Sử dụng 5G trên di động
Cuối tuần trước, những khách hàng đầu tiên của VNPT - Vinaphone đã được chính thức trải nghiệm 5G thương mại trên thiết bị di động. Việc chính thức phát sóng thử nghiệm thương mại Vinaphone 5G tại Hà Nội và TP.HCM, đưa Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) trở thành nhà mạng đầu tiên của Việt Nam phát sóng 5G đồng thời tại 2 TP lớn nhất cả nước.
Tại sự kiện trải nghiệm, các khách hàng sử dụng thiết bị 5G do Vinaphone cung cấp đã đạt tốc độ tải về trung bình trong khoảng 300 - 500 Mbps và tối đa có thể lên tới 1 Gbps. Vinaphone cũng ra mắt router 5G được nhà mạng này hợp tác cùng Nokia, có nhiệm vụ thu sóng 5G và phát sóng wifi. Dự kiến, ứng dụng này của mạng 5G cho phép nhà mạng internet không phải kéo cáp quang đến từng hộ gia đình, tuy nhiên, điều này chỉ khả thi khi mạng 5G được phủ sóng rộng khắp.
Mạng 5G là công nghệ di động thế hệ thứ 5, có tốc độ nhanh gấp khoảng 10 lần so với 4G, cho phép người dùng xem video chất lượng cao 4K/8K, tương tác thực tế ảo (VR) cũng như việc ứng dụng các công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), IoT (internet kết nối vạn vật) để phát triển các dịch vụ, như xe tự lái, phẫu thuật từ xa...
|
Đến ngày 30.11, Viettel chính thức khai trương kinh doanh thử nghiệm 5G, trở thành nhà mạng cung cấp sớm nhất 5G cho khách hàng sau thời gian phát sóng thử nghiệm về kỹ thuật. Tốc độ đo kiểm hiện tại mạng 5G của Viettel lên tới 1,2 - 1,5 Gbps, tương ứng với việc khách hàng có thể tải 1 bộ phim HD 90 phút chỉ trong 30 giây (gấp hàng chục lần so với 4G)...
Theo ông Đào Xuân Vũ, Tổng giám đốc Tổng công ty mạng lưới Viettel, các khách hàng sử dụng điện thoại hỗ trợ 5G tại khu vực trung tâm Q.Hoàn Kiếm, Q.Ba Đình, Q.Hai Bà Trưng (Hà Nội) có thể trải nghiệm dịch vụ 5G mà không cần nâng cấp sim. Sau Hà Nội, Viettel sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới để sớm kinh doanh thử nghiệm 5G tại Đà Nẵng và TP.HCM.
|
Phép thử thị trường
Không chậm trễ, MobiFone cũng đang gấp rút lắp đặt thiết bị, chuẩn bị mọi mặt về kỹ thuật, nhân sự, địa điểm cho việc thử nghiệm cung cấp dịch vụ 5G thương mại. Từ ngày 27 - 30.11, MobiFone đã bắt đầu thử nghiệm tốc độ dịch vụ 5G tại TP.HCM. Tại điểm thử nghiệm trung tâm Q.1 (TP.HCM), nhà mạng này ghi nhận tốc độ 5G đạt mốc 600 - 800 Mbps, trong đó lần ghi nhận tốc độ cao nhất đạt tới trên 1,5 Gbps, tương đương với những gói internet cáp quang cao cấp hiện nay. Đại diện MobiFone cho biết nhà mạng này sẽ gấp rút hoàn thành những công đoạn cuối nhằm đưa 5G thương mại đến khách hàng trên cả nước.
MobiFone dự kiến sẵn sàng triển khai tích hợp, phát sóng thử nghiệm thương mại 5G trên băng tần 2.600 Hz, với quy mô 50 trạm tại TP.HCM trong tháng 12. Nhà mạng này cũng sẽ triển khai trên nền tảng 5G các dịch vụ internet tốc độ cao, như video 4K, 8K, các game thực tế ảo AR/VR- AI learning, IoT service...
Khác với những lần thử nghiệm trước nặng về yếu tố kỹ thuật, việc thử nghiệm thương mại hóa 5G với đối tượng là thuê bao di động của các nhà mạng vừa qua, được xem như phép thử quan trọng giúp các nhà mạng đánh giá về công nghệ và nhu cầu thị trường, trước khi chính thức triển khai thương mại hóa 5G tại Việt Nam.
Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Viettel, khẳng định 5G không chỉ cung cấp các dịch vụ kết nối "internet vạn vật", mà hơn thế, là “internet mọi vật”. “Hệ thống telehealth sẽ không chỉ là khám chữa bệnh từ xa mà là phẫu thuật từ xa. Nhà máy thông minh sẽ không chỉ là bán tự động mà là tự động hóa toàn trình... Tất cả điều đó sẽ thành hiện thực với cơ sở là nền tảng 5G đang liên tục được hoàn thiện”, ông Dũng nói.
Cần lộ trình dài để phổ cập 5G
Theo ông Thiều Phương Nam, Giám đốc cấp cao về phát triển kinh doanh, Qualcomm Việt Nam, 5G không chỉ đơn thuần là cung cấp các trải nghiệm ứng dụng cho thiết bị di động, mà rộng hơn là ứng dụng cho nhà máy thông minh, thành phố thông minh, ứng dụng trong y tế, giáo dục, thực tế ảo tăng cường AR/VR...
Giá cước bao nhiêu ?Theo Thứ trưởng Bộ TT-TT Phan Tâm, mạng 5G vượt trội hơn 4G nhờ khả năng kết nối vạn vật với tốc độ siêu cao, độ trễ thấp. Nhưng mạng 5G cũng sử dụng băng tần số cao, có vùng phủ hạn chế, nên số lượng trạm thu phát sóng 5G sẽ phải đầu tư lớn hơn rất nhiều so với các công nghệ trước đây. Để giảm chi phí, theo lãnh đạo Bộ TT-TT, các doanh nghiệp viễn thông phải sớm nghiên cứu giải pháp sử dụng hạ tầng kỹ thuật chung giữa các nhà mạng, rộng hơn là hạ tầng chung liên ngành với ngành điện, nước, giao thông vận tải...
Hiện tại, trong giai đoạn đầu thử nghiệm thương mại, đa số nhà mạng đều cung cấp một số điểm trải nghiệm miễn phí hoặc tặng cho khách hàng 1 gói dung lượng để sử dụng 5G mang tính thử nghiệm nhiều hơn. Giá cước trong thời gian thử nghiệm theo giấy phép được Bộ TT-TT cấp không thu cao hơn so với giá cước data 4G hiện nay. Sau khi hết thời gian thử nghiệm dịch vụ, các doanh nghiệp có trách nhiệm định giá lại giá cước căn cứ chi phí thực tế và đăng ký, thông báo giá cước mới theo quy định.
Trên thực tế, với giá cước 4G, việc các nhà mạng chạy đua giảm giá rất sâu để thu hút khách hàng khiến cước data 4G giảm rất nhanh từ năm 2018 trở lại đây, hiện trung bình chỉ còn ở mức xấp xỉ 2.000 đồng/GB. Nghịch lý ở chỗ, tốc độ truy cập tăng, dung lượng data tăng, nhưng doanh thu nhà mạng lại giảm.
Ông Phạm Ngọc Tú, Trưởng ban Nghiên cứu và phát triển dịch vụ (Tổng công ty Vinaphone), chia sẻ: “Hiện tại thử nghiệm Vinaphone lắp tại Hà Nội khoảng 50 trạm, nhưng nếu triển khai chính thức có thể tới 50.000 trạm. Khi đó mới tính được giá cước chính thức. Song thực tế một số nước đã triển khai 5G thì các nhà mạng không tăng đơn giá với 5G, mà đưa ra barrie (rào) về mức giá gói cước để người dân tự lựa chọn”.
Cùng quan điểm này, theo ông Thiều Phương Nam, Giám đốc cấp cao về phát triển kinh doanh, Qualcomm Việt Nam, chi phí cho từng Gbps cho 5G sẽ thấp hơn 4G về mặt kỹ thuật. Kinh nghiệm từ các nước đã triển khai rộng 5G như Trung Quốc, sự bùng nổ của điện thoại 5G trong năm 2020 đã tạo động lực chính, khuyến khích các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nước này mạnh dạn nâng cấp hạ tầng. Mặc dù thời điểm hiện tại, kết nối 4G vẫn đang phổ biến tại Trung Quốc, nhưng dự báo công nghệ mạng 4G sắp chạm ngưỡng và nhường chỗ cho 5G.
|
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện một nhà mạng cho biết lộ trình để “phổ cập” 5G chính thức còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ chiến lược đầu tư của từng nhà mạng tới thời điểm đấu giá tần số thành công, sớm nhất cần tới 6 tháng nữa.
Bình luận (0)