Nông dân lao đao vì bắp không hạt

25/06/2013 09:36 GMT+7

Hàng trăm hộ dân ở Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu đang rơi vào tình cảnh lao đao vì mua phải giống bắp không hạt.

Hàng trăm hộ dân ở Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu đang rơi vào tình cảnh lao đao vì mua phải giống bắp không hạt.

Người dân trồng bắp ở xã   Bình Trung, H Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) lao đao bởi bắp không hạt - ảnh Nguyễn Long

Ông Đỗ Văn Thiệu (ngụ ấp Suối Quýt, Xã Cẩm Đường, H.Long Thành, Đồng Nai) cho biết, vào giữa tháng 4.2013, ông mua giống bắp NK-67 (lai đơn F1) do Indonesia sản xuất về gieo trồng. “Sau khi gieo, có hiện tượng cây phát triển không đều. Cây bắp thấp bé, èo uột không trổ cờ, không ra trái”, ông Thiệu cho biết.

Theo thống kê ban đầu, tại xã Cẩm Đường, có hàng trăm hộ nông dân gieo trồng khoảng 650 ha bắp nhưng rất nhiều diện tích không ra trái, nguy cơ mất trắng vụ mùa rất cao. Ông Trần Văn Khương- Chủ tịch Hội Nông dân xã Cẩm Đường cho biết, vụ hè thu năm nay diện tích trồng bắp của xã gia tăng rất lớn do nhiều hộ chuyển đổi từ trồng mì sang trồng bắp. Sau khi người dân phản ánh tình trạng bắp không có hạt, xã đang đề nghị Trạm bảo vệ thực vật Long Thành thống kê các diện tích bắp sử dụng giống NK-67 có nguồn gốc từ Indonesia để theo dõi và đưa ra kết luận cuối cùng để khuyến cáo và có biện pháp hỗ trợ cho nông dân.

Còn ông Nguyễn Văn Đăng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Phú (H. Xuân Lộc) cho biết xã cũng có khoảng 8 ha bắp hè thu ở ấp Xuân Tiến (xã Xuân Phú) cũng bị tình trạng không hạt. Sau khi nhận tin, xã đã xuống kiểm tra thì phát hiện diện tích bắp không có hạt đều sử dụng giống của Công ty TNHH Sygenta (tại TP.Biên Hòa). UBND xã Xuân Phú đã liên hệ với Sygenta, yêu cầu bồi thường, hỗ trợ cho nông dân. Công ty TNHH Sygenta đã bồi thường cho các hộ bị thiệt hại 13 triệu đồng/ha. Theo các hộ dân, số tiền trên chỉ đủ 2/3 chi phí đầu vào cho diện tích bắp không hạt.

Trong khi đó, tại Bà Rịa-Vũng Tàu, tình cảnh bắp không hạt cũng diễn ra tương tự. Ông Phạm Văn Phương (51 tuổi, ngụ thôn 3, xã Bình Trung, H Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu) có 2ha đất trồng bắp giống NK67 do Công ty Syngenta (Indonesia) sản xuất. Ông Phương cho biết: “Tôi mua 31kg bắp giống về trồng từ đầu tháng 5. Khi bắp được 10 ngày tuổi thì tôi đã phát hiện có cây cao, cây thấp. Tôi mua 33 bao phân về bón nhưng cây vẫn không lớn. Có những cây lớn nhưng lại tong teo, trái nhỏ như ngón tay”.

Đến các rẫy bắp của người dân 3 xã Bình Giã, Bình Trung, Xuân Sơn (H. Châu Đức), chúng tôi ghi nhận, hầu hết cây bắp chậm phát triển, thân cây ốm, lá màu vàng… Ông Trần Văn Tuyên (ngụ thôn 4, xã Bình Trung) cũng mua 28kg bắp giống NK67 của Indonesia về trồng trên diện tích 1,8ha đất. “Hơn tháng rưỡi nay, cả rẫy bắp cứ cây cao cây thấp tè. Theo chu trình thì đến nay bắp phải trổ cờ, vậy mà… Năm nay gia đình tôi trắng tay vì bắp”, ông Tuyên lo lắng.

Sau khi thấy cây bắp có biểu hiện lạ, người dân các xã trên đã đến đại lý bán bắp giống NK67 để phản ánh vụ việc. Theo người dân xã Bình Trung, trong những ngày qua, một số nhân viên của Công ty Syngenta đã thông qua các đại lý bán bắp thông báo cho người dân đến kê khai để được hỗ trợ. Tại xã Bình Trung, đã có 12 hộ dân được hỗ trợ với số tiền gần 200 triệu đồng. Theo cách tính của công ty, cứ 1ha đất bị thiệt hại thì hỗ trợ cho nông dân 13 triệu đồng. Một người dân bức xúc: “Công ty mới tính mức hỗ trợ chứ chưa bồi thường cho dân. Chúng tôi đầu tư cho mỗi ha bắp tiêu tốn hết khoảng 13 triệu đồng. Như vậy công ty chỉ mới trả lại tiền đầu tư cho nông dân chứ chưa phải là tiền bồi thường”.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Hồ Thúc Tiên- Trưởng phòng Nông nghiệp H.Châu Đức cho biết, hiện đang thống kê thiệt hại của người dân. Theo thống kê ban đầu có khoảng 50ha bắp bị thiệt hại bởi giống bắp NK67.

K.Cương-N.Long-T.Tín

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.