Xi măng, vôi vữa “vô tư” rơi

[VIDEO] Dân Đà Nẵng thấp thỏm trong khu tập thể chờ… sập: “Như sống ở địa ngục”
Cuối năm 2018, UBND TP.Đà Nẵng có công văn về kết quả kiểm định chất lượng 25 khu tập thể (KTT) cũ trên địa bàn. Trong đó, Trung tâm giám định chất lượng xây dựng Đà Nẵng kết luận 17 KTT nguy hiểm cấp C; 8 KTT cũ khác với 30 hộ dân cư trú nguy hiểm cấp D (hết niên hạn sử dụng, không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà ở, không đảm bảo an toàn và cần thiết sơ tán người dân khỏi công trình).
Ngoài ra, nhóm KTT “hết niên hạn sử dụng” gồm: 50 - 52 Lê Lai, 52 Trần Quốc Toản, 87 Lê Lai, 10 Trần Bình Trọng, 5 Nguyễn Thái Học, 80 Hùng Vương, K30 Bạch Đằng và K340 Phan Châu Trinh (đều thuộc Q.Hải Châu). Trong số này, có những KTT được xây dựng và đưa vào sử dụng cách đây khoảng 70 năm (KTT 50 - 52 Lê Lai, 76 Trần Phú...), số còn lại sử dụng khoảng 40 năm trở lên.
Khu tập thể 52 Trần Quốc Toản bong tróc từng mảng tường lớn
Khu tập thể 52 Trần Quốc Toản bong tróc từng mảng tường lớn
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, các KTT nguy hiểm cấp D hiện đang xuống cấp nghiêm trọng. Chẳng hạn, KTT 80 Hùng Vương mặc dù nằm ngay trung tâm TP nhưng rất nhếch nhác vì các khối bê tông đã mủn mục, cỏ dại mọc um tùm. Đứng ở ngoài quan sát, có thể thấy nhiều mảng tường lớn bị bục, trơ cốt thép gỉ sét. Bên trong, phần trần nhà bị thấm dột gần như hoàn toàn; nhiều vị trí kết cấu chịu lực đã bị đứt gãy.
Một người dân cho biết, gia đình ông chuyển về sinh sống tại KTT 80 Hùng Vương từ trước năm 1975. “Nhiều năm qua, cứ hễ mưa xuống là nước chảy tứ tung. Sống trong nhà cứ như ngồi trên lửa…”, người này nói.
Khảo sát các KTT như 5 Nguyễn Thái Học, 52 Trần Quốc Toản…, PV ghi nhận cảnh xuống cấp tương tự. Thậm chí, có KTT chỉ cần dùng tay có thể bóc ra từng mảng xi măng. Bà Nguyễn Thị Lan (trú tại KTT 52 Trần Quốc Toản) cho biết, có hộ dân vì quá sợ nên đã chuyển đi sống tạm chỗ khác, bỏ hoang căn hộ. “Nhiều lúc đang đi, bỗng nhiên... rớt xuống cả mảng xi măng. Sắt thép thì mục hết. Bạn bè có ghé thăm cũng đứng bên dưới KTT chứ cũng ngại lên vì quá sợ”, bà Lan nói.

Bố trí cho dân thuê chung cư mới

Hộ dân di dời vẫn phải trả phí thuê chung cư

Trả lời PV Thanh Niên, ông Lê Doãn Lâm cho biết các hộ dân đều muốn bố trí tái định cư, nhưng do vướng luật Đất đai nên TP đang xây dựng phương án giải tỏa trên quan điểm sẽ bố trí đất (được dự trữ trước) cho các hộ dân. UBND TP sẽ xin ý kiến HĐND TP, nếu thống nhất sẽ bố trí đất tái định cư. Về việc hỗ trợ kinh phí, theo ông Lâm, nếu chấp thuận di dời thì TP sẽ hỗ trợ phí di chuyển cho người dân. Tuy nhiên, người dân sẽ vẫn phải thuê chung cư và trả phí theo quy định ở nhà tập thể mới.
Nhận thấy sự xuống cấp của các KTT có thể gây nguy hiểm tính mạng người dân, UBND TP đã chỉ đạo Sở Xây dựng TP, Trung tâm quản lý và khai thác nhà Đà Nẵng phối hợp với đơn vị kiểm định khoanh vùng nguy hiểm, có biện pháp ngăn ngừa không để xảy ra sự cố, sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm nhằm đảm bảo an toàn cho người dân tại 8 KTT nguy hiểm cấp D.
Ông Lê Doãn Lâm, Phó giám đốc Trung tâm quản lý và khai thác nhà Đà Nẵng, cho biết đơn vị đã gửi thông báo đến các hộ dân đề nghị di chuyển khỏi 8 KTT xuống cấp; đồng thời đề nghị UBND Q.Hải Châu và các UBND phường nơi có nhà tập thể phối hợp.
“Hiện chúng tôi đang chờ UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt phương án di dời tổng thể”, ông Lâm nói.
Trả lời PV Thanh Niên, đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng cho biết để di dời các hộ dân tại 8 KTT cấp nguy hiểm nêu trên, ngày 4.3 UBND TP có công văn thống nhất chủ trương bố trí cho thuê (hoặc bố trí thuê tạm) tại chung cư 201 Đống Đa. Trung tâm quản lý và khai thác nhà Đà Nẵng thanh lý hợp đồng thuê nhà và thu hồi nhà trống tại 8 KTT nêu trên, đưa vào quản lý theo quy định. UBND Q.Hải Châu tiếp tục vận động các hộ ký hợp đồng thuê ở tại chung cư 201 Đống Đa; trường hợp không chấp hành thì cưỡng chế hành chính theo quy định.
“Trên cơ sở chủ trương của UBND TP, các cơ quan liên quan sẽ triển khai thực hiện di dời các hộ, đồng thời rất cần sự đồng thuận của các hộ về chấp hành chủ trương di dời”, đại diện Sở Xây dựng TP thông tin.
Sở Xây dựng Đà Nẵng cũng cho biết thời gian tới, các quận sẽ tiếp tục vận động, hỗ trợ giải quyết di dời người dân tại 17 KTT còn lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.