Trong phiên họp HĐND TP.Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM hôm qua, vấn đề bức xúc hàng đầu đều liên quan đến quản lý nhà đất, ngân sách ở địa phương.
|
Hà Nội đề nghị bán bớt biệt thự cổ
HĐND TP.Hà Nội hôm qua thảo luận và quyết định điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 18/2008 về đề án Quản lý quỹ nhà biệt thự trên địa bàn TP.Hà Nội. Tại tờ trình, UBND TP đề nghị được phép bán lại một số biệt thự. Tuy nhiên, nhiều ĐB đã bày tỏ không đồng tình với tình trạng bất cập trong quản lý biệt thự cổ của UBND TP cũng như nội dung tờ trình. “Trong quản lý biệt thự, đã có sự buông lỏng, vì nếu không có bao che, dung túng của cơ quan quản lý thì không có nhiều biệt thự xuống cấp như hiện nay”, ĐB Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP, nhận định và đề nghị thanh tra toàn diện, “bởi nếu không làm nghiêm, xử lý trách nhiệm cụ thể sẽ không quản lý, duy trì được các biệt thự”.
Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Trần Trọng Dực cũng cho rằng việc UBND loại 312 biệt thự ra khỏi NQ 18 là trái thẩm quyền và nghị quyết của HĐND. Ông Dực dẫn chứng, biệt thự 52 Ngũ Xã, 333 Hoàng Hoa Thám, 38 Hoàng Hoa Thám đều còn nguyên hiện trạng nhưng báo cáo của UBND lại đánh giá là “biến dạng hoàn toàn”. “Bảo vệ biệt thự là bảo vệ giá trị văn hóa lịch sử của Hà Nội, cả nước, tài sản đất đai của quốc gia. Nếu làm tùy tiện tài sản nhà nước sẽ rơi vào túi tư nhân”, ông Dực nói.
Phó chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh thừa nhận việc quản lý không tốt đã dẫn đến những biệt thự bị phá không phép, vì vậy sắp tới UBND sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra, thanh tra lại. Phó chủ tịch HĐND TP Nguyễn Văn Hoạt đề nghị UBND TP cần rút kinh nghiệm trong chỉ đạo quản lý biệt thự theo Nghị quyết 18. HĐND cũng nhất trí không cho bán biệt thự đan xen vì không phù hợp với NĐ 34.
Buổi chiều, HĐND TP thông qua kiến nghị điều chỉnh, bổ sung 1.348 giá dịch vụ kỹ thuật y tế đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước thuộc TP. Bệnh viện (BV) hạng 1 tăng từ mức 80% lên 100%; hạng 2 từ 75% lên 95%; hạng 3, phòng khám đa khoa khu vực, nhà hộ sinh từ 70% lên 90%; trạm y tế từ 65% lên 85%... Ngoài ra, sẽ điều chỉnh tăng mức thu phí sử dụng hè, lề đường trông giữ xe ô tô tại các quận nội thành từ 1,8 lần đến 2,4 lần; các khu vực còn lại tăng từ 1,5 lần đến 1,6 lần… Hai loại phí được thống nhất bãi bỏ là lệ phí cấp CMND và phí qua cầu.
Lấy tiền công xây bệnh viện... tư
Tại HĐND TP.Đà Nẵng, mô hình hoạt động của BV Ung thư Đà Nẵng (BVUT Đà Nẵng) cũng như nguồn vốn đầu tư xây dựng BV này thu hút nhiều ý kiến trong thảo luận tại hội trường. Theo tờ trình “Xin chủ trương về cơ chế hỗ trợ, đặt hàng cho BVUT Đà Nẵng” do ông Nguyễn Thanh Sang, Giám đốc Sở Tài chính TP.Đà Nẵng, trình bày thì mỗi năm UBND TP bỏ ra 15,6 tỉ đồng để đặt hàng cho BVUT Đà Nẵng điều trị khoảng 300 bệnh nhân ở Đà Nẵng, Quảng Nam (nguồn kinh phí lấy từ nguồn sự nghiệp y tế hằng năm, thí điểm trong hai năm 2014 - 2015). Ngoài ra, sẽ sử dụng tiền từ nguồn thu xổ số kiến thiết để đầu tư mua sắm trang thiết bị cho BVUT Đà Nẵng. Theo ông Sang, BVUT Đà Nẵng thuộc Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP.Đà Nẵng. Theo quyết định thành lập, BVUT Đà Nẵng thực chất là Công ty TNHH MTV BVUT Đà Nẵng.
UBND TP.Đà Nẵng khẳng định: “Cơ chế hoạt động của Công ty TNHH MTV BVUT Đà Nẵng theo luật Doanh nghiệp, không phải là BV công lập”.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Hồng, Phó trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng, cho rằng việc đầu tư xây dựng BVUT Đà Nẵng là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, bà Kim Hồng cũng nói rõ: “Đây là BV tư nhân, không phải BV công lập và hoạt động theo luật Doanh nghiệp... Về lâu dài, nếu BV này được xây dựng vì mục tiêu chăm sóc sức khỏe của người dân thành phố thì đề nghị chuyển đổi mô hình sang BV công lập để dễ đầu tư, quản lý”. Đại biểu Nguyễn Đăng Hải, Phó chủ tịch UB MTTQ VN TP.Đà Nẵng, cũng cho rằng cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động của BVUT Đà Nẵng cần phải được minh định cho rõ ràng. “Theo tờ trình của UBND TP.Đà Nẵng thì toàn bộ số tiền thanh toán cho BVUT Đà Nẵng 1.104 tỉ đồng đều từ ngân sách”, ông Hải lưu ý và nói thêm: “Qua làm việc với Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP thì ngành y tế cũng đề nghị chuyển mô hình quản lý của BVUT Đà Nẵng thành BV công”.
Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Võ Duy Khương thừa nhận: “Đến bây giờ cơ chế hoạt động của nó không rõ ràng, mà nói rằng đây là công ty TNHH MTV thì càng không đúng. Bởi vì vốn là vốn ngân sách, vốn viện trợ, vốn hỗ trợ của doanh nghiệp... Mà xét cho cùng theo luật Ngân sách thì nguồn vốn này đều là vốn ngân sách”. Ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng, hỏi: “Vậy Kiểm toán Nhà nước họ nói sao?”. Ông Khương trả lời: “Anh Vạn (Nguyễn Hữu Vạn, Tổng kiểm toán Nhà nước - PV) nói phải định danh nó hoạt động theo mô hình nào, BV công hay tư? Nếu BV công thì rõ rồi. Còn BV tư mà hỗ trợ như BV công là sai. Hỗ trợ xây dựng cơ bản là được rồi, nhưng nếu hỗ trợ chi thường xuyên là sai”.
“Điều chỉnh mấy mét thôi mà mất 9 tháng” Tại HĐND TP.HCM, trong nội dung giám sát thực hiện chương trình cải cách hành chính của TP giai đoạn 2011 - 2015, ông Phạm Văn Bá, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP, nhận định dù TP có nhiều nỗ lực cải cách hành chính nhưng việc giải quyết hồ sơ hành chính của người dân về nhà đất ở các quận, huyện còn chậm trễ, gây nên nhiều bức xúc. Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm bức xúc: “Tôi đi tiếp xúc cử tri, có trường hợp phản ánh khi làm nhà mà phát sinh cần điều chỉnh mấy mét thôi mà mất 9 tháng”. Đại biểu Lê Trương Hải Hiếu đề nghị cần phải sớm tăng cường liên thông dữ liệu giữa các cơ quan chức năng nhằm rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ. Để chấn chỉnh kịp thời cán bộ, công chức có thái độ vô cảm, hành vi nhũng nhiễu, phiền hà người dân, nhiều đại biểu đề nghị cần tăng cường thanh tra công vụ để xử lý nghiêm khắc. Đình Phú |
Mai Hà - Hữu Trà
>> Khánh thành Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng
>> Bệnh viện ung thư miễn phí cho người nghèo
>> Sống khổ trong biệt thự cổ
>> Làng biệt thự cổ
>> Triển lãm ảnh tại biệt thự cổ
Bình luận (0)