Nóng lòng vay qua Facebook, bị lừa sạch tiền trong tài khoản

26/09/2020 09:15 GMT+7

Mới đây, chị T.G (38 tuổi, ngụ Đắk Lắk) gọi điện đến Đường dây nóng Báo Thanh Niên khóc nức nở vì cần tiền, chị vay vội qua các app quảng cáo trên Facebook nhưng lại bị lừa hết những đồng tiền cuối cùng trong tài khoản.

Tin vì thủ tục vay nhanh gọn

Theo lời chị G., khi thấy quảng cáo cho vay tín chấp trên một trang Facebook với lời chào mời: “Vay theo số dư tài khoản ngân hàng là hình thức vay mà người đi vay không phải chứng minh thu nhập, hoặc không cần người bảo lãnh để vay”, chị liền liên hệ để vay 40 triệu đồng. Khi hỏi về hồ sơ vay, chị G. càng hồ hởi vì bên cho vay nói không phải gửi bất cứ hồ sơ gì, chỉ cần gửi CMND, hợp đồng lao động kèm theo các thông tin về tài khoản ngân hàng cũng như số dư tài khoản hiện có là 3,7 triệu đồng của mình.
Chị G. kể, sau khi cung cấp số điện thoại, bên cho vay nói lát sau sẽ có số điện thoại đầu số 028 gọi để nhận mã xác minh. Sau đó, chị nhắn lại mã này vào một nick Zalo, đầu bên kia xác nhận đúng mã và gửi về tin nhắn với nội dung: “Hỗ trợ gói vay 40 triệu góp trong vòng 24 tháng, tổng số tiền trả hằng tháng là 2 triệu. Thanh toán hằng tháng theo: chuyển khoản ngân hàng, trực tuyến qua các cổng giao dịch trực tuyến...”.
Khi chị G. xác thực vay, thông báo từ Momo liên tục gửi về báo trừ tiền tài khoản kèm mã OTP. Bên cho vay yêu cầu chị cung cấp mã này, nhiều lần như vậy tiền tài khoản bị trừ đều, chị G. thắc mắc thì được giải đáp, đây là tiền phí bảo hiểm, trừ xong sẽ được hoàn lại. Phí này để đảm bảo bên bảo hiểm sẽ đứng ra chi trả với bên cho vay khi chị G. gặp rủi ro hoặc mất khả năng chi trả.
Mỗi lần thấy chị G. gửi chậm, bên cho vay liên tục nhắn hối thúc. “Tôi đang rất cần tiền vì gần như rơi vào bế tắc nên vẫn gửi liên tiếp như vậy đến khi bị trừ hết 3,7 triệu đồng trong tài khoản. Tôi thắc mắc sao trừ hết tiền mà chưa giải ngân thì bên kia đã chặn số điện thoại của tôi rồi. Lúc ấy tôi mới biết mình bị lừa”, chị G. kể.
Nóng lòng vay qua Facebook, bị lừa sạch tiền trong tài khoản

Qua Zalo, chị G. đã cung cấp nhiều lần mã OTP giao dịch nên bị trừ hết tiền trong tài khoản

Uống thuốc ngủ tự tử

Sau một hồi nói về lần bị lừa vay qua Facebook này, chị G. mới tiết lộ, sở dĩ chị cần tiền rất gấp vì quá hạn trả nợ vay qua app. Chị G. mở đầu vòng vay nợ luẩn quẩn của mình như sau, năm ngoái khi đang đi làm, chị quyết định nghỉ việc, vay ngân hàng 70 triệu để buôn bán. Công việc làm ăn thất bại nhưng hằng tháng vẫn phải trả ngân hàng 2,7 triệu đồng. Không có tiền, chị G. bắt đầu vay qua app Doctordong từ tháng 5.2019. Đến hạn trả app này, chị vẫn không có tiền nên vay tiếp app Cashwagon, sau đó là Vdong, Tamo..., cho đến app thứ 24. Tổng số tiền vay của chị đã lên đến hơn 200 triệu đồng.
Chị G. nói: “Vay qua app rất tiện, chỉ cần CMND thôi, có tiền ngay sau 30 phút đăng ký nên chọn cách vay này thay vì đến ngân hàng. Nhưng lãi mẹ đẻ lãi con quá nhiều. Áp lực trả nợ từng khiến tôi phải uống thuốc ngủ tự tử”.
Nghĩ thay vì trả app hằng tháng tiền phạt cao, chị vay luôn qua Facebook 40 triệu để hoàn tất khoản nợ thì bị lừa hết sạch tiền.
Ông Trần Thanh Song, Giám đốc Công ty công nghệ và dịch vụ viễn thông Nam Việt, cho biết khi hacker biết được số CMND và số tài khoản ngân hàng của người dùng thì có thể hack được luôn tên đăng nhập và mật khẩu để vào tài khoản, nhưng chưa thể thực hiện được giao dịch hack tiền vì các ngân hàng đều cài thêm bước bảo mật là dùng mã OTP trước khi giao dịch. Trường hợp này, hacker không giao dịch trực tiếp qua internet banking hay app ngân hàng mà giao dịch qua bên thứ ba là ví điện tử, thì cũng có thể là hacker đã đăng nhập vào tài khoản ví điện tử của người dùng liên kết với tài khoản ngân hàng. Khi đó, ví điện tử gửi lại mã xác nhận, người dùng đã cung cấp mã này cho hacker làm cho việc thực hiện chuyển tiền ngân hàng qua ví điện tử của hacker được thực hiện dễ dàng hơn.
Đồng quan điểm, đại diện marketing một ngân hàng quốc doanh cũng cho hay, mã OTP là chốt chặn cuối cùng để bảo mật tài khoản nhưng người dùng cung cấp cho hacker thì không khác gì việc giao chìa khóa két sắt cho trộm lấy tiền.
Luật sư Lê Trung Phát, Giám đốc Hãng luật Lê Trung Phát, cho biết hiện nay, các đối tượng xấu sử dụng rất nhiều chiêu thức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Họ có thể giả danh nhân viên ngân hàng, công an, tòa án, người tặng quà hay thông qua các các hình thức vay tiền qua mạng. Vì vậy, người dân cần cảnh giác với các đối tượng lạ khi tiếp cận mình. Nếu thấy có yêu cầu bất thường nào đó, ngay lập tức không làm theo yêu cầu của họ, hoặc trình báo với cơ quan công an tại địa phương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.