Chiều nay 13.7, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp báo để thông tin tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, và câu chuyện truy thu khoản nợ 430 tỉ đồng của Công ty TNHH vàng Phước Sơn và Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu đã rất “nóng” sau những tranh luận liên quan đến việc xử lý chứng thư bảo lãnh, trách nhiệm của cơ quan thuế và các cơ quan chức năng...
|
Ông Ngô Bốn, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cho biết trong vòng gần 1 tuần qua cơ quan thuế chịu “nhiều áp lực quá” khi tham gia các phiên họp do UBND tỉnh tổ chức để bàn về hướng xử lý nợ thuế, về chứng thư bảo lãnh do Ngân hàng TMCP Việt Á đưa ra cho khoản nợ 334 tỉ đồng của Công ty TNHH vàng Phước Sơn…
Ông Ngô Bốn đánh giá đơn vị bảo lãnh là một tập đoàn tài chính có kinh nghiệm và năng lực khai thác mỏ, nên tỏ ý tin tưởng về hướng truy thu nợ thuế “khủng” của Công ty vàng Phước Sơn. Tuy nhiên, do nội dung chứng thư bảo lãnh không đúng nên các bên đã thống nhất soạn lại chứng thư mới.
Trong trường hợp chứng thư bảo lãnh thỏa mãn các điều kiện, thì việc giám sát trả nợ (hơn 27 tỉ đồng/tháng) cũng rất chặt chẽ. “Tháng nào không nộp đúng, chúng tôi lại ra quyết định cưỡng chế thuế”, ông Ngô Bốn nói.
|
Một số ý kiến tại cuộc họp báo đề cập lại nguyên nhân vì sao để nợ thuế kéo dài và trở nên khó đòi, trong đó đặt vấn đề về trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn, trong đó có ngành thuế.
Lý giải vấn đề này, ông Ngô Bốn cho rằng cơ quan thuế địa phương đã làm đúng pháp luật trong quản lý thuế. Chính quyền địa phương cũng báo cáo đầy đủ và nhận được nhiều chỉ đạo cụ thể của Chính phủ.
Theo ông Bốn, 2 “đại gia vàng” lâm vào tình trạng nợ thuế lớn và nợ các nhà cung cấp là do nhiều yếu tố, bao gồm giá vàng biến động, bị thiệt hại do thiên tai hồi năm 2013, các chính sách thuế và tài nguyên tăng so với ngày đầu được cấp phép. Tuy nhiên, ông Bốn cũng đề cập yếu tố liên kết chuyển giá như dư luận từng nghi ngờ, và cả khâu quản lý lỏng lẻo của địa phương giai đoạn trước đó.
|
Siết tình trạng khai lỗ để nộp thuế ít
Trước mắt, UBND tỉnh Quảng Nam đang chỉ đạo các ngành chức năng xử lý cẩn trọng vụ truy thu thuế, vì liên quan đến yêu tố nước ngoài. Tiến độ có chậm so với chỉ đạo ban đầu của Chủ tịch UBND tỉnh nhưng cần thiết vì phải xem xét chứng thư bảo lãnh của Công ty vàng Phước Sơn và đề nghị gia hạn khai thác của Công ty vàng Bồng Miêu có đảm bảo các quy định về nghĩa vụ tài chính, môi trường, dân sinh… hay không.
Một vấn đề khác cũng “nóng” không kém, theo ông Nguyễn Hồng Quang - Chánh văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam (người chủ trì họp báo) là tình trạng các doanh nghiệp khai khoáng kê khai sản lượng thấp để né thuế thu nhập doanh nghiệp.
|
Tại Quảng Nam, hiện có 126 giấy phép được cấp cho lĩnh vực khai thác vàng, vật liệu xây dựng thông thường. Qua kiểm tra, địa phương phát hiện có tình trạng doanh nghiệp kê khai sản lượng thấp hơn nhiều so với thực tế, liên tục khai báo lỗ nhưng sau đó vẫn tiếp tục hoạt động.
“Tỉnh đã tổ chức các đoàn thanh tra để siết tình trạng này. Nhất là đang gấp rút nghiên cứu hình thức đấu giá khai thác mỏ, khoán thuế ngay từ đầu”, ông Quang nói.
Bình luận thêm về thực tế này, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Nam, ông Ngô Bốn cho biết đây là sơ hở trong quản lý khai thác khoáng sản: “Các doanh nghiệp nợ lắt nhắt rất nhiều, nhất là nợ đọng trong giai đoạn cuối của dự án khai thác”.
Bình luận (0)