Cây xóa đói giảm nghèo
Những năm gần đây, người dân tại các huyện Can Lộc, Thạch Hà và Cẩm Xuyên ở tỉnh Hà Tĩnh đổ xô ra các con kênh, sông, ao hồ và đầm lầy gần nhà để hái bèo tây. Loài thực vật thủy sinh mọc tự nhiên như cỏ dại này nay được người dân săn lùng vì có doanh nghiệp thu mua về làm đồ thủ công mỹ nghệ xuất khẩu.
Các sản phẩm mỹ nghệ làm từ bèo tây do người dân xã Quang Lộc (H.Can Lộc, Hà Tĩnh) tự sản xuất |
PHẠM ĐỨC |
Cùng một số phụ nữ hái bèo tây mọc trên sông Nghèn gần nhà, bà Lê Thị Thanh (70 tuổi, ngụ tại TT.Nghèn, H.Can Lộc, Hà Tĩnh), cho biết nhiều ngày qua, bà cùng một số chị em hàng xóm rủ nhau ra con sông này để hái bèo tây về bán. Trung bình mỗi ngày, bà Thanh hái được khoảng 30 kg bèo tây, sau khi bỏ phần lá, rễ đưa về nhà phơi khô thì thân bèo được một doanh nghiệp trên địa bàn thu mua với giá từ 9.000 - 11.000 đồng/kg.
“Bèo tây trước đây chỉ một số ít người dân địa phương chúng tôi lấy về để làm thức ăn chăn nuôi hoặc ủ làm phân hữu cơ bón cây. Sự phát triển rất nhanh của loài cây này khiến chính quyền địa phương đau đầu vì chúng gây tắc nghẽn dòng chảy trong mùa mưa lũ và xâm chiếm đồng ruộng, ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp. Thật vui vì loài cây diệt mãi không hết này giờ lại được doanh nghiệp thu mua. Dù thu nhập mỗi ngày chỉ được khoảng 100.000 - 150.000 đồng nhưng cũng đã giúp người dân có thêm thu nhập lúc rảnh rỗi, nông nhàn”, bà Thanh phấn khởi cho biết.
Gom số thân bèo tây phơi trên sân lại thành bó để chuẩn bị đưa đi bán, chị Nguyễn Thị Hồng (40 tuổi, ngụ tại xã Tiến Lộc, H.Can Lộc) cho biết, cây bèo được doanh nghiệp thu mua đã mở ra hướng đi mới cho người nông dân, tạo việc làm cho nhiều chị em phụ nữ.
“Ngoài việc thu mua bèo tây giúp người dân có thêm thu nhập thì doanh nghiệp cũng sẵn sàng đào tạo nghề cho người nào có nhu cầu. Để làm ra sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cây bèo tây như giỏ đựng hoa quả, thảm chùi chân, lẵng hoa, đèn ngủ, chiếu,… người thợ phải thuần thục các kỹ thuật đan lát.
Những năm gần đây, một số gia đình trên địa bàn huyện chúng tôi và các huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà đã theo những khóa học và tạo ra các sản phẩm mỹ nghệ đáp ứng yêu cầu đặt hàng của doanh nghiệp. Cây bèo tây bây giờ đang dần trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho nhiều người”, chị Hồng nói.
Bèo tây… đi Tây
Là người trực tiếp liên kết với doanh nghiệp thu mua bèo tây cho bà con nông dân, anh Nguyễn Quốc Hiệp, Phó giám đốc Trung tâm Học tập cộng đồng xã Mỹ Lộc và Quang Lộc (H.Can Lộc), cho biết 5 năm trước, anh đã lặn lội ra tỉnh Ninh Bình để tìm hiểu nghề thủ công mỹ nghệ lấy cây bèo tây làm nguyên liệu. Nhận thấy đây là cơ hội để giúp người nông dân tại Hà Tĩnh thoát nghèo nên anh lên kế hoạch đưa mô hình này về địa phương.
Sau nhiều năm ấp ủ, đầu năm nay, anh Hiệp mới “bắt tay” được với một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu sản phẩm mây tre đan ở H.Cẩm Xuyên thu mua bèo tây cho người dân.
“Trước đó, chúng tôi cũng đã đưa một số người khéo tay ra học tập tại một cơ sở thủ công mỹ nghệ ở tỉnh Ninh Bình và những người này sau khi thuần thục các kỹ thuật đan lát đã trở về địa phương, tiếp tục đào tạo cho những người khác. Hiện chúng tôi đã bắt đầu nhận được các đơn hàng làm từ bèo tây xuất khẩu sang một số nước châu Âu và Hàn Quốc”, anh Hiệp nói.
Ông Nguyễn Huy Anh, Giám đốc Công ty xây dựng và thương mại Huy Phong (H.Cẩm Xuyên), cho hay việc thu mua bèo tây về làm đồ thủ công mỹ nghệ được công ty triển khai nhiều năm nay. Sau khi nhập bèo tây phơi khô, anh Huy Anh liên kết với một nghệ nhân ở tỉnh Thanh Hóa và hội phụ nữ của một số địa phương trong tỉnh tổ chức sản xuất các sản phẩm thủ công từ loại cây này.
“Công ty của chúng tôi cũng đã có nhiều đơn hàng xuất khẩu sang Hàn Quốc và đang tiếp tục chào hàng ở các nước khác. Bèo tây bây giờ không còn bị coi là rẻ như bèo nữa, nên chúng tôi mong UBND tỉnh và các sở, ngành vào cuộc hỗ trợ mở lớp đào tạo nghề để người dân có việc làm, thu nhập ổn định”, anh Huy Anh chia sẻ.
Bình luận (0)