Thu hoạch lúa ở xã Phú Nhuận, H.Cai Lậy - Ảnh Hoàng Phương |
Mỗi người chưa được 1 công ruộng
Cách đây vài năm, Hợp tác xã (HTX) Mỹ Thành (xã Mỹ Thành Nam, H.Cai Lậy, Tiền Giang) khá nổi tiếng nhờ mô hình trồng lúa sạch, lúa cẩm theo quy trình GlobalGAP. Nhưng trồng xong rồi bán không được nên hợp đồng bị bể và nông dân phải tìm cách để tự cứu mình. Ông Tạ Văn Quận, quyền Chủ nhiệm HTX Mỹ Thành, cho biết trước đây HTX được một công ty đầu tư trồng hơn 100 ha lúa sạch. Nhưng rồi lúa sạch không tiêu thụ được nên nông dân bỏ lúa sạch, trồng lúa thường. Vụ đông xuân vừa qua, HTX được Công ty TNHH Tân Thành (Cần Thơ) đầu tư thí điểm 32 ha theo phương thức công ty cung cấp giống, sau thu hoạch nông dân trả lại tiền. Phân bón, thuốc trừ sâu nông dân tự mua, nhưng theo chỉ định của một kỹ sư được công ty thuê trực tiếp kiểm tra, theo dõi đồng ruộng. Toàn bộ sản phẩm làm ra công ty mua tại ruộng với giá 5.900 đồng/kg. Kết quả là vụ này nông dân thắng lớn vì năng suất đạt hơn 10 tấn/ha và mỗi công đất nông dân lời hơn 4 triệu đồng. Riêng vụ hè thu mới đây năng suất thấp hơn, bình quân 5,2 tấn/ha, nhưng nhà đầu tư vẫn mua tại ruộng với giá 5.900 đồng/kg lúa tươi.
Tuy nhiên, có một nghịch lý là nhiều năm liền ĐBSCL liên tục trúng mùa, nhưng trên thực tế rất ít người giàu được nhờ làm ruộng. Theo ông Quận thì do bình quân diện tích canh tác quá ít. Chẳng hạn như tại HTX Mỹ Thành, rất ít gia đình có được 2 ha đất. Trong ấp hơn 280 hộ thì chỉ 1 hộ có 4 ha. Đa số còn lại chỉ có 4-5 công trong khi cả nhà tới 5-6 miệng ăn. Vì ruộng đất quá ít nên nông dân phải làm thêm nghề phụ như nuôi heo, gà, vịt nhưng cũng đầy rủi ro. Ví dụ để con heo đạt 1 tạ thì tốn chi phí khoảng 3,8 triệu đồng. Nếu thuận lợi và bán được giá 4,7-4,8 triệu đồng/tạ thì có lời. Còn năm trước, có lúc giá 1 tạ heo chỉ từ 3,3-3,5 triệu đồng nên người nuôi bị lỗ nặng.
Cũng theo ông Quận thì ở vùng này mỗi năm chỉ độc canh 3 vụ lúa. Ngoài ruộng của mình, người nào giỏi thì mỗi vụ làm thuê thêm được 10 ngày. Thời gian còn lại không có việc làm, trong khi bây giờ thu hoạch lúa đều sử dụng máy. Đây chính là lý do khiến hầu hết nam nữ thanh niên và người trong tuổi lao động bỏ ruộng lên thành phố làm công nhân hoặc làm đủ thứ nghề kiếm sống. Thậm chí, nhiều thiếu niên mới 15 tuổi đã ly hương…
Những con số 90%...
Than phiền chuyện xăng dầu, phân bón, thuốc sâu… mọi thứ đều tăng giá, ông Quận đưa ra cuốn sổ nhỏ và nói ở đây nhà nào cũng có cuốn sổ như vậy để đầu vụ tới đại lý mua phân bón, thuốc sâu ghi nợ, cuối vụ trả và chịu thêm tiền lãi. Biết vậy là bị thiệt nhưng 90% hộ nông dân đều phải chấp nhận. Tương tự, có tới 90% hộ nông dân mắc “nợ khó trả” các ngân hàng. Trong đó, đa số người nghèo phải chọn giải pháp vay đổi đầu nợ: tới đáo hạn thì chạy mượn tiền hoặc vay nóng bên ngoài để thanh lý hợp đồng cũ rồi làm khế ước vay nợ mới. Vì vậy mà nhà nào cũng mắc nợ năm này qua năm khác, sổ đỏ thì luôn nằm ở ngân hàng. Nhà ông Quận làm 7 công ruộng nhưng tới 7 miệng ăn nên “đời sống chỉ tạm ổn”. Nợ ngân hàng 40 triệu đồng nhưng 2 năm rồi chưa trả được.
Nhận xét về gói hỗ trợ của Chính phủ để doanh nghiệp mua gạo tạm trữ, ông Quận cho rằng đa số nông dân không hưởng được. “Năm nào cũng vậy, khi Chính phủ công bố gói hỗ trợ thì nông dân đã bán hết lúa cho thương lái rồi. Bán ngay tại ruộng, bây giờ đâu còn ai đem lúa về nhà ví trong bồ như xưa nữa, chỗ đâu mà chứa. Hơn nữa, thực tế có rất ít doanh nghiệp đầu tư trực tiếp cho nông dân. Đa số các doanh nghiệp chỉ mua gạo và mua tại kho chứ đâu có mua lúa tại ruộng như thương lái”, ông Quận nói.
Lý giải về việc đời sống nông dân còn quá nghèo, ông Trần Văn Tiếp (ấp Bình Thới, xã Bình Phú, H.Cai Lậy) nói: “Theo tôi, đa số nông dân nghèo vì đất canh tác quá ít, chi phí sản xuất cao. Chúng tôi làm ra hạt lúa nhưng không có quyền định giá bán. Nuôi heo, gà, vịt thì nguy cơ bị dịch bệnh, thua lỗ, nên lúc nào cũng bấp bênh”. Theo ông Tiếp, ở vùng này mỗi gia đình có 4-5 người trong khi bình quân mỗi hộ chỉ được khoảng 3 công ruộng. Thu nhập ít nhưng tất cả chi phí đám tiệc, điện, nước, học hành, chữa bệnh… đều trông chờ vào 3 vụ lúa.
“Ví dụ như ấp Bình Thới có 322 hộ, 1.460 người, trong khi diện tích canh tác chỉ có 118 ha. Tính ra bình quân mỗi người có chưa tới một công đất, thì làm sao mà giàu và không bỏ quê lên thành được? Như con tôi, cả 3 đứa đều kiếm sống ở TP.HCM. Vợ chồng tôi thì ở nhà chăn nuôi và giữ cháu nội”, ông Tiếp nói.
Hoàng Phương
Bình luận (0)