Hàng loạt vụ buôn lậu xăng, dầu bị lực lượng Vùng Cảnh sát biển 4 triệt phá thời gian gần đây cho thấy nạn buôn lậu mặt hàng này đang diễn biến rất phức tạp và chưa thể hạ nhiệt khi giá xăng dầu tại VN vẫn cao hơn một số nước giáp ranh vùng biển Tây Nam.
|
Đêm tối, trên vùng biển phía bắc đảo Phú Quốc (Kiên Giang) giáp ranh giữa VN - Campuchia, những chiếc xuồng cà lơ (loại xuồng hẹp, dài của Campuchia) cứ vật vờ len giữa những chiếc tàu của ngư dân để chạy về hướng đảo Hòn Nừng, Tám Ngàn (Campuchia). Hơn 1 giờ sau, những chiếc xuồng cà lơ quay trở lại khi đã chất đầy các can dầu (loại 30 lít) từ mũi tới lái. Chúng lại lượn lờ ở khu vực giáp ranh để theo dõi tình hình, có lúc như thả trôi để quan sát. “Nếu có động, chúng sẽ quay đầu trở lại vùng biển Campuchia. Còn nếu thấy êm xuôi, chúng sẽ chạy về hướng Phú Quốc”, một ngư dân tại Gành Dầu (Phú Quốc) cho chúng tôi biết.
Có mặt trên tàu của một ngư dân ở Gành Dầu, PV Thanh Niên đã chứng kiến cảnh những chiếc xuồng cà lơ qua lại vùng biển giáp ranh VN - Campuchia chở đầy dầu lẩn vào một khu vực tối trên đảo Phú Quốc. Một nguồn tin cho biết nơi đến của những chiếc xuồng này là điểm tập kết dầu lậu ở Rạch Hàm (xã Bãi Thơm, Phú Quốc). Trong khi đó, tại khu vực Tám Ngàn hình thành một điểm tập kết dầu từ một nước thứ 3 để tuồn vào VN. “Dầu DO từ nguồn cung cấp này có giá rẻ hơn VN 1.500 - 2.000 đồng/lít. Mỗi chiếc xuồng cà lơ có thể chở 120 - 150 can loại 30 lít. Thời gian vận chuyển từ Campuchia đến điểm tập kết ở VN trung bình 3 giờ/chuyến. Những lúc biển êm, một chiếc xuồng cà lơ có thể đi hai, ba chuyến trong đêm”, nguồn tin này cho hay.
Không chỉ có vùng biển giáp ranh giữa VN - Campuchia mới xảy ra tình trạng buôn lậu dầu, mà vùng biển giáp ranh với Thái Lan, Malaysia... cũng trở thành những điểm nóng. Theo các cơ quan chức năng, cánh buôn lậu trên biển gần đây có nhiều cách cải trang để qua mặt cơ quan chức năng. Từ “hóa thân” thành tàu cá của ngư dân cho đến hoạt động buôn lậu trong vỏ bọc của doanh nghiệp; cài cắm mạng lưới cảnh giới trên biển với lớp vỏ ngư dân đánh bắt…
“Để đối phó với thủ đoạn ngày càng tinh vi của bọn buôn lậu, lực lượng Cảnh sát biển phải sử dụng nhiều cách khác nhau, như xây dựng mạng lưới thông tin từ những ngư dân, cảnh sát cải trang làm ngư dân đánh bắt dài ngày trên biển để nắm bắt hành tung của bọn buôn lậu…”, thiếu tá Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng Pháp luật Vùng Cảnh sát biển 4, cho biết.
Trong 6 tháng đầu năm, Vùng Cảnh sát biển 4 đã phá hàng loạt vụ buôn lậu, gian lận thương mại với giá trị lớn, mà nổi cộm nhất là mặt hàng dầu DO. Trong đó có một số vụ điển hình như bắt tàu HADUCO 01 vận chuyển trên 2,1 triệu lít dầu; tàu Nang Nual 27 và tàu NT 90139 - TS với trên 200.000 lít dầu; tàu Thiện Hòa 03 - BV 0585 với trên 470.000 lít dầu...
Hàng loạt vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép xăng dầu trên vùng biển Tây Nam bị lực lượng chức năng triệt phá gần đây thể hiện sự kiên quyết của cơ quan chống buôn lậu VN. Nhưng qua đó cũng thấy được quy mô, hành vi của các đường dây buôn lậu trên vùng biển Tây Nam ngày càng lớn. Lợi dụng vùng biển rộng, địa hình hiểm trở, tập trung đông tàu bè, lại giáp ranh với nhiều nước, vùng biển Tây Nam được cánh buôn lậu xem là địa bàn “lý tưởng” để hoạt động. Vì vậy, công tác chống buôn lậu xăng, dầu tại đây cũng đang nóng lên từng ngày.
Tiến Trình
>> Buôn lậu xăng dầu... chảy ngược
>> Truy tố 4 bị can trong vụ buôn lậu xăng dầu tại Vinapco
>> Truy tố đường dây buôn lậu xăng dầu cực lớn ở miền Trung
>> Khởi tố vợ chồng Sơn “sắt” về hành vi buôn lậu xăng dầu
>> Bắt 2 giám đốc buôn lậu xăng dầu
Bình luận (0)