Từ hoa cúc...
|
Sau 4 năm đi bộ đội tại Học viện Lục quân (Đà Lạt), năm 1987, ông Hiến xuất ngũ về cưới vợ, làm nông sinh sống. Đến năm 1997, nghe tin một công ty ở H.Đức Trọng nhập hoa cúc Indonesia (cúc nút) về chong đèn trồng trong nhà kính rất hiệu quả, thấy lạ, ông nhờ người bạn mua giùm 2.000 cây cúc (1.200 đồng/cây) ở đây mang về trồng thử. “Mình áp dụng phương pháp trồng theo cách của công ty trên và cây phát triển tốt. Rồi mình học cách nhân giống hữu tính bằng cách ngắt đọt giâm cho ra rễ và trồng được 10.000 cây đem bán cho bà con nông dân. Cứ thế, chỉ trong 6 tháng mà mình thu nhập được 110 triệu đồng trên 200 m2 đất. Thấy hiệu quả, mình cứ làm như vậy để bán, bà con mua về trồng biết giống tốt nên rủ nhau tìm đến mua và rồi tự nhiên như vậy mình hình thành nhà giống từ lúc này”, ông Hiến cho biết.
Được vài năm, ông Hiến chuyển sang nghiên cứu nhân giống vô tính bằng nuôi cấy mô, vì sợ khi cây già sẽ thoái hóa giống, nông dân quay lưng. Được một người quen là bác sĩ nha khoa, từng làm giống khoai tây bằng phương pháp nuôi cấy mô, giúp đỡ, bày cách xây dựng phòng thí nghiệm, ông Hiến đầu tư trang thiết bị cùng 1 box cấy rồi tiến hành nuôi cấy mô. Thiếu tài liệu, ông đi TP.HCM tìm mua sách về nghiên cứu. Hư lên hỏng xuống suốt gần 2 năm trời, cuối cùng ông cũng thành công và nhân giống các loại hoa cung cấp cho thị trường.
Đến khoai tây siêu năng suất
Năm 2004, thấy diện tích trồng cây hoa cứ lớn dần còn diện tích trồng rau, củ bị thu hẹp hơn và riêng cây khoai tây bị đẩy dần ra vùng ven, ông nghĩ khoai tây là đặc sản của Đà Lạt, nếu có giống tốt, hiệu quả cao nhất định bà con sẽ gắn bó. Thế là ông lại bắt tay vào nghiên cứu nhân giống cây khoai tây. Kinh nghiệm có được từ nhân giống hoa đã giúp ông nhanh chóng thành công và xây dựng một quy trình nhân giống khoai tây cho riêng mình, đưa khoai tây thành cây giống chủ lực của trang trại. Cây giống được cung cấp từ vườn ươm của ông Hiến có sức đề kháng cao, phát triển tốt nên được bà con nông dân tin tưởng tìm mua, khiến ông luôn “cháy” hàng. Đến nay, ông Hiến đã đầu tư phòng thí nghiệm với 3 box cấy, giải quyết việc làm thường xuyên cho 12 lao động và cung cấp ra thị trường hàng triệu cây giống mỗi năm. Cây giống từ phòng thí nghiệm của ông được đưa ra vườn ươm 400 m2 chăm sóc rồi xuất bán, doanh thu của gia đình ông khoảng 3 tỉ đồng/năm.
|
Cách đây ít năm, tại một hội thảo khoa học, ông Hiến nghe thông tin bên Trung Quốc có người trồng được một gốc khoai tây đạt đến 10 kg củ. Suy nghĩ mãi ông cho rằng chỉ có trồng trong nhà kính mới đạt năng suất như vậy. Ông tìm hiểu, nghiên cứu cặn kẽ những đặc điểm sinh học của loài khoai tây và cuối cùng từng bước xây dựng nên quy trình hoàn chỉnh để trồng trong nhà kính. Năm 2011, từ những cây khoai tây nuôi cấy mô sẵn có, ông bắt tay trồng thử nghiệm trong vườn ươm của gia đình. Ban đầu chỉ 2 cây, sau đó trồng cả luống. 5 tháng sau, kết quả thật bất ngờ khi những cây khoai tây này đều đạt năng suất cao. Một gốc khoai tây hiệu quả nhất đạt đến 123 củ lớn nhỏ, tổng cộng nặng 9,7 kg, gấp 10 lần so với trồng ngoài trời. “Mình đã xây dựng được quy trình trồng khoai tây trong nhà kính và hiện đang chuyển giao dần kỹ thuật trồng cho bà con nông dân ở địa phương thực hiện. Mình chỉ chuyên làm giống thôi, chứ không trồng nữa. Nếu làm đúng kỹ thuật theo quy trình này, ít nhất năng suất cây trong nhà kính sẽ cao hơn 5 lần so với trồng bình thường ngoài trời, nhưng thời gian trồng cũng kéo dài hơn khoảng 1,5 lần”, ông Hiến cho biết.
Gia Bình
Bình luận (0)