Những ngày qua, thông tin về trộm cắp nông sản ở các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa được phản ánh trên báo chí khiến bà con nông dân không an tâm.
Tại Đà Lạt, khu vườn trồng a ti sô của một gia đình bị kẻ trộm nhổ sạch 3.000 cây khiến bà con khu vực Thái Phiên lo lắng. Hơn nửa năm trước, cũng tại Đà Lạt, một vườn hoa của người dân bị kẻ trộm “dọn sạch”.
Tại Đồng Nai, vừa qua, kẻ trộm đã lẻn vào các vườn tiêu, cắt những dây tiêu đang cho trái của bà con đem bán.
Trước nay, thông tin trộm cắp ở Tây nguyên thường rộ lên vào mùa bà con thu hoạch cà phê. Lợi dụng tình trạng rẫy cà phê nằm trong vùng sâu, vùng xa, bọn trộm cắp ngang nhiên vào rẫy hái trộm cà phê chín. Họ đi vài ba người, đem cả bao đựng và xe gắn máy để chuyên chở; sẵn sàng chống trả hoặc dọa dẫm chủ rẫy để thoát thân. Nay thì mùa cà phê chưa vào vụ, kẻ trộm cắp xoay sang dây tiêu, cây a ti sô. Nghĩa là có thứ gì, họ sẵn sàng trộm cắp thứ đó; trừ những thứ bán giá quá rẻ hoặc bán không được như hành tây, cà chua…
Tình hình trên đặt ra nhiều thách thức cho cơ quan chính quyền và lực lượng công an các địa phương. Thực sự, địa bàn các cơ quan chức năng quản lý là địa bàn rộng, địa hình thường là vùng đồi gò, mùa mưa lại đang bắt đầu nên đường sá trơn trượt. Cho nên, khi nhận thông tin kẻ trộm cắp hoành hành thì việc truy bắt gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, tuy khó không có nghĩa là không có biện pháp.
Biện pháp cơ bản chính là chính quyền cần quan tâm, để ý tới một bộ phận thanh thiếu niên vô công rỗi nghề, sống theo kiểu lấy đêm làm ngày, hay la cà quán sá nhậu nhẹt. Có một bộ phận thanh niên vùng sâu vùng xa không có nghề nghiệp gì để làm, học hành cũng ít. Mặc dù vậy, không nên vin vào đó mà buông thả cho con em có hành vi trộm cắp, vi phạm pháp luật.
Bên cạnh các chính sách quan tâm theo dõi, lực lượng công an và chính quyền địa phương phải thể hiện rõ quyết tâm, truy bắt hiệu quả các thủ phạm trộm cắp. Thật khó có thể chấp nhận việc tại thành phố Đà Lạt để xảy ra trộm cắp cả vườn hoa, nhưng sau nửa năm thì lực lượng công an chỉ “khoanh vùng” nghi can do không bắt quả tang, để rồi lại xảy ra một vụ trộm cây a ti sô nghiêm trọng khác. Điều đó chứng tỏ lực lượng công an chưa làm việc hiệu quả, có vụ trộm đó nhưng có bắt quả tang được đâu.
Nếu tiếp tục thiếu hiệu quả như thế thì người nông dân khó có thể yên tâm canh tác. Điều này đe dọa sự thành công của chính sách tam nông mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Khi đó, thiệt hại không còn là một vài vườn hoa, một vài vườn tiêu… mà còn là cả chính sách quan trọng của đất nước. Trách nhiệm, ngay bây giờ thuộc về chính quyền địa phương.
Bình luận (0)