Nông dân Ấn Độ đổ lên thủ đô biểu tình gần 3 tháng qua vì điều gì?
08/02/2021 19:32 GMT+7
Hàng chục ngàn nông dân ở thủ đô Ấn Độ đã biểu tình phản đối cải cách nông nghiệp suốt nhiều tháng qua. Họ chính là thách thức lớn nhất của Thủ tướng Narendra Modi từ khi ông nắm quyền lãnh đạo từ năm 2014.
Tự động phát
Lực lượng nông dân thu hút sự chú ý khắp thế giới, và nhận được sự ủng hộ từ nhiều nhân vật nổi tiếng ở phương Tây như Greta Thunberg và Rihanna.
“Có lẽ đây là cuộc biểu tình lớn nhất mấy chục năm qua. Họ đã cắm trại trên tất cả các đường cao tốc quan trọng từ Delhi trong hơn 70 ngày rồi. Và việc tăng cường các cơ sở vật chất tại chỗ, bếp ăn cộng đồng tại chỗ, quả là rất bất ngờ, về công tác hậu cần và sự gắn kết”, theo phóng viên Mayank Bhardwaj (từ New Delhi).
Có khoảng 50% dân số Ấn Độ làm nghề nông. Tuy nhiên, nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 15% trong tổng GDP 2,9 nghìn tỉ USD của nước này.
|
Tháng 9.2020, Quốc hội Ấn Độ đã thông qua dự luật nông nghiệp gây tranh cãi, thay đổi các quy định lâu năm đã chi phối ngành nông nghiệp. Điều này đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình phản đối kéo đến thủ đô Ấn Độ và các trại biểu tình mọc lên ở khu vực ngoại ô.
Chiến dịch phản đối diễn ra khá ôn hòa cho đến ngày 26.1. Người biểu tình lái máy kéo đến trung tâm New Delhi trong Ngày Cộng hòa của Ấn Độ, một số người còn đột nhập Pháo đài Đỏ lịch sử.
Cảnh sát dùng hơi cay và gậy baton để ứng phó với người biểu tình. Cuối ngày hôm đó, 1 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Các lãnh đạo nông dân lên án tình trạng bạo lực, nhưng tình trạng căng thẳng kéo dài trong nhiều ngày tiếp theo.
|
Ngày 30.1, khi nhiều người biểu tình bắt đầu tuyệt thực, Ấn Độ chặn mạng internet tại nhiều khu vực xung quanh New Delhi, khiến cộng đồng quốc tế chỉ trích.
Vậy tại sao những người nông dân lại “làm loạn”?
“Có rất ít yêu cầu. Nhưng điều quan trọng nhất là luật mới cho phép người mua tư nhân, các nhà bán lẻ, thương nhân hoặc người bán buôn mua hàng trực tiếp từ các nông dân, ở nông trại của họ, trước cửa nhà họ. Và điều đó cơ bản là thay đổi một quy định lâu đời yêu cầu các nông dân đem nông sản của họ đến chợ bán buôn do chính phủ kiểm soát và có quy định riêng”, ông Mayank Bhardwaj nói thêm.
Các nông dân tin rằng luật mới sẽ gây suy yếu đối với các chợ bán buôn này, khiến chúng trở nên không còn quan trọng. Họ cho rằng ban đầu các người mua tư nhân sẽ đề nghị giá tốt, nhưng khi các chợ bán buôn biến mất, và khi bên trung gian này biến mất, các công ty tư nhân sẽ bắt đầu quyết định giá cả, và hậu quả là người nông dân không còn quyền lực thương lượng.
|
"Tại Ấn Độ, hơn 80% nông dân là những người trồng trọt nhỏ. Vì vậy họ nói rằng chúng tôi không có đủ sức mạnh để giao dịch với người mua tư nhân”, theo ông Mayank Bhardwaj.
Trong khi đó chính phủ Ấn Độ khẳng định các thay đổi sẽ đem lại nguồn đầu tư cần thiết: “Ngoài các nông dân, nhiều nhà kinh tế cũng cho rằng luật mới là không cần thiết vì đã có một hệ thống làm ăn rất tốt. Vì vậy tại sao phải sửa một thứ vốn không hư hỏng gì? Các nhà kinh tế chia rẽ. Nhiều người khác lại tin rằng luật mới sẽ giúp nền nông nghiệp Ấn Độ dài hạn”.
|
Đã có nhiều vòng đàm phán giữa đại diện chính phủ và các lãnh đạo liên minh, nhưng hiện vẫn chưa có dấu hiệu giảm căng thẳng.
Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra một số nhượng bộ, nhưng đã bác bỏ khả năng ngừng cải cách. Thủ tướng Modi vẫn giữ được đa số ghế trong quốc hội, dù người biểu tình đang làm lung lay sự ủng hộ từ vùng nông thôn cho chính phủ.
Người biểu tình cho biết họ sẽ mở rộng quy mô và sẽ không lùi bước cho đến khi luật mới được bãi bỏ.
Bình luận (0)