Đó là những chia sẻ của ông Hà Tấn Tâm (53 tuổi, ngụ P.Thới An, Q.Ô Môn, TP.Cần Thơ), người vừa được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động.
Phất lên từ cá tra
Ông Tâm cho biết ông vốn là nông dân “rặt”, quanh năm chỉ biết làm ruộng vườn theo cách truyền thống nên gần 20 năm lập nghiệp vẫn chưa thể làm giàu. Năm 2003, phong trào nuôi cá tra nở rộ ở TP.Cần Thơ cũng như các tỉnh ĐBSCL, ông rủ bạn bè hùn vốn nuôi thử. Với hơn 200 triệu đồng trong tay, ông phá 3 công đất vườn đào ao nuôi cá nhưng do thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn nên ông gặp thất bại ngay từ vụ đầu tiên. Không nản chí, ông tham gia nhiều lớp tập huấn và đi học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương chuyên nuôi cá tra như An Giang, Đồng Tháp. Vụ nuôi tiếp theo, ông thu hoạch được 150 tấn cá, sau khi trừ chi phí còn lời trên 500 triệu đồng. Nhờ đó, ông có vốn đầu tư những vụ tiếp theo và mua đất mở rộng diện tích. Từ vài công ban đầu, đến nay ông Tâm có tổng cộng 5 ha với 8 ao nuôi.
Năm 2007 - 2008, khi đầu ra của con cá tra bị khủng hoảng, nhiều hộ ở ĐBSCL vỡ nợ phải treo ao thì ông Tâm lại tìm cho mình hướng đi khác. Ông chuyển qua hợp tác nuôi gia công cho Công ty CP Hùng Vương và tham gia quản lý vùng nuôi cho công ty ở các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang... Phía công ty cung cấp thức ăn, còn ông tự lo chi phí con giống, thuốc; đồng thời đảm bảo tuân thủ yêu cầu kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi. Nhờ chọn cách nuôi này, mỗi năm ông có thu nhập hàng tỉ đồng. “Nếu cứ duy trì cách nuôi tự phát thì nông dân chỉ có nước phá sản. Nuôi gia công tuy lời ít hơn nhưng bù lại được bao tiêu toàn bộ. Tôi không còn phải chịu cảnh bí đầu ra, rớt giá thê thảm như trước nữa”, ông Tâm cho biết.
Năm 2012, ông Tâm chủ động liên kết với Công ty CP Hùng Vương làm thêm dịch vụ vận chuyển thức ăn thủy sản đi các tỉnh. Hiện ông có 15 ghe (trọng tải từ 100 - 150 tấn/ghe), mỗi tháng vận chuyển khoảng 10.000 tấn thức ăn, thu về gần 200 triệu đồng/tháng.
Làm vườn chất lượng cao
Sau thành công với con cá tra, ông Tâm quyết định quay về với nghề đã gắn với người nông dân Thới An từ bao đời nay là trồng cây ăn trái. Ông mua được 8 ha và thuê thêm 5 ha để lập vườn trồng cam xoàn, cam sành và nhãn Idor. Theo ông Tâm, trước đó ông từng trồng nhãn da bò và xoài cát chu nhưng do nhãn mắc bệnh chổi rồng, còn xoài thì giá lên xuống thất thường nên ông đốn bỏ chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Kinh nghiệm làm vườn tích lũy suốt mấy chục năm cộng với khả năng tính toán khoa học được ông dồn hết vào vườn cây ăn trái này. Chỉ trong vòng 3 năm, vườn cam, nhãn của ông đã lên xanh tốt, cho trái sai oằn.
Ông Tâm cho biết: “Thay vì trồng tự nhiên để cây cho trái mùa thuận, tất cả 13 ha đều được tôi áp dụng khoa học kỹ thuật để cây ra trái nghịch vụ, bán được giá cao hơn”. Vừa qua, thương lái ở Tiền Giang đến tận vườn của ông thu mua 2 ha nhãn Idor (năng suất 35 - 40 tấn/ha) với giá từ 35.000 - 37.000 đồng/kg. Sau khi trừ các khoản chi phí, trung bình 1 ha nhãn, ông lời khoảng 1 tỉ đồng.
Hầu hết vườn ăn trái đều được ông trồng theo tiêu chuẩn an toàn và đang chờ được cấp giấy chứng nhận. Hiện ông đã thuê thêm 8 ha đất để mở rộng diện tích trồng nhãn Idor theo VietGAP. “Đất nước đang trong quá trình hội nhập, ngành nông sản từ nay về sau sẽ có lợi thế rất lớn. Tuy nhiên, người nông dân phải ứng dụng sản xuất theo tiêu chuẩn GAP để hướng tới xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước”, ông Tâm chia sẻ.
Công việc làm ăn của ông Tâm đang tạo việc làm thường xuyên cho 50 - 65 lao động, với mức thu nhập từ 4 - 6 triệu đồng/tháng. Cùng với hàng tỉ đồng đóng góp cho phong trào từ thiện ở địa phương cũng như các tỉnh trong khu vực, ông Tâm đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng nhì vào tháng 9.2015.
Bình luận (0)