Nông dân hạnh phúc - Đất nước phồn vinh

01/09/2024 06:28 GMT+7

Kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam đã vượt mức 50 tỉ USD trong năm 2023, đó là chỉ dấu đáng mừng khi giá trị nông sản Việt không ngừng gia tăng và khẳng định thương hiệu.

Bây giờ, ngày càng có nhiều nông dân sống được trên chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình. Đó được ví như là một hạnh phúc của nông thôn Việt. Đằng sau thành công đó vẫn còn những trăn trở về việc ly hương. Làm thế nào để nông dân không ly hương mà vẫn hạnh phúc tại mảnh đất nông nghiệp địa phương có lẽ sẽ là định hướng trong điều hành ngành nông nghiệp.

Nông dân hạnh phúc - Đất nước phồn vinh- Ảnh 1.

Nông dân Tiền Giang thu hoạch sầu riêng trúng mùa và được giá

ẢNH: CÔNG HÂN

Người nông dân muốn hạnh phúc, dứt khoát phải tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, được người tiêu dùng trong và ngoài nước thừa nhận. Người nông dân trồng sầu riêng gần đây rất hạnh phúc khi đầu ra đạt doanh thu hàng tỉ USD. Sầu riêng trong năm 2024 vẫn là niềm hạnh phúc của nhiều nông dân, nhưng liệu trong tương lai nó sẽ giống như những sản phẩm tiêu, điều, thanh long suy giảm trong quá khứ, thì đó là một câu hỏi lớn.

Người nông dân hạnh phúc cần được hiểu là khi họ làm chủ được sản phẩm có sức mạnh, tự quyết định được giá trị cũng như giá bán của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Hibiso - Antotea, một startup nông nghiệp, ghi dấu thành tích đáng khích lệ khi Hibiso - Trà Tía Tô là một trong những thương hiệu trà được giới thiệu với Thủ tướng Hà Lan khi ông thăm Việt Nam tháng 11.2023. Kế tiếp, người nông dân hạnh phúc cần đạt khả năng hòa nhập thị trường thế giới thông qua đạt chuẩn xanh, sạch, bền vững. Anh Trịnh Tấn Vinh ở Lâm Đồng, người sáng lập cà phê Thuần Trịnh, đã dành cả 16 năm gầy dựng thành công cà phê 100% hữu cơ. Những tấm gương như cà phê Thuần Trịnh đã khơi gợi hứng khởi và niềm tin cho tất cả nông dân "cứ đi, cứ học, cứ làm, cứ bền chí sẽ có hạnh phúc".

Nông dân hạnh phúc - Đất nước phồn vinh- Ảnh 2.

Thương lái mua bưởi ở TX.Bình Minh (Vĩnh Long) mang đi tiêu thụ trong nước và xuất khẩu

ẢNH: CÔNG HÂN

Đối với thị trường trong nước, tri thức khoa học, mô hình kinh doanh cộng đồng và tri thức bản địa là những chìa khóa quan trọng giúp nông dân kiến tạo hạnh phúc từ các sản phẩm nông nghiệp. Trà Kim Ngân Hoa của bác sĩ Vũ Minh Tú tại An Giang là kết hợp tri thức khoa học và kiến thức nông nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm trà chữa bệnh mất ngủ. Sản phẩm trà nếu thành công hơn sẽ giúp gia tăng giá trị thu được trên 1 héc ta đất gấp 3 lần so với trồng lúa truyền thống. Một doanh nghiệp tập trung xây dựng thương hiệu Thanh Phú - mật ong 100% tự nhiên tại Kiên Giang - từ năm 2017, đã giúp cho hàng trăm nông dân có đầu ra sản phẩm hiệu quả trên thị trường với hơn 400 ha rừng tràm. Khởi nghiệp sử dụng sức mạnh cộng đồng và tri thức bản địa đã gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp truyền thống trên khắp mọi miền đất nước.

Người nông dân sở hữu những hạt mầm hạnh phức như trên ở khắp mọi miền đất nước. Nhưng để có thể giúp cho hàng triệu nông dân hạnh phúc thì chúng ta cần một hệ sinh thái nông dân hạnh phúc, bao gồm những thành tố kết nối, tương tác và cùng nhau kiến tạo hạnh phúc cho nhà nông.

Thành phần quan trọng nhất chính là người nông dân hạnh phúc. Nội hàm của khái niệm này là nông dân cần phải vươn lên học hỏi, sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ và cuối cùng nâng chuẩn hướng ra thế giới như anh Trịnh Tấn Vinh. Hạnh phúc không phải là tự nhiên may rủi từ bên ngoài, mà phải khởi phát từ bên trong sau quá trình tự vận động và dấn thân.

Thành phần quan trọng thứ hai, đó chính là những doanh chủ nông dân. Các doanh chủ này có thể là từ nông dân, các bạn trẻ khởi nghiệp về nông nghiệp, và các doanh nghiệp nông nghiệp hiện tại. Các doanh chủ nông nghiệp này đóng vai trò kết nối, tích tụ và cộng hưởng lực lượng nông dân hạnh phúc nói trên. Không có thành phần này, các nông dân hạnh phúc không thể làm được những kết quả lớn như sản lượng, chất lượng đạt chuẩn cho nông nghiệp.

Nông dân hạnh phúc - Đất nước phồn vinh- Ảnh 3.

Nông dân Bến Tre thu hoạch chôm chôm

ẢNH: CÔNG HÂN

Thành phần thứ ba chính là các nhà khoa học nông dân. Những nhà khoa học này cần lăn xả, bám sát với hiện trạng nông nghiệp và đưa ra những phương án góp phần giải quyết những "điểm nghẽn" của nông nghiệp. Những nhà khoa học nông dân này cần được hỗ trợ các nguồn lực để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ khoa học nông nghiệp. Một ví dụ sinh động chính là gạo ST25 trong vài năm gần đây...

Một hệ sinh thái mạnh nhưng thiếu đi tư duy đúng cũng không thể phát triển theo thời gian. Tư duy chuỗi cung ứng kết hợp chuyển đổi số hướng tới các tiêu chuẩn xanh, sạch, bền vững của thế giới cần phải được áp dụng cho nông nghiệp kiến tạo hạnh phúc bền lâu. Tư duy này đòi hỏi cần có đầu vào tiêu chuẩn - giống, quy trình và các tiêu chuẩn trong gieo trồng, canh tác, thu hoạch và đưa ra thị trường. Sản phẩm phải được kiểm định và đạt tiêu chuẩn khi mang ra thị trường tiêu dùng. Các vấn đề như bản quyền, sở hữu trí tuệ cần được tuân thủ triệt để nhằm bảo vệ hạnh phúc của nông dân trên thị trường lâu dài. Bên cạnh đó, các công nghệ chuyển đổi số cũng cần được áp dụng triệt để nhằm hiện thực hóa các vấn đề nói trên như truy xuất nguồn gốc, tự động và cơ giới hóa...

Một vấn đề cuối cùng, đó là cần phải có các chương trình phát triển nguồn nhân lực cho nông nghiệp. Ông "nông dân 600 tỉ" Trần Huy Đường trong tâm thư gửi Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh việc đào tạo và cấp chứng chỉ cho nông dân. Có một sự thật, ngày nay thế hệ trẻ ngại và chán những ngành nghề nông nghiệp. Chúng ta cần có những hoạt động đào tạo và định hướng như STEAM nông nghiệp cho học sinh cấp 1 - 2 để gieo mầm cho nhân lực nông dân hạnh phúc từ rất sớm.

Nông dân hạnh phúc - Đất nước phồn vinh- Ảnh 4.

Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp giúp tăng sản lượng cũng như chất lượng nông sản

ẢNH: CÔNG HÂN

Người nông dân sẽ hạnh phúc đủ đầy khi những thanh niên - con của họ kế nghiệp nông dân hạnh phúc. Mọi nông dân hạnh phúc có lẽ đều ước mơ như chị Võ Thị Thu Hạnh, Tổng giám đốc VoCo Coffee tại Đà Lạt: "Sau gần 30 năm gắn bó tâm huyết với nông nghiệp, tôi còn hạnh phúc hơn khi cả con trai và con dâu kế nghiệp công ty tôi để xây dựng nông nghiệp cho tương lai tại mảnh đất quê hương".

Nông dân hạnh phúc vừa là mục tiêu và cũng là kết quả của một đất nước Việt Nam phồn vinh. Nhằm phát triển hệ sinh thái nông dân hạnh phúc, 2 chủ thể nông dân và doanh chủ nông dân cần được đặt làm trọng tâm cho mọi quyết sách của nông nghiệp. Nông dân hạnh phúc đại diện cho thực thi và doanh chủ nông dân đại diện cho tổ chức. Thiếu đi tổ chức, thực thi sẽ không hiệu quả. Thiếu đi thực thi, tổ chức sẽ chỉ là hình thức không tạo ra giá trị thật sự. Cuối cùng, nông dân hạnh phúc khi và chỉ khi thế hệ trẻ của họ tiếp bước cha ông xây dựng hạnh phúc của nông dân lên một tầm cao mới - mang những sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đạt chuẩn quốc tế ra thị trường toàn cầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.