'Nóng' lại cuộc đua hàng không

05/03/2022 07:12 GMT+7

Thị trường hàng không vừa chớm hồi phục đã đón nhận thêm tân binh là Sun Air và dự kiến thêm IPP Air Cargo vào đường đua.

Tín hiệu tích cực là cả hai hãng hàng không mới đều chọn phân khúc ngách là vận tải hàng hóa và hàng không siêu sang.

Dù vậy, với việc hồi phục khá chậm của các đường bay quốc tế cũng như đón khách du lịch quốc tế, năm 2022 được dự báo vẫn chưa dễ dàng với các hãng hàng không.

Chọn thị trường ngách

Ngày 2.3, Tập đoàn Sun Group chính thức nhận được giấy phép thành lập Hãng hàng không Sun Air. Dù thông tin được công bố khá bất ngờ, song thực tế quá trình thành lập hãng đã được tập đoàn này chuẩn bị khá kỹ từ cách đây 2 năm. Tương tự, sau hơn 1 năm gián đoạn thủ tục vì ảnh hưởng của thị trường hàng không do Covid-19, hãng hàng không chuyên chở hàng hóa IPP Air Cargo của Công ty CP liên Thái Bình Dương (IPP) đã lọt qua vòng thẩm định của Cục Hàng không VN, bước quan trọng về mặt chuyên môn trước khi được chính thức thông qua.

Cả IPP Air Cargo và Sun Air đều tham gia vào lĩnh vực hàng không chung với 2 phân khúc lần lượt là vận tải hàng hóa và cho bay thuê chuyến, bay tư nhân hạng sang. Theo một chuyên gia hàng không, việc lựa chọn phân khúc ngách không có nhiều đối thủ ở trong nước sẽ giúp các tân binh này có nhiều cơ hội về khách hàng.

Trong hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vận tải hàng không, Sun Air xác định khách hàng mục tiêu là nhóm khách có khả năng chi trả cao, khách VIP, lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn lớn... có nhu cầu sử dụng máy bay cá nhân. Ngoài ra, hãng này cũng sẽ cung cấp các dịch vụ như bay thuê chuyến, quản lý máy bay tư nhân, dịch vụ khai thác tại cảng và hậu cần. Thị trường mục tiêu mà Sun Air hướng tới là VN, Thái Lan, Singapore, Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Mạng đường bay cũng sẽ được thiết lập dựa vào nhu cầu của khách hàng.

Năm 2022 dự báo thị trường hàng không sẽ hồi phục nhưng chưa thể đạt được như trước đại dịch

Đậu Tiến Đạt

Với lựa chọn tiêu chí hạng sang, hãng này dự kiến khai thác bằng các dòng máy bay phản lực thương gia Gulfstream G650ER, Gulfstream G700 có tầm bay xuyên lục địa. Đây được xem là mảng thị phần chưa có đối thủ trong nước hiện nay, song sẽ phải cạnh tranh với nhiều hãng nước ngoài có thế mạnh khai thác bay charter tới các điểm du lịch nổi tiếng.

Còn trong đề án thành lập IPP Air Cargo, mục tiêu doanh nghiệp này đưa ra là góp phần thúc đẩy tăng trưởng 10 - 15%/năm (dự kiến sản lượng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không sẽ tăng dần trong các năm, tỷ lệ bình quân dự kiến 18 - 20%). Theo đánh giá, sự tham gia của VN vào “Bầu trời mở ASEAN” - hiệp định về tự do hóa vận tải hàng không có hiệu lực từ năm 2015 giúp xóa bỏ kiểm soát giá cước, tần suất và khả năng thực hiện các chuyến bay trong khu vực. Điều này được xem là cơ hội cho IPP Air Cargo mở rộng thị trường. Về quy mô đội máy bay, hãng này dự kiến khai thác bằng dòng máy bay B737/B777/A330 với tổng số 5 chiếc giai đoạn đầu theo hình thức thuê khô (thuê không có tổ bay) và tăng dần lên 10 chiếc trong 5 năm tiếp theo.

Theo Cục Hàng không VN, dự báo năm 2022, sản lượng hành khách vận chuyển ước đạt 42 - 47 triệu lượt khách, tăng 170 - 200% so với năm 2021, nhưng vẫn giảm trên 40% so với năm 2019. Riêng thị trường nội địa, lượng hành khách vận chuyển ước đạt từ 33 - 35 triệu lượt khách, giảm 6 - 10% so với năm 2019. Tuy nhiên, sản lượng hàng hóa vận chuyển đạt 1,52 triệu tấn, tăng 16,4% so với 2021 và tăng 21,2% so với năm 2019.

Thị trường vận tải hàng hóa bằng đường hàng không đang đứng trước cơ hội rất lớn nhờ dịch Covid-19 cùng giá cước vận tải biển tăng vọt. Bản thân các hãng chuyên chở khách như Vietnam Airlines hay Vietjet, Bamboo Airways cũng đang tham gia rất quyết liệt vào thị trường này. Hiện các hãng này đang sử dụng máy bay hoán cải từ chở khách sang chở hàng, song đều đã có kế hoạch thành lập các đội máy bay chuyên chở hàng hóa riêng.

Cạnh tranh gay gắt

Hiện thị trường vận tải hàng hóa hàng không của VN vẫn chủ yếu nằm trong tay các hãng bay ngoại với hơn 80% thị phần. Trong số gần 70 hãng hàng không quốc tế khai thác các đường bay tới VN (trước dịch), có gần 20 hãng hàng không nước ngoài chuyên chở hàng hóa bằng máy bay chuyên dụng như: UPS, Fedex (Mỹ), China Airlines, Eva Air (Đài Loan), Korean Air, Asiana Airlines (Hàn Quốc), Japan Airlines, All Nippon Airways (Nhật Bản), Cathay Pacific, HongKong Airlines, Air HongKong (Hồng Kông), China Southern (Trung Quốc), Singapore Airlines, Malaysia Airlines, Cargolux (Luxemburg), Airbrigde Cargo (Nga), Aerologic (Đức), Etihad Airways, Qatar Airways...

Việc ra mắt Hãng hàng không Sun Air hoàn toàn nằm trong lộ trình phát triển bền vững của Sun Group. Sun Air sẽ không chỉ thêm một mảnh ghép mới trong bức tranh hệ sinh thái các sản phẩm, dịch vụ chất lượng - đẳng cấp - khác biệt của Sun Group, mà còn góp phần khai mở sự phát triển của phân khúc hạng sang trong ngành hàng không chung VN - lĩnh vực đầy tiềm lực ở nhiều quốc gia giàu có trên thế giới. Với dịch vụ bay thuê chuyến, tham quan bằng trực thăng và thủy phi cơ, Sun Air cũng sẽ kết nối những sản phẩm đẳng cấp nhất trong hệ sinh thái du lịch nghỉ dưỡng - vui chơi giải trí - bất động sản của Sun Group, tạo nên chuỗi trải nghiệm thượng lưu khép kín, an toàn, tiện nghi và riêng tư đầu tiên tại VN. Đây sẽ là dòng sản phẩm đi trước đón đầu, dẫn dắt xu hướng, góp phần ghi tên VN lên bản đồ du lịch cao cấp thế giới.

Ông Đặng Minh Trường (Chủ tịch HĐQT Sun Group)

Vietnam Airlines đã nghiên cứu dự án thành lập hãng vận tải hàng hóa freighter từ khá lâu, cách đây 4 - 5 năm và đang xúc tiến sớm việc thành lập. Bamboo Airways cũng cho biết sẽ phát triển những máy bay chuyên dụng chở hàng hóa và hướng tới thành lập Bamboo Airways Cargo.

Theo ông Bùi Doãn Nề, Phó chủ tịch Hiệp hội Hàng không VN, nếu IPP Air Cargo chính thức được cấp phép, sẽ có tác động như đòn bẩy thúc đẩy nhanh hơn quá trình thành lập các đội bay chuyên chở hàng hóa riêng của các hãng hiện nay. Về lâu dài, việc tham gia vào đường đua lập Air Cargo dù sẽ phải cạnh tranh giữa chính các hãng trong nước, song sẽ giúp hàng không VN hình thành được đội bay hàng hóa đủ mạnh để cạnh tranh và lấy dần lại thị phần từ tay các hãng ngoại hiện nay.

Dù vậy, trước mắt việc chào đón thêm 2 tân binh cũng sẽ chưa có quá nhiều tác động đến thị trường. Với thị trường bay quốc tế, sau 2 năm gián đoạn vì dịch, hiện VN mới chỉ khôi phục được đường bay tới 20 nước. Riêng đường bay tới Trung Quốc - vốn là thị trường lớn thứ 2 chỉ sau Hàn Quốc với 7 triệu lượt khách (năm 2019) vẫn chưa thể khôi phục do vướng các quy định phòng chống dịch của nước này. Những rào cản lớn liên quan các biện pháp kiểm soát dịch với du khách quốc tế chưa được tháo bỏ (Bộ Y tế quy định vẫn cách ly 3 ngày với khách quốc tế nhập cảnh), được dự báo sẽ khiến tốc độ hồi phục của cả hàng không và du lịch quốc tế sẽ bị chậm lại.

Ông Bùi Doãn Nề đánh giá thị trường hàng không sụt giảm rất mạnh trong 2 năm qua, nên phải từng bước khắc phục những “đứt gãy” và xử lý vấn đề cốt lõi như các chính sách thu hút du lịch: miễn visa, bỏ các quy định cách ly... Chuyên gia này cũng cho rằng cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng để đón đầu sự phục hồi. Đặc biệt, VN cần tháo gỡ các rào cản để sớm lấy lại vị thế một trong 5 nước tăng trưởng hàng không nhanh nhất thế giới như trước đại dịch và dẫn đầu khu vực về tốc độ tăng trưởng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.