(TN Xuân) Chiếc nón lá luôn khiến người ta nghĩ về quê hương, xứ sở với hình ảnh những bà những mẹ tảo tần đội nón ra đồng, ra chợ. Có chiếc nón lại gợi nhớ đến thiếu nữ tha thướt áo dài, nón trắng trên những con đường trải nắng...
|
Riêng ở Bình Định, nón ngựa Phú Gia lại biểu tượng cho sự mạnh mẽ, uy nghiêm của con nhà võ, gắn với những đội quân Tây Sơn thần tốc.
Làng nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, H.Phù Cát) có tuổi đời hơn 300 năm. Gọi là nón ngựa bởi chiếc nón có được sự dẻo dai, bền bỉ thích hợp dùng đội khi cưỡi ngựa. Thời xưa, nón chỉ dành riêng cho giới phong lưu, quyền quý, nhất là những chiếc nón ngựa có bịt bạc, chạm trổ hình rồng phượng trên đỉnh nón. Hình ảnh các lý trưởng, chánh tổng ngồi trên lưng ngựa, đội nón ngựa bịt bạc trên các nẻo đường làng đã trở thành ký ức ở các làng quê Bình Định trước những năm 1945.
Thầy Chánh, nón chụp bạc, áo tam gian
Cưỡi ngựa qua làng con gái chạy te…
Nón ngựa hiện nay trở thành một sản phẩm thủ công mỹ nghệ độc đáo bởi sự cầu kỳ, tỉ mẩn và tài hoa trong từng đường nét. Để có được một chiếc nón thành phẩm, người thợ phải dụng công đến mấy ngày. Theo ông Đỗ Văn Lan (64 tuổi, ở Phú Gia) - người có hơn 55 năm theo nghề làm nón ngựa, để chiếc nón trường tồn cùng thời gian nằm ở chỗ các nguyên vật liệu làm nón, từ giang, rễ dứa rừng đến lá kè mỡ đều được lấy vào đúng mùa của nó là cuối đông đầu xuân. Ông Lan hiện vẫn còn giữ chiếc nón có hơn 50 năm tuổi của mẹ ông như một bảo vật.
Người làm nón ngựa ở Phú Gia thường lên tận nguồn An Tượng (An Nhơn, Tây Sơn) để chặt cây giang đem về chẻ ra từng miếng cật dày hoặc mua tại chợ nón Gò Găng. Cật giang được nạo sạch vỏ, phơi khô và chẻ ra thành cây tăm thật nhỏ và đều. Lá kè (hay còn gọi là lá cọ) làm nón không được quá già hoặc quá non, được đem phơi nắng, phơi sương để lá vừa khô vừa có được độ mềm dẻo cần thiết. Các nguyên liệu khác như rễ dứa rừng, cước, chỉ màu, vải the... cũng đều được tuyển chọn kỹ lưỡng trước khi bắt tay thực hiện 20 công đoạn làm nón ngựa, trong đó 4 công đoạn quan trọng nhất là tạo sườn mê, thắt nan sườn, thêu hoa văn trên sườn và lợp lá cho nón.
Nón được thêu hoa văn long lân quy phụng, lưỡng long tranh châu, mai, lan, cúc, trúc, bài thơ, câu đối hoặc những cảnh vật, hoa lá… Ngày xưa với những người có chức sắc khác nhau thì các mẫu họa tiết sẽ được thêu khác nhau. Trông vào đó mà ta có thể biết được phẩm hàm của từng quan lại trong địa phương. Từ xã trưởng trở lên mới có chụp bằng đồng hay bạc chạm trổ theo phẩm trật. Trên đỉnh là núm hình quả trám nhọn hoắt. Với những mẫu hoa văn như long, lân, quy, phụng thể hiện quyền uy trong thời đại phong kiến, đặc biệt giới phong lưu thường chuộng mẫu mai, lan, cúc, trúc, vì nó là biểu tượng của sự thanh tao, đài các, thể hiện được sự luân chuyển của thời tiết bốn mùa… Cũng chính nhờ có những mẫu họa tiết này mà khi đội trên đầu, nón ngựa Phú Gia vừa có nét cao sang quý phái, vừa được sự trang nhã, mềm mại trở thành nét đặc trưng không lẫn vào đâu được. Ở Phú Gia thời trước, ngày cưới nhà giàu rước dâu bằng kiệu, chàng rể đội nón đi ngựa; còn nhà nghèo cũng ráng sắm vài đôi nón ngựa cho cô dâu chú rể đội đi trong ngày trọng đại này.
Làng nón ngựa Phú Gia hiện nay có khoảng hơn 200 người làm nón. Theo những người thợ nón, chiếc nón ngựa ngày nay đã có nhiều cách tân, thay đổi để phù hợp hơn nhưng số lượng bán ra không nhiều. Người mua chủ yếu là khách du lịch để về làm kỷ niệm. Mặc dù vậy, những người ở làng nón Phú Gia vẫn quyết giữ nghề, như giữ lại nét văn hóa, tinh hoa của cha ông ngày trước. Nhiều lớp dạy làm nón ngựa được mở, chiếc nón theo những nghệ nhân có tiếng đi khắp trong Nam ngoài Bắc để quảng bá rộng rãi. Chiếc nón còn có hẳn một nhà trưng bày sản phẩm do UBND tỉnh Bình Định và huyện xây dựng. Làng Phú Gia trở thành một điểm nhấn du dịch ở các tour về Bình Định như trong câu ca:
Ai về Bình Định ba ngày
Dặn mua chiếc nón lá dày không mua
Chiếc nón và làng nghề đang dần hồi sinh trong niềm vui và tự hào của những người tha thiết với nghề nón ngựa.
Tâm Ngọc
Bình luận (0)