"Giải cứu" các dự án điện tái tạo
Đó là nhận định được TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng và phát triển xanh, chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến về giá điện. Đánh giá về Quy hoạch điện 8 "nóng hổi" vừa được phê duyệt, ông Sơn nhận định: "Đây là căn cứ quan trọng để triển khai các dự án nguồn điện đáp ứng nhu cầu không ngừng tăng của kinh tế và xã hội, giải bài toán cơ cấu về nguồn điện, kết hợp điện năng lượng tái tạo với nguồn truyền thống như điện than, điện khí... Đồng thời, quy hoạch là căn cứ pháp lý để triển khai loạt dự án đầu tư mở rộng dự án truyền tải điện, cơ sở pháp lý quan trọng để Tập đoàn Điện lực VN (EVN) giải quyết các khó khăn về giá, chính sách liên quan điện tái tạo; giải quyết công suất các dự án điện mặt trời (ĐMT), điện gió đang gặp khó và phát triển ĐMT mái nhà. Mục tiêu đến 2030, 50% mái nhà công sở, hộ gia đình trên cả nước sẽ được phủ kín bằng các tấm pin mặt trời, đáp ứng nhu cầu điện tự dùng".
Trả lời thắc mắc của nhiều bạn đọc về việc lãng phí nguồn điện tái tạo và tính pháp lý của 85 dự án ĐMT, điện gió chuyển tiếp đang chờ bán điện, TS Hà Đăng Sơn cho rằng 85 dự án này đã được bổ sung trong Quy hoạch điện 7 sửa đổi. Về nguyên tắc và nếu không có thay đổi gì thì các dự án này đã có trong Quy hoạch điện 8 mới ban hành. Thông tin thêm, ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN, cho biết 31/85 dự án đã làm việc với Công ty Mua bán điện của tập đoàn. Trong đó, 15 dự án đã thống nhất với Công ty Mua bán điện, hoàn thiện hồ sơ và đang tiến hành thỏa thuận giá, 11 dự án chưa gửi đầy đủ hồ sơ và cần làm rõ một số vấn đề liên quan đến pháp lý dự án; và 5 dự án mới gửi hồ sơ, đang xem xét.
CHUYỂN ĐỘNG KINH TẾ ngày 17.5: Vì sao tăng giá điện mùa nóng? | Thanh niên Trung Quốc thất nghiệp nhiều kỉ lục
Tuy vậy, thách thức lớn nhất để thực hiện Quy hoạch điện 8, theo TS Hà Đăng Sơn là làm sao vừa đảm bảo các cam kết của VN với quốc tế về giảm phát thải điện, khí nhà kính... vừa đảm bảo an sinh xã hội, an ninh năng lượng, đặc biệt là điều chỉnh chi phí liên quan cung ứng điện năng phù hợp tình hình quốc tế và khả năng chi trả của người dân.
Theo ông Sơn, các dự án điện gió, ĐMT được xây dựng, triển khai thời gian qua có công suất rất lớn, song thực tế thống kê điện năng phát thực sự lại có tính ổn định không cao, phụ thuộc nhiều yếu tố. Đơn cử, ĐMT có thời gian phát điện từ 6 - 18 giờ, đỉnh điểm nằm trong giai đoạn 9 - 13 giờ, không phù hợp với đặc thù tiêu thụ điện của các hộ tiêu thụ thông thường. Trong khi đó, điện gió phụ thuộc đặc thù từng khu vực mà dự án được xây dựng. Hiện nay, năng lực phát điện của nguồn này giai đoạn tháng 4, tháng 5 chỉ đạt khoảng 10 - 20% công suất.
"Những dữ liệu trên cho thấy, sản lượng cung ứng thực tế của các nguồn điện gió, ĐMT rất hạn chế và rất khó để mong chờ nguồn điện ổn định, đáp ứng nhu cầu tăng cao mùa nắng nóng", ông Sơn nhận xét.
Nguy cơ cắt điện luân phiên rất cao
Một vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm là nguy cơ thiếu điện và cắt điện luân phiên. Thực tế ở nhiều tỉnh, thành đã có tình trạng này. Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên, nhà báo Lâm Hiếu Dũng, nhấn mạnh: "Chúng ta đã và đang trải qua những ngày nắng nóng lịch sử. Thế nên vấn đề người dân quan tâm nhất hiện nay chính là nguồn cung điện. Các thông tin gần đây của EVN cho thấy, nguy cơ thiếu điện cả miền Bắc và miền Nam là rất lớn. Trong bối cảnh thời tiết cực đoan thế này, nguy cơ bị cắt điện khiến nhiều người lo lắng".
Trả lời vấn đề này, ông Võ Quang Lâm cho biết: "Qua tính toán cân đối cung cầu, nếu đảm bảo cung cấp đủ than cho phát điện, cơ bản đảm bảo cung ứng điện toàn quốc trong mùa khô và cả năm". Hiện nhu cầu phụ tải phía nam đang giảm thấp so với năm 2022, không thiếu nguồn như ở phía bắc. Tuy nhiên, đối với khu vực miền Bắc tiềm ẩn rủi ro thiếu công suất đỉnh khi có sự cố xếp chồng trong các ngày nắng nóng, phụ tải tăng trưởng cao đột biến.
Mặc dù vậy, không thể huy động toàn bộ nguồn phía nam truyền tải ra miền Bắc do giới hạn công suất truyền tải của hệ thống đường dây truyền tải. Thống kê cho thấy, trong giai đoạn từ tháng 4 - 6, miền Bắc có khả năng sẽ gặp tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh với công suất thiếu hụt lớn nhất ước tính lên tới 3.900 GW vào tháng 6 nếu thời tiết nắng nóng cục bộ bất thường (giả thiết tăng trưởng 15%) và một số nguồn điện không đáp ứng yêu cầu vận hành như Nhiệt điện Thái Bình 2, tổ máy S1 của Nhà máy Vũng Áng 1 (đang bị sự cố kéo dài), nguồn điện nhập khẩu từ Lào không kịp vận hành trong tháng 6.
Ví dụ, 6.5 là ngày nghỉ cuối tuần và tiêu thụ điện đã lên 895 triệu kWh/ngày - kỷ lục rất cao so với trước đây, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm 2022. "Bức tranh toàn cảnh không hề đơn giản khi các hồ thủy điện đang có mực nước khá thấp. Cụ thể, 12/12 hồ thủy điện ở miền Bắc có lượng nước về chỉ bằng 50 - 60% so với trung bình hằng năm; miền Nam hay miền Trung cũng có nhiều hồ như Trị An, Đăk R'Tih, Sông Côn 2... với mực nước rất thấp và nhiều hồ về gần mực nước chết hay dưới mực nước tối thiểu vận hành... Bên cạnh đó, theo dự báo năm nay, khả năng cao hiện tượng El Nino sẽ về sớm từ cuối năm 2023 và kéo dài sang 2024, ảnh hưởng đến lượng nước về các hồ thủy điện, gây khó khăn cho sản xuất điện", ông Lâm cho biết và thừa nhận nguy cơ cắt điện luân phiên vào ngày cao điểm nắng nóng, không đáp ứng phụ tải đỉnh... là rất cao.
Bỏ ngỏ khả năng tăng giá điện tiếp
Một nội dung được bạn đọc quan tâm nhiều nhất là tại sao EVN lại chọn thời điểm nắng nóng để tăng giá điện khiến hóa đơn tiền điện có nguy cơ tăng kép. Ông Võ Quang Lâm giải thích: "Hằng năm, sau khi kiểm tra giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN, giá bán điện bình quân được xem xét, điều chỉnh theo biến động khách quan thông số đầu vào của tất cả các khâu so với thông số được sử dụng để xác định giá bán điện bình quân hiện hành. Lần gần đây nhất, EVN điều chỉnh giá điện vào ngày 2.3.2019. Nghĩa là trong 4 năm qua, giá bán lẻ điện không điều chỉnh theo như Quyết định 24/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Vì thế, EVN đã gặp nhiều khó khăn trong công tác đảm bảo sản xuất kinh doanh cung ứng đủ điện cho nền kinh tế quốc dân, phải đối mặt với xu thế giá nhiên liệu thế giới liên tục tăng".
Tại sao ngành điện không chờ đến mùa mưa, dùng ít điện hãy tăng giá?
Chia sẻ này cũng khiến nhiều người lo lắng, với số lỗ hơn 26.000 tỉ đồng, tăng giá điện thêm 3% thì EVN có thêm khoảng 8.000 tỉ đồng, còn 18.000 tỉ tiền lỗ treo ở đó thì liệu ngành điện có tiếp tục tăng giá? Ông Võ Quang Lâm trần tình: Năm 2022 cũng là năm tăng đột biến nguyên liệu đầu vào. Nếu 1 tấn than mua năm 2020 giá khoảng 60 USD, sang 2021 lên 137 USD và đến năm 2022 vọt lên 384 USD/tấn. Như vậy, so với năm 2020 thì tăng hơn 6 lần, so với năm 2021 tăng khoảng 3 lần. 4 tháng đầu năm, giá nguyên vật liệu có giảm, như giá than nhập khẩu từ Indonesia bằng 87% so với năm ngoái.
"Nhưng theo Quyết định 24, điều chỉnh giá điện chỉ được thực hiện 6 tháng một lần và phải được sự chấp thuận của các cấp thẩm quyền cho phép. Việc tăng giá điện dựa trên cơ sở là những chi phí mà cơ quan chức năng rà soát và kiểm soát. Chúng tôi ý thức được rằng, khó khăn của tập đoàn cũng là khó khăn chung. Chính vì vậy, bất cứ sự thay đổi nào cũng phải hài hòa lợi ích giữa tập đoàn, người dân, doanh nghiệp", ông Võ Quang Lâm chia sẻ.
"VN có dư địa rất lớn trong tiết kiệm điện. Nếu mỗi người dân, doanh nghiệp có thể điều chỉnh một chút trong cách sử dụng thì sẽ tiết kiệm được rất nhiều. Ví dụ, vào giờ Trái đất chỉ cần tắt bớt các thiết bị điện không cần thiết đã tiết kiệm được khoảng 500 triệu kWh trong một giờ".
Ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN
Bình luận (0)