Trước thực trạng nguồn nước giảm và giá cả lúa gạo đi xuống, nhiều nông dân Thái Lan bắt đầu đến lớp, học về cách trồng trọt, canh tác khác.
Nông dân Thái Lan dự một hội thảo đào tạo do chính phủ tổ chức - Ảnh: Bloomberg |
Cô nông dân Prapatpon Rungsatien ngồi trên một chiếc ghế nhựa trong lớp học ở nông thôn Thái Lan cùng với 49 người hàng xóm của cô. Họ cùng nghe buổi nói chuyện về kinh tế Đông Nam Á.
Cô Prapatpon năm nay 48 tuổi, đi học lại từ tháng trước theo chương trình đào tạo do nhà nước tài trợ, giúp đỡ nông dân không còn thâm canh lúa nước và dạy họ cách trồng trọt các loại cây trồng khác.
Với bài giảng mở rộng từ kế toán đến chăn nuôi gà, chính phủ Thái Lan đang cố gắng giảm bớt kho dự trữ ngũ cốc chất cao khi nông dân nước này đối mặt với đợt hạn hán tồi tệ nhất trong hai thập niên.
Chính phủ Thái Lan, đất nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã tư vấn cho nông dân cách trồng loại cây khác thay lúa gạo trong một thập niên qua. Giờ đây, đứng trước tình hình nguồn nước và giá cả suy giảm, càng có nhiều lý do để đẩy mạnh nỗ lực này.
“Những gì chúng tôi đang cố gắng thực hiện là bơm một lượng tiền vào ngành này, cố gắng giúp đỡ họ, cố gắng chỉ họ cách làm thế nào để tồn tại trong giai đoạn khó khăn hiện nay”, Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Apisak Tantivorawong nói.
Cô Prapatpon Rungsatien - Ảnh: Bloomberg
|
Hạn hán xảy ra vì El Nino sẽ làm giảm 84 tỉ baht, tương đương 2,4 tỉ USD, của nền kinh tế Thái Lan và làm hạ nhu cầu các loại hàng hóa như xe cộ, thiết bị điện và máy móc nông nghiệp, theo báo cáo của ngân hàng TMB.
Nông nghiệp chiếm 8% trong GDP Thái Lan. Sản lượng nông nghiệp đã giảm từ 7% đến 8% mỗi năm trong hai năm qua và nợ nông dân trên thu nhập nông nghiệp đang ở quanh mức 100%, nhà kinh tế Santitarn Sathirathai thuộc Credit Suisse ở Singapore cho biết.
Trở lại trường lớp đồng nghĩa với việc những người nông dân như cô Prapatpon có thêm ý tưởng và chiến lược mới để tồn tại trên trang trại của mình ở tỉnh Chai Nat, cách thủ đô Bangkok 190 km về phía bắc. Dù vậy, cô vẫn chia sẻ: “Tôi không thể ứng dụng được những điều này”.
Là nông dân trồng lúa thế hệ thứ tư trong gia đình, cô Prapatpon thu hoạch 3 vụ mỗi năm, liên tục trong 15 năm cho đến trận hạn hán năm 2014. Lần thu hoạch cuối cùng của cô không khả quan như mọi khi và đa số lúa bị chuột ăn.
“Tôi đã nghĩ tới chuyện trồng đậu xanh, nhưng thậm chí chẳng còn đủ nước để trồng chúng. Đất canh tác của tôi khô và nứt. Làm thế nào để tôi trồng được cây gì? Tôi thậm chí còn không thể lấy nước từ dưới đất”, cô Prapatpon nói.
Trăn trở của cô Prapatpon thể hiện khó khăn trong việc tìm ra biện pháp khả thi giải quyết hạn hán. Chính phủ Thái Lan đã phê duyệt 11,2 tỉ baht cho các chương trình giúp đỡ nông dân, trong đó có việc khuyến khích họ trồng các loại cây cần ít nước và cho họ thêm thời gian để trả nợ.
Đập Bhumibol và Sirikit, hai nguồn nước chính cho đồng bằng miền trung Thái Lan ở mức thấp nhất kể từ năm 1994 và chính phủ xứ sở chùa vàng muốn giảm sản lượng lúa gạo xuống còn 27 triệu tấn, bắt đầu từ vụ mùa tháng 5 năm nay.
Bình luận (0)