Nông dân muốn làm cánh đồng mẫu lớn

21/09/2022 16:02 GMT+7

Đó là một trong nhiều kiến nghị được đưa ra tại buổi tọa đàm “Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Gỡ rào cản, phát huy nội lực” do Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức ngày 21.9.

Có mặt từ sự kiện rất sớm, ông Cao Văn Tấn, đến từ tỉnh An Giang, đại diện cho hàng triệu nông dân Việt Nam, nêu những tồn tại trong lĩnh vực đất nông nghiệp như việc người có đất nhiều thì được canh tác, còn người có đất ít lại cho người có đất nhiều thuê. Nhiều nông dân muốn dồn điền để làm nông nghiệp quy mô lớn vì hiện nay đã cơ giới hóa máy bay không người lái một ngày có thể bón phân cho 20 ha, nên việc canh tác 100 ha lúa không phải vấn đề lớn. Nhưng hiện nay, việc dồn điền đổi thửa đang gặp khó khăn vì vướng quy định về hạn mức. Đây là điều bất cập của người nông dân, luật Đất đai sửa đổi sắp tới cần nêu rõ vấn đề hạn điền.

“Người dân muốn tăng hạn điền lên mức 15 - 20 lần thì mới đủ điều kiện để đầu tư phát triển nông nghiệp. Vậy nhưng, nông dân chưa được hỗ trợ trong việc tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp, dẫn tới cạnh tranh giá thành sản phẩm, thua thiệt so với các nước trên thế giới. Đất không thể nở ra. Nhà nước cần có biện pháp hỗ trợ để nông dân tích tụ ruộng đất, sản xuất lớn”, ông Cao Văn Tấn nói.

Cần sửa luật để thêm cơ chế cho nông dân được dồn điền, gom đất nông nghiệp nhằm làm các cánh đồng mẫu lớn

ĐÌNH SƠN

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP.HCM, cho biết hiện tổng quỹ đất của Hiệp hội đang có là 17.000 ha để làm nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghệ cao hàng năm đóng góp 50 tỉ USD. Do vậy, quy hoạch cần phải dành quỹ đất cho khu công nghiệp - khu chế xuất, bởi đóng góp rất lớn cho kinh tế TP.HCM.

"Về giá đất, chúng tôi rất khổ tâm vì ách tắc nhiều năm chưa được tháo gỡ. Nên có phần cứng là khung giá đất nhưng phần mềm là hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) để tính tiền sử dụng đất cho nhanh. Khi có hệ số K rồi cứ nhân với bảng giá đất là xong. Như vậy, TP.HCM và các tỉnh, thành dễ định giá đất", ông Nguyễn Văn Bé đưa ra ý kiến và góp ý, Nhà nước cần phải tích cực xây dựng dữ liệu về đất đai, thông tin quy hoạch, thị trường đất đai để điều hành đất đai của toàn quốc, nhằm đảm bảo giá đất sát với giá thị trường và hiệu quả kinh tế.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết, việc xây dựng thông qua dự thảo luật Đất đai sẽ trình Quốc hội kỳ họp thứ 4 tới đây. Đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ thảo luận và cho ý kiến lần 2. Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội cho ý kiến lần 3 và nếu như dự thảo đạt chất lượng sẽ thông qua luật Đất đai vào năm 2023.

Các ý kiến cho rằng, sửa luật lần này làm sao nâng cao hiệu quả đất nông nghiệp, đó là bài toán hạn ngạch, quyền và nghĩa vụ sử dụng đất nông nghiệp. Đồng thời tính đến phương án mở rộng hạn ngạch về sử dụng đất nông nghiệp và mở rộng đối tượng chuyển nhượng, cơ chế tích tụ đất nông nghiệp, lập ngân hàng đất nông nghiệp để cho người nông dân thuê…

Ngoài ra, nâng cao hiệu quả sử dụng đất là điểm nhấn mạnh; sẽ có khái niệm đa mục đích như sản xuất nông nghiệp kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng; nông nghiệp xây dựng nhà máy sơ chế, nhà kho, nhà màng… Mục tiêu cuối cùng là làm sao để khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất, tránh lãng phí, thất thoát.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.