‘Nóng mặt’ với những trào lưu phản cảm, tục tĩu trên TikTok

04/08/2022 07:26 GMT+7

Hàng loạt trào lưu độc hại tiếp tục nở rộ trên nền tảng TikTok khiến khán giả ngán ngẩm, lên án những người làm nội dung lệch lạc.

Hàng loạt trào lưu phản cảm trên TikTok khiến dân mạng ngán ngẩm

Chụp màn hình

Sáng 1.8, Erik công khai xin lỗi sau khi tiết mục trình diễn biến tướng thành trào lưu phản cảm. Sự việc diễn ra vào tối 31.7 khi một bộ phận khán giả hô to câu nói nhạy cảm để cổ vũ nam ca sĩ hát bài Chạy về khóc với anh. Hành động này bắt nguồn từ một trào lưu đang thịnh hành trên TikTok với hashtag thu hút hơn 12 triệu lượt xem.

Đây không phải lần đầu công chúng ngao ngán, lo ngại trước sự bành trướng của các nội dung độc hại. Gần đây, trend quay clip “săn mây” trên máy bay, ngồi trên băng chuyền hành lý cũng gây “nhức mắt” dư luận. Lê Bống nhận chỉ trích dữ dội khi góp phần “khơi mào” trào lưu nguy hiểm này, và dù xin lỗi sau 2 tuần xảy ra vụ việc nhưng Người đẹp nhân ái của Hoa hậu Thể thao Việt Nam 2022 vẫn hứng “gạch đá” từ cộng đồng mạng.

Lê Bống bị chỉ trích dữ dội vì “bắt trend” quay clip “săn mây” trên máy bay

NVCC/Chụp màn hình

Trước đó, hàng loạt trend từng “làm mưa làm gió”, gây tranh cãi dữ dội như: sex jokes (trò đùa tình dục), PR phim 18+, nhảy múa khoe thân, mặc áo khoe chân ngực, xu hướng làm video ghép nhạc khoe ảnh đi tù, ghép nhạc tôn giáo minh họa cho video có nội dung/bối cảnh dung tục... khiến người dùng ngao ngán.

Điểm chung của các video này là cố tình lôi kéo người xem bằng nội dung phản cảm, giật gân “gắn mác” giải trí. Sau khi xây dựng được lượng tương tác ổn định, chủ khoản sẽ kinh doanh online, nhận quảng cáo sản phẩm hoặc bán kênh.

Xu hướng làm clip sex jokes (trò đùa tình dục) trên TikTok từng gây xôn xao dư luận bởi nội dung phản cảm, gây lệch lạc giới trẻ

Chụp màn hình

Vì mục tiêu lợi nhuận những đối tượng mang danh “nhà sáng tạo nội dung” đã bất chấp đăng tải video không chọn lọc chỉ để hút view. Đối với những kênh có lượng tương tác khủng, một khi chủ khoản “lăng xê” nội dung nào, lập tức chúng sẽ lan nhanh theo cấp số nhân. Chỉ cần một vài clip làm lố, bắt chước có thể giúp họ “nổi như cồn” sau thời gian ngắn, điều đó vô tình đẩy giới trẻ đua nhau bắt chước với hy vọng nổi tiếng ảo.

TikToker Phạm Thoại gây tranh cãi khi xuất hiện trong trang phục “trinh nữ hoàng cung" tại một sự kiện

T.A

Biến tướng độc hại trên mạng xã hội lan rộng dấy lên những lo ngại về sự lệch lạc nhận thức và hành vi của giới trẻ, đặc biệt là trẻ em. Hàng loạt cư dân mạng đã lên tiếng, yêu cầu tẩy chay hoặc báo cáo các kênh có nội dung bẩn. Bên cạnh đó, nhiều người cũng “hiến kế” một số cách tự bảo vệ khi dùng mạng xã hội.

Một số khán giả chia sẻ: “Hãy báo cáo và chặn ngay những thành phần nhảm nhí trên TikTok”, “Đừng ngại bình luận và phản ánh những hành động xấu để người dùng tránh né”, “Chỉ nên theo dõi những kênh bổ ích, chủ động tìm kiếm nội dung muốn xem để tránh lướt phải clip rác”, “TikToker bẩn sẽ không thể tồn tại nếu chúng ta tỉnh táo, hãy mạnh dạn tẩy chay”…

Cách hạn chế tiếp cận nội dung độc hại trên mạng xã hội

Không chỉ TikTok, các nền tảng như Facebook, YouTube cũng tồn tại không ít kênh nhảm nhí, không lành mạnh. Cách đơn giản nhất để tránh xa các video này là chỉ nhấn theo dõi và xem những chủ đề tích cực, bổ ích. Từ đó, các trang này sẽ tự động đề xuất các nội dung tương tự, phù hợp sở thích và nhu cầu người dùng. Trường hợp chúng ta chẳng may tiếp cận nội dung bẩn thì hãy dành vài giây “chặn” hoặc “báo cáo” video/chủ tài khoản để các nền tảng này xem xét và ngừng đề xuất các thông tin tương tự.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.