Nhiều DN để xảy ra phá rừng nhưng không bồi thường giá trị tài nguyên rừng - Ảnh: G.B |
Nhũng nhiễu trong cấp GCNQSDĐ
Trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND về việc có hay không chuyện nhũng nhiễu của cán bộ khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho dân, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Giám đốc Sở TN-MT Lâm Đồng khẳng định vấn đề này là có. “Lâm Đồng là địa phương thực hiện việc cấp GCNQSDĐ đạt kết quả rất tốt, cao nhất trong các tỉnh Tây nguyên. Tuy nhiên, việc nhũng nhiễu khi cấp GCNQSDĐ cho dân vẫn có và xảy ra ở 2 trường hợp: việc cấp giấy này có nhiều vấn đề mới quá, cán bộ còn chưa hiểu hết nên giải thích cho nhân dân còn lơ mơ; với những trường hợp cấp mới, lĩnh vực này đòi hỏi giấy tờ có liên quan đi theo nhiều, nên họ (cán bộ) lợi dụng gây khó dễ cho bà con. Chúng tôi sẽ tiến hành thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm…”, ông Phúc nói.
Ông Nguyễn Xuân Tiến, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: “Việc cấp GCNQSDĐ mà có nhũng nhiễu, cấp chậm là điều đáng lo. Tại sao dân bị nhũng nhiễu mà không dám phản ánh? Đó là trách nhiệm của chúng ta, nên cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đến các địa phương, cơ sở để xử lý…”.
Nhức nhối nạn phá rừng
Mỗi năm, trên địa bàn Lâm Đồng xảy ra hàng ngàn vụ vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng, nhưng đáng nói nhất là tình trạng ken cây, khoan lỗ đổ thuốc độc khiến hàng trăm cây thông chết đứng giữa trời vẫn diễn ra trong nhiều năm nhưng chưa xử lý triệt để. Ông Lê Văn Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT Lâm Đồng, cho biết: “Riêng trên địa bàn TP.Đà Lạt và huyện Lạc Dương, từ đầu năm đến nay có 33 vụ ken cây, đổ thuốc độc, cơ quan chức năng phát hiện 25 vụ nhưng không xử lý hình sự vụ nào. Hành vi này khó bắt được quả tang, do đối tượng thực hiện lén lút vào ban đêm và xảy ra rải rác, hơn nữa khi phát hiện lập biên bản, đối tượng khai nhận số lượng rất ít nên chỉ ở mức xử phạt hành chính”.
Giải trình việc các doanh nghiệp (DN) đầu tư để xảy ra phá rừng phải bồi thường giá trị thiệt hại tài nguyên rừng nhưng chưa thực hiện được bao nhiêu, ông Lê Văn Minh cho hay: “Đến nay trên địa bàn có 66 DN để rừng bị phá phải bồi thường với số tiền đề nghị UBND tỉnh phê duyệt hơn 139,7 tỉ đồng. UBND tỉnh đã phê duyệt giá trị bồi thường của 62 DN với trên 37,7 tỉ đồng, nhưng đến nay mới chỉ có 13 DN nộp tiền hơn 3,3 tỉ đồng”. Việc chây ỳ này, theo ông Minh là do số tiền phải bồi thường được phê duyệt hiện nay chỉ có thể ban hành dưới dạng văn bản thông thường, không phải quyết định xử phạt hành chính, nên không cưỡng chế được đối với những DN không chấp hành. “Bên cạnh đó, một số dự án đã bị thu hồi nhưng vẫn phải đề nghị nộp phạt nên các DN cố tình không thực hiện. Ngoài ra một số DN thay đổi địa chỉ, số điện thoại nên không liên lạc được. Hiện nay biện pháp duy nhất đang áp dụng là tăng cường ban hành các văn bản đôn đốc, nhắc nhở các DN chấp hành…”, ông Minh trình bày.
Gia Bình
>> Tàn phá rừng phòng hộ
>> Phá rừng phòng hộ đầu nguồn lấy hạt dổi
>> Giữ rừng và phá rừng
>> Loại ngay cán bộ thuế tiêu cực, nhũng nhiễu
>> Chấn chỉnh tình trạng Thanh tra xây dựng nhũng nhiễu
>> Tạm giữ cán bộ thuế nhũng nhiễu doanh nghiệp
Bình luận (0)