Non nước Cao Bằng được UNESCO công nhận Công viên địa chất toàn cầu

13/04/2018 06:48 GMT+7

Theo các chuyên gia, nếu cao nguyên đá Đồng Văn đẹp dữ dội, khô khát thì di sản UNESCO mới - công viên Non nước Cao Bằng lại xanh và mềm mại, dịu dàng.

Đa dạng giá trị
PGS-TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Địa chất khoáng sản (Bộ TN-MT) là người đã làm hồ sơ di sản để trình UNESCO cho cả hai công viên địa chất toàn cầu: cao nguyên đá Đồng Văn Hà Giang và công viên Non nước Cao Bằng. Vì thế, ông rất tâm đắc với sự khác nhau giữa hai di sản đó. “Cao nguyên đá Đồng Văn hoành tráng, dữ dội, nghẹt thở, khô khát, mạnh mẽ... Có thể dùng bất cứ tính từ gì thể hiện sự nam tính để nói về Đồng Văn. Trái lại, cũng là vùng đá vôi, Non nước Cao Bằng lại rất xanh, mềm mại, dịu dàng, rất thân thiện, hòa bình, như một người phụ nữ”.
Điều này ông Văn cũng đã thể hiện trong hồ sơ gửi UNESCO. Ở đó, việc phân tích sự khác nhau giữa hai công viên này vô cùng quan trọng. “Hai công viên địa chất phải khác nhau, cũng như không được gần nhau quá. Nếu gần nhau quá, hồ sơ cũng bị trừ điểm”, ông Văn cho biết.
Cũng là vùng đá vôi, Non nước Cao Bằng lại rất xanh, mềm mại, dịu dàng, rất thân thiện, hòa bình, như một người phụ nữ
PGS-TS Trần Tân Văn

Theo ông Văn, ở cao nguyên đá Đồng Văn có 17 dân tộc ít người, trong đó chủ yếu là đồng bào Mông, Dao, Lô Lô, Giáy; còn dân tộc Tày, Nùng không nhiều. Trái lại, Non nước Cao Bằng là nơi sinh sống của 9 dân tộc ít người, trong đó chủ yếu là đồng bào Tày, Nùng. Đồng Văn là nơi xưng vương của mấy đời vua Mèo, còn Non nước Cao Bằng lại là cố đô của một số vương triều phong kiến và tiền phong kiến, như của hai cha con Thục Chế - Thục Phán từ thời Âu Việt, hai cha con Nùng Tồn Phúc - Nùng Chí Cao, và nhà Mạc.
Non nước Cao Bằng còn có giá trị đa dạng sinh học nhờ độ che phủ rừng lớn, điều kiện tự nhiên thuận lợi hơn. Ở đây cũng có loài vượn Cao Vít ở Trùng Khánh nổi tiếng thế giới cùng các hệ sinh thái rừng rêu, rừng lùn...
Về đặc điểm địa chất và các giá trị di sản địa chất: địa hình đá vôi ở Non nước Cao Bằng điển hình cho những giai đoạn cuối của chu trình tiến hóa karst, với những tháp karst rời rạc, nổi cao trên nền các thung lũng karst phẳng, rộng, mở. Địa hình này có những hang động chủ yếu đi ngang, nhiều nhũ đá muôn hình vạn trạng. Thêm vào đó, nó còn có những hệ thống hồ - sông - hang ngầm khi đầy khi vơi (hệ thống Thang Hen). “Non nước Cao Bằng có thể gọi là xứ sở của hang động, hoặc hơn thế nữa, xứ sở của những hang động đẹp”, ông Văn nói.
Chuyên gia Pháp cùng lên kế hoạch bảo tồn
Một câu hỏi được đặt ra trong quá trình làm hồ sơ: Liệu có nên hợp nhất hai công viên này thành một hay không, như người ta đã tổ chức thành một liên minh Hạ Long - Cát Bà? Tuy nhiên, việc mở rộng này cũng dẫn đến việc phải làm một hồ sơ mới, do diện tích mở rộng của Đồng Văn khi đó sẽ quá 10%. Theo quy định, việc mở rộng diện tích quá 10% sẽ phải làm hồ sơ mới. Chính vì thế, các nhà quản lý quyết định làm hồ sơ riêng để dễ quản lý. “Thực ra, vùng đệm cũng vẫn sẽ được hưởng lợi từ hai di sản này”, ông Văn nói.
Cùng làm hồ sơ với các chuyên gia trong nước, còn có một chuyên gia Pháp. Ông Văn cho biết, vị chuyên gia rất chú ý đến các di sản kiến trúc thời Pháp trong khu vực công viên, cụ thể là ở khu mỏ thiếc Tĩnh Túc. “Khi làm hồ sơ các công viên địa chất, chúng tôi có sự giúp đỡ của chuyên gia Pháp, một người rất quan tâm các di tích người Pháp để lại. Vì thế, trong quá trình làm hồ sơ cũng như xây dựng sau này, những công trình đó sẽ được bảo tồn, khôi phục và phát huy giá trị”, ông Văn cho biết.
Hậu danh hiệu, vấn đề cần quan tâm nữa là việc sinh sống của các cộng đồng dân tộc trong công viên. “Ở Hà Giang, dù đã được danh hiệu khá lâu, nhiều người dân tộc thiểu số vẫn chưa quen và chưa hiểu cũng như hưởng lợi từ công viên. Cao Bằng có điểm lợi hơn là người dân Tày, Nùng đã quen với buôn bán, du lịch so với người dân tộc ở Hà Giang. Họ có thể hòa nhập tốt hơn. Còn người Mông, Lô Lô ở Hà Giang vẫn còn tương đối tách biệt”, ông Văn nhận định.
18 giờ hôm qua 12.4 (giờ VN), tại Paris (Pháp), UNESCO chính thức thông qua Nghị quyết công nhận Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là Công viên địa chất toàn cầu.
Công viên có diện tích hơn 3.000 km2, diện tích trên các huyện: Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Trùng Khánh, Hạ Lang, Phục Hòa, Hòa An, Nguyên Bình và Thạch An. Đây là nơi sinh sống của 9 dân tộc khác nhau, như Tày, Nùng, H’Mông, Kinh, Dao, Sán Chay... Có thể thấy ở đây lịch sử trên 500 triệu năm của trái đất qua các hóa thạch trầm tích biển, đá núi lửa, khoáng sản.
Công viên còn có di tích Pác Bó - nơi Bác Hồ trở về nước lãnh đạo cách mạng năm 1941, rừng Trần Hưng Đạo - nơi thành lập Đội VN tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân VN ngày nay.
Vũ Hân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.