Chủ nhiệm HTX Nguyễn Văn Chiến (bìa phải) giới thiệu chanh không hạt - Ảnh: Quang Minh Nhật |
Mạnh dạn chuyển đổi cây trồng
Bà Hồ Thị Thăm Huyên (ngụ ấp Phú Xuân A, thị trấn Mái Dầm) cho biết gia đình bà hiện có hơn 5 công cam sành. Thửa đất này trước đây là đất ruộng, xen lẫn vườn tạp thu nhập chẳng được bao nhiêu. Từ năm 2007, gia đình bà tập trung đầu tư cho cây cam sành. Đến nay, vườn cam cho thu nhập không dưới 200 triệu đồng/năm. “Cam sành cho trái gần như quanh năm, công chăm sóc tương đối nhẹ. Khi thu hoạch, thương lái đến cân tận vườn, vì vậy vợ chồng tui xem nó là cây xóa nghèo”, bà Huyên nói.
Gia đình ông Nguyễn Văn Dư (ấp Phước Tiến, xã Đông Thạnh) hiện đã có nhà tường, của ăn của để và nhất là lo được cho các con lên thành phố học đại học đàng hoàng. Trước đây, 1 ha đất của ông Dư cho thu nhập rất bấp bênh, may mà ông kịp thời chuyển qua trồng chanh không hạt, thu lợi không dưới 300 triệu đồng/năm… “Toàn huyện hiện có hơn 10.500 ha đất nông nghiệp; trong đó diện tích vườn cây ăn trái (cam sành, bưởi, mít Thái, chanh không hạt…) lên đến 9.000 ha và cho thu nhập rất cao”, kỹ sư Mã Xủi, Trưởng trạm Bảo vệ thực vật H.Châu Thành nói.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Chủ tịch UBND H.Châu Thành, cho rằng thổ nhưỡng tại địa phương dường như không thích hợp với việc trồng lúa, vì thế nông dân mạnh dạn chuyển qua chuyên canh cây đặc sản. “Diện tích vườn cây ăn trái năm 2013 tăng 13,4% so với năm 2011, nguyên nhân do hiệu quả kinh tế của việc trồng cây ăn trái cao hơn trồng lúa từ 2 - 15 lần. Đây là xu hướng chuyển dịch có lợi về thu nhập cho bà con nông dân”, ông Tuyên cho biết.
Cũng theo lời ông Tuyên, H.Châu Thành hiện có nhiều mô hình làm ăn hiệu quả như: mô hình bưởi năm roi, bưởi hồ lô (xã Phú Tân) cho thu nhập 500 triệu đồng/ha/năm; cam sành (xã Đông Phước) 300 triệu đồng/ha/năm; chanh không hạt (xã Đông Thạnh) 300 triệu đồng/ha/năm; mít Thái (xã Đông Phước A) 300 triệu đồng/ha/năm; dưa hấu hồ lô (xã Đông Phú) 200 triệu đồng/ha/năm...
Hợp tác để làm giàu
Là người có công lớn trong việc giới thiệu bưởi hồ lô Châu Thành ra thị trường cả nước từ nhiều năm qua, ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm CLB khuyến nông Phú Trí A (ấp Phú trí A, xã Phú Tân) thường được mời tham dự các hội thảo để giới thiệu mô hình làm ăn hợp tác hiệu quả từ trái bưởi hồ lô này. CLB hiện có hơn 25 thành viên trong đó 16 người tham gia sản xuất bưởi hồ lô (18 ha) cung ứng cho thị trường tết hằng năm. Tết 2013 vừa rồi, các thành viên CLB tung ra khoảng 8.500 trái bưởi hồ lô và đã có một cái tết rất xôm tụ. Theo ông Thành, hợp tác cùng nhau sản xuất lượng lớn hàng hóa nông sản đặc thù, các thành viên CLB sẽ có điều kiện thông tin kịp thời cho nhau tình hình thời tiết, thị trường, mẫu mã mới... để tránh cảnh dội hàng, bị ép giá, đảm bảo thu nhập cho từng thành viên.
Hôm cuối tháng 9 rồi làm việc với phóng viên Thanh Niên, Chủ nhiệm HTX Thạnh Phước (ấp Phước Thạnh, xã Đông Thạnh) Nguyễn Văn Chiến bật mí HTX hiện có trên 80 thành viên, chuyên canh khoảng 100 ha chanh không hạt, cây giống chanh không hạt (kể cả trái chanh muối) cho thu nhập rất tốt. “Chanh ở đây trồng bằng giống cây ghép chỉ sau 18 tháng là cho thu hoạch. Mỗi cây chanh trưởng thành cho trái khoảng 10 năm, công chăm sóc khá nhẹ nhàng. Tính ra trồng chanh không hạt cho thu nhập bình quân không dưới 300 triệu đồng/ha/năm nên xã viên không thể nghèo được”, ông Chiến nói.
Ông Trần Quang Hành, Trưởng phòng NN-PTNT H.Châu Thành, cho biết đến nay toàn huyện đã có 1 liên hiệp HTX, 28 HTX, 40 tổ hợp tác về sản xuất và tiêu thụ hàng hóa nông sản. Hiện tại, những HTX, tổ hợp tác này làm ăn rất bài bản. Các vườn chuyên canh bước đầu đã tạo được vùng nguyên liệu và có chứng nhận VietGAP trên cây cam, bưởi, chanh… tạo điều kiện liên kết tiêu thụ hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nhà vườn.
Quang Minh Nhật
Bình luận (0)