'Nóng' chuyện mua sắm trang thiết bị, vật tư chống dịch Covid-19 tại TP.HCM

30/12/2022 17:18 GMT+7

“Làm sao trong tình hình dịch bệnh Covid-19 mà làm đúng hết các bước, chuyện rất khó. Hiện nay nhân viên ngành y tế TP đang rơi vào trạng thái mệt mỏi về thể chất, tinh thần. Cần có cơ chế chính sách để vực dậy tinh thần nhân viên y tế”, người đứng đầu ngành y tế TP.HCM nói.

Sáng 30.12, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM giám sát về việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.

"Rất lo, mua sắm rất đắn đo"

Trả lời về thông tin mua hàng hóa giá cao tại Sở Y tế và các bệnh viện, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, trong thời gian phòng chống dịch, Sở Y tế mua sắm theo phương pháp chỉ định thầu rút gọn. Theo hướng dẫn luật Đấu thầu thì việc chỉ định thầu rút gọn, căn cứ trên năng lực của nhà cung cấp. Tuy nhiên, với ngành y tế thì lúc nào cũng rất lo, mua sắm rất đắn đo, tâm tư vì trước đó có rất nhiều thông tin mua sắm ở các tỉnh thành khác.

“Mua thì căn cứ vào Thông tư 14 năm 2020 của Bộ Y tế, khi lập dự toán gói thầu thì phải tham khảo giá trúng thầu trong vòng 12 tháng đã được công bố. Khi trúng thầu phải là giá thấp nhất. Ngành y tế TP đã mua đúng quy định, và giá mua thời điểm đó là rẻ nhất. Điều này được khẳng định trong giải trình với Thanh tra Chính phủ”, bác sĩ Hoài Nam nói.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM

DUY TÍNH

“Chúng tôi khẳng định giá mua trang thiết bị, vật tư thời gian vừa qua tại các đơn vị và của Sở Y tế là giá rẻ ngay cả trước dịch, trong dịch và sau dịch”, bác sĩ Hoài Nam khẳng định.

Cũng theo bác sĩ Hoài Nam, hiện nay việc mua sắm trang thiết bị nói là làm theo đúng quy định, nhưng các giám đốc bệnh viện đều rất tâm tư, vì đã làm theo quy trình đúng hết, nhưng ra thanh tra thì nói có dấu hiệu vi phạm giá này, giá khác. Ví dụ 1 máy giá trúng thầu trước dịch Covid-19 hơn 4 tỉ đồng, trong dịch cũng máy đó nhưng mua có 2,8 tỉ đồng cũng kết luận là "có dấu hiệu".

“Chủ đầu tư không thể biết được giá nhập khẩu, cũng chưa có quy định yêu cầu cung cấp giá tờ khai hải quan. Nhưng khi kiểm tra thì so sánh giá giữa tờ khai hải quan và giá trúng thầu. Như vậy là rất khó cho chủ đầu tư”, bác sĩ Hoài Nam chia sẻ.

PGS-TS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế chia sẻ thêm, trước khi dịch đến, Giám đốc Sở Y tế đã nói với tất cả giám đốc các bệnh viện: Dịch bệnh thì cái gì cũng phải nhanh, đảm bảo đủ, cố gắng làm cho đúng vì xong dịch sẽ có thanh tra, kiểm tra. Khi thanh tra, kiểm tra thì dựa vào luật, thông tư, nghị định chứ không dựa vào nghị quyết. Nhưng quan trọng nhất là làm cho rõ ai cố tình lợi dụng thì phải xử nghiêm.

“Làm sao trong tình hình dịch bệnh Covid-19 mà làm đúng hết các bước, chuyện rất khó. Hiện nay nhân viên ngành y tế TP đang rơi vào trạng thái mệt mỏi về thể chất, tinh thần. Cần có cơ chế chính sách để vực dậy tinh thần nhân viên y tế”, người đứng đầu ngành y tế TP.HCM nói.

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM kiến nghị các cơ quan thanh tra, kiểm toán nhà nước khi thanh, kiểm tra công tác mua sắm, nhất là mua sắm phục vụ phòng, chống dịch Covid-19, cần xem xét bối cảnh thực tế trong giai đoạn dịch bệnh và tinh thần của Nghị quyết 30 năm 2021 Quốc hội khóa XV.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Tri Thức (Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy) cũng cho rằng, trong thời điểm cấp bách chống dịch thì việc mua sắm không bao giờ đảm bảo 100% hồ sơ, sổ sách, nên việc kiểm tra, kiểm toán sau này các đơn vị cũng gặp nhiều khó khăn. Ông kiến nghị cần có nghị quyết riêng để tháo gỡ vấn đề cấp bách của ngành y tế trong mua sắm.

Một đại biểu cũng đặt vấn đề: Báo chí nêu giá trúng thầu cao gấp nhiều lần so với giá vốn nhập khẩu nghe hoang mang. So sánh như thế để tính ra giá trị thiệt hại có gì đó không thỏa đáng, cần có nhìn nhận, đánh giá.

Theo vị đại diện Công an TP, đứng trước sự sống và cái chết, ngành y tế phải chịu trách nhiệm của lực lượng ngành y tế. Chính vì vậy, khi họp bàn, giám sát, kiểm tra thì phải đứng trong hoàn cảnh đó để thấy bức tranh. Bây giờ nhìn lại đúng, sai thì ai nhìn cũng được...

Đại diện Bộ Tư lệnh TP cũng nêu quan điểm rằng, thời điểm đó có hàng hóa để mua chống dịch là rất mừng, dù phải đi xa.

Làm sao để động viên tinh thần nhân viên y tế

Theo đại biểu Quốc hội PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, dịch Covid-19 như một phép thử để thấy rằng hệ thống y tế còn rất nhiều điểm yếu và đã phải trả giá bằng sinh mạng người dân. Việc cần làm bây giờ là hồi phục hệ thống y tế.

PGS-TS Phong Lan cho rằng phải xem cái gốc của vấn đề, những căn cứ, cơ sở pháp lý mua sắm như thế nào để không xảy ra sai phạm. Dịch bệnh chẳng tha chúng ta. Sau này có thể có những dịch bệnh có thể có khó khăn, phức tạp hơn.

Bà Văn Thị Bạch Tuyết phát biểu tại buổi giám sát

DUY TÍNH

PGS-TS Phong Lan cũng cho rằng, thanh kiểm tra, quan trọng nhất là làm sao cho tốt hơn. Còn nếu phát hiện sai phạm thì xử lý nghiêm khắc. “Anh em rất mất tinh thần, làm sao để nâng được tinh thần nhân viên y tế để họ còn sẵn sàng hy sinh trong thời gian tới”, PGS-TS Phong Lan nói.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, Nghị quyết 30 là nghị quyết kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa XV, được ban hành vào ngày 28.7.2021. Trong nghị quyết đã mở ra một số nội dung rất quan trọng để giúp Chính phủ triển khai trong điều kiện cấp bách.

"Đợt dịch vừa qua TP.HCM mất mát rất nhiều mà lớn nhất là về con người. Và công tác phòng chống dịch thời gian tới vẫn chưa ngừng nghỉ. Do đó, làm sao động viên lực lượng nhân viên y tế, đây là lực lượng đã không quản ngại khó khăn nhảy vào trận chiến. Nếu không may xảy ra dịch bùng phát trở lại thì tinh thần chiến sĩ tuyến đầu sẽ như thế nào?", đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

Tại buổi giám sát, bà Văn Thị Bạch Tuyết, Trưởng đoàn giám sát cũng cho rằng, trong điều kiện cần thiết thực hiện ra một số quyết định cần thiết cho chống dịch Covid-19 thì cần nghiên cứu kỹ hơn để đánh giá khách quan.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.