Nông dân khốn khổ vì bị quỵt tiền lúa

Hàng chục hộ dân ở H.Giang Thành (Kiên Giang) đang lâm vào cảnh khốn khổ vì bị doanh nghiệp thu mua lúa quỵt tiền.

Hàng chục hộ dân ở H.Giang Thành (Kiên Giang) đang lâm vào cảnh khốn khổ vì bị doanh nghiệp thu mua lúa quỵt tiền.

Hàng chục nông dân đang rất lo lắng chưa biết làm sao để lấy được tiền bán lúa - Ảnh: Xuân LamHàng chục nông dân đang rất lo lắng chưa biết làm sao để lấy được tiền bán lúa - Ảnh: Xuân Lam
Từ đầu vụ hè thu 2015, nhiều nông dân xã Tân Khánh Hòa (H.Giang Thành) ký hợp đồng bao tiêu lúa với Công ty TNHH MTV Năm Nhã (địa chỉ tổ 11, khóm Bình Đức 5, P.Bình Đức, TP.Long Xuyên, An Giang) do bà Nguyễn Thị Lời làm giám đốc. Loại lúa được bao tiêu giống hạt tròn DS1 (giống lúa xuất đi Nhật Bản) với tổng diện tích khoảng 1.000 ha. Hình thức bao tiêu là công ty tạm ứng cho các hộ dân 500.000 đồng/1.000 m2 để mua giống và cải tạo đất... Khi thu hoạch lúa, nông dân đều thực hiện theo đúng hợp đồng là bán lúa cho công ty trên với giá giao kèo trước 5.700 đồng/kg.
Nhận lúa xong xù tiền
Tuy nhiên, gần 7 tháng kể từ sau khi nhận lúa của nông dân, công ty này vẫn chưa trả tiền, khiến nhiều hộ rơi vào cảnh khó khăn, không có tiền tái sản xuất. Ông Võ Văn Nhơn (xã Tân Khánh Hòa) cho biết phải đi vay nóng để trả nợ công cắt lúa. “Cứ nghĩ đơn giản là khi lấy được tiền lúa thì hoàn trả ngay khoản vay nóng, giờ nợ không lấy được, lãi mẹ đẻ lãi con chẳng biết phải tính sao”, ông Nhơn than thở.
Theo phản ánh của người dân, chỉ riêng ở xã Tân Khánh Hòa, Công ty Năm Nhã nợ nông dân hơn 1,7 tỉ đồng, trong đó hộ bị nợ ít nhất hơn 20 triệu, nhiều nhất vài trăm triệu đồng. “Bà con ở đây ai cũng giữ chữ tín bán lúa cho Công ty Năm Nhã chỉ có 5.700 đồng/kg, trong khi đó giá thị trường lúc ấy đã từ 6.200 - 6.400 đồng/kg, ai dè giờ họ lại trốn mất”, anh Võ Chí Diễn, nông dân xã Tân Khánh Hòa, nói. Cũng theo anh Diễn, khi mới ký kết hợp đồng với nông dân, bà Nguyễn Thị Lời, giám đốc công ty, còn cho xe đưa bà con đến tận nhà riêng ở TP.Long Xuyên làm tiệc liên hoan chúc mừng hợp tác nên ai cũng phấn khởi và tin tưởng. Sau khi đòi nợ không được, nông dân kéo đến trụ sở công ty thì mới biết bà Lời đã bỏ trốn.
Ông Dương Xuân Quả, tên thường gọi là Năm Nhã (chồng bà Lời), thừa nhận: “Bà Lời cũng đã bỏ trốn hơn 4 tháng nay, tôi không thể liên lạc được mà cũng không ai biết bà ấy đang ở đâu. Tôi cũng mong cơ quan chức năng triệu tập được bà Lời về để cùng giải quyết nợ nần”. Ông Quả cũng thông tin thêm, tổng khoản nợ của bà Lời mà ông biết vào khoảng hơn 11 tỉ đồng.
“Nông dân bị quỵt nợ nhiều lắm”
Sau khi biết bà Lời bỏ trốn, các hộ nông dân đã tố cáo vụ việc tới công an địa phương và UBND xã Tân Khánh Hòa, nhưng không được thụ lý do hợp đồng bao tiêu giữa nông dân và công ty trước đó không được chính quyền địa phương xác nhận. Về việc này, ông Trương Văn Tèo, Chủ tịch UBND xã Tân Khánh Hòa, nói: “Xã chỉ ký chứng thực vào hợp đồng bao tiêu cho những công ty huyện giới thiệu xuống. Còn những doanh nghiệp tự đến hợp tác với nông dân như Công ty Năm Nhã thì xã không xác nhận vào hợp đồng được”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Luyến, Trưởng phòng NN-PTNT H.Giang Thành, cho biết: “Việc nông dân bị quỵt nợ phòng có biết nhưng không can thiệp được vì không có chứng thực của UBND xã”. Cũng theo bà Luyến: “Trước nay ở Giang Thành, nông dân bị quỵt nợ tiền lúa nhiều lắm, xã Tân Khánh Hòa chỉ là số nhỏ thôi. Phòng cũng đã khuyến cáo bà con không ký hợp đồng đối với một số doanh nghiệp”. Tuy nhiên, khi PV hỏi những doanh nghiệp nào nông dân không nên ký hợp đồng bao tiêu thì bà Luyến từ chối cung cấp tên.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch UBND H.Giang Thành, cho biết UBND huyện đã nghe báo cáo vụ việc. “UBND đã yêu cầu công an huyện trực tiếp vào cuộc, phối hợp chính quyền địa phương và Công an TP.Long Xuyên để điều tra làm rõ hành vi của Công ty Năm Nhã. Nếu bà Lời đã bỏ trốn khỏi địa phương, cố tình không thanh toán tiền lúa cho bà con nông dân có thể được xem là hành vi lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản”, ông Hà nói.
Liên quan đến vụ việc, thượng tá Nguyễn Hữu Cường, Phó trưởng công an H.Giang Thành, cho biết công an huyện đã mở hồ sơ điều tra vụ việc; đồng thời có văn bản đề nghị Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang phân công, chỉ đạo phòng nghiệp vụ hỗ trợ điều tra.
Mua thiếu hơn chục tấn lúa của nông dân rồi “bỏ trốn”
Chiều 25.3, lãnh đạo Công an H.U Minh (Cà Mau) cho biết công an đang ráo riết điều tra vụ việc liên quan đến Võ Văn Huy (ngụ ấp 4, xã Khánh An, H.U Minh) mua lúa của người dân nhưng không trả tiền và rời khỏi địa phương.
Theo cơ quan công an, ngày 13.2 Huy đi cùng một phụ nữ và giới thiệu là vợ tên Bùi Thị Liên. Cả hai đến nhà các hộ Trương Văn Vẹn, Nguyễn Văn Thơm, Trương Tấn Phước (cùng xã Khánh Lâm, H.U Minh) mua 14 tấn lúa, còn nợ hơn 70 triệu đồng và viết giấy hẹn 3 ngày sau sẽ trả đủ. Quá hạn, không thấy Huy trả tiền, liên lạc bằng điện thoại không được, các hộ dân tìm đến nhà thì Huy cùng Liên đã rời khỏi địa phương, không ai biết tin tức. Trước khi đi, Huy mua một xe máy hiệu SH.
Ông Quách Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Khánh An, cho biết: “Sau khi nhận được đơn tố cáo của bà con, tôi chỉ đạo công an xã ráo riết chuyển hồ sơ về công an huyện để điều tra”. Ông Hợp cũng thông tin thêm Huy và Liên không phải vợ chồng. Ngoài 3 hộ dân trên, ngày 9.3 có thêm một hộ khác đến xã trình báo bị Huy chiếm đoạt 4 triệu đồng tiền mua lúa với phương thức tương tự.
Gia Bách
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.