|
Không đáp ứng kịp nhu cầu
Đến cuối tháng 4.2013, nông dân ĐBSCL sẽ thu hoạch dứt điểm 1,55 triệu ha lúa đông xuân. Nhờ sử dụng máy GĐLH, nông dân đã giải quyết khá tốt khâu thu hoạch lúa, trong bối cảnh nông thôn ĐBSCL hiện đang thiếu nguồn nhân lực cắt lúa. Cách đây hơn 15 năm, máy GĐLH chỉ được một số khách hàng nước ngoài đưa vào đồng ruộng Việt Nam ở dạng trình diễn. Đến giữa năm 2007, ĐBSCL có khoảng 476 máy GĐLH và 3.000 máy gặt xếp dãy. Năm 2013, số lượng tăng vọt lên khoảng 13.000 máy gặt lúa, trong đó có 9.500 máy GĐLH. Diện tích lúa gặt bằng máy của các địa phương trong khu vực dao động từ 40 - 70%. Thu hoạch bằng máy GĐLH giúp tiết kiệm 900.000 đồng/ha so với thu hoạch bằng tay. Tổn thất ở khâu này từ 5,6% giảm xuống còn 2%. Việc phát triển nhanh máy GĐLH đã làm thay đổi tập quán canh tác ở ĐBSCL. Người dân có thể bán lúa tươi tại ruộng cho thương lái.
GS-TS Bùi Chí Bửu, Phó viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, nhận định: “Nhiều nước trên thế giới thật sự ngạc nhiên và kính nể Việt Nam trong việc triển khai gieo sạ đồng loạt để né rầy. Đây là một bước tiến đáng ghi nhận của ngành nông nghiệp và nông dân ĐBSCL”. Song, điều này cũng tạo ra thách thức lớn cho khâu thu hoạch, khi phải giải quyết dứt điểm hàng chục ngàn héc ta lúa chín đồng loạt tại địa phương trong khoảng thời gian ngắn. “Lúa đang chín rục ngoài đồng. Gia đình tui chờ máy GĐLH đã hơn 5 ngày nay mà chẳng thấy đâu. Lúa chín để lâu nên bị đổ sập, giờ tui phải thuê máy GĐLH với giá hơn 400.000 đồng/công, thay vì lúa không sập chỉ 320.000 đồng/công”, lão nông Lê Văn Đen (ngụ H.Vị Thủy, Hậu Giang) than thở. Đây cũng là tình cảnh chung của hàng ngàn nông dân ĐBSCL trong vụ lúa đông xuân này.
Máy GĐLH thành… xe cộ lúa
“Muốn đẩy nhanh và đạt được tỷ lệ cơ giới hóa cao, ĐBSCL cần tiến hành quy hoạch cho toàn vùng, phải xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế hoàn chỉnh và áp dụng các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp…”, tiến sĩ Hoàng Bắc Quốc, Viện lúa ĐBSCL, cho biết. Trong sản xuất lúa, nếu hệ thống giao thông nông thôn và thủy lợi nội đồng hoàn chỉnh sẽ thuận lợi cho việc di chuyển máy móc đến đồng ruộng, dễ dàng trong việc điều tiết tưới tiêu, cày ải, gieo lúa và thu hoạch bằng máy móc. Cơ giới hóa càng tăng, hình thức tổ chức sản xuất cũng phải phát triển cho phù hợp. Sản xuất có tỷ lệ cơ giới hóa cao không thể theo dạng cá thể, phân tán, manh mún mà phải dựa vào sản xuất tập trung cùng với phân công lao động. Một máy GĐLH đạt năng suất mỗi ngày 5 - 7 ha không nên dùng thu hoạch lúa cho một hay vài nông hộ, mà phải phục vụ thu hoạch cho nhiều nông hộ ở nhiều vùng khác nhau. Hình thức sử dụng máy móc theo hướng dịch vụ như hiện nay ở ĐBSCL sẽ cho thời gian khấu hao máy nhanh và đạt hiệu quả kinh tế cao. Sự xuất hiện ngày càng nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn đã tạo điều kiện cho việc sử dụng máy GĐLH.
Song, có một điều đáng buồn là hiện nay, nền cơ khí của chúng ta chưa tìm được cách tiếp cận hiệu quả để đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa ngày càng cao của nông dân. “Nhiều máy GĐLH cùng xuất hiện, tất nhiên nông dân chúng tôi phải chọn loại máy tốt và ít hao hụt. Điều này chỉ có máy GĐLH do Nhật sản xuất mới đáp ứng được”, anh Tư Nhứt (ngụ xã Long Bình, H.Long Mỹ, Hậu Giang) nói. Hiện máy GĐLH của Trung Quốc sản xuất chất lượng không cao, hay bị hỏng hóc; còn máy của doanh nghiệp Việt Nam khi hư rất khó kiếm phụ tùng thay thế. “Gần như máy GĐLH của Việt Nam và Trung Quốc được nông dân ĐBSCL cải hoán thành… xe cộ lúa”, ông Phạm Văn Quỳnh, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.Cần Thơ, cho biết. Đây là một thực tế xót xa cho hệ thống cơ khí của Việt Nam, khi chưa phát triển kịp thời với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn.
Tường Vy
Bình luận (0)